Quốc tế

Sự mềm mỏng bất thường của ông Trump trong cuộc “chạm trán” Nga - Ukraine

Việc Tổng thống Donald Trump chậm trễ đưa ra bình luận cũng như thể hiện thái độ mềm mỏng sau khi Nga bắt giữ 3 tàu chiến Ukraine khiến nhiều người hoài nghi về mục đích thực sự của nhà lãnh đạo Mỹ.

Nga sẽ giam giữ 12 thủy thủ Ukraine trong 2 tháng / Tổng thống Trump có thể hủy gặp ông Putin vì căng thẳng Nga - Ukraine

Cận cảnh màn rượt đuổi của tàu chiến Nga và Ukraine


 Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Trong khi nhiều nhà lãnh đạo thế giới nhanh chóng phản đối hành động cứng rắn của lực lượng an ninh Nga đối với 3 tàu chiến Ukraine bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải trong vụ đụng độ tại eo biển Kerch hôm 25/11, Tổng thống Donald Trump đã chờ tới hơn một ngày sau khi vụ việc xảy ra mới lên tiếng. Ông chủ Nhà Trắng đã đẩy trách nhiệm chỉ trích Nga cho Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley - một quan chức sắp từ nhiệm.

Khi được hỏi cảm nhận về vụ đụng độ giữa các tàu Nga và Ukraine, Tổng thống Trump nói ông “không vui”, “không hài lòng chút nào”. Nhà lãnh đạo Mỹ dường như miễn cưỡng đổ lỗi cho Nga.

“Chúng tôi không hài lòng về những gì đã xảy ra. Tôi hy vọng mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa”, ông Trump nói.

Bình luận của Tổng thống Trump được đưa ra chỉ vài ngày trước khi ông dự kiến có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina.

 

Trong vòng 24 giờ sau khi lực lượng an ninh Nga nổ súng và bắt giữ 3 tàu Ukraine gần bán đảo Crimea, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May, các ngoại trưởng Đức, Anh và Canada, các thành viên thuộc Hội đồng An ninh châu Âu gồm Pháp, Thụy Điển, Ba Lan, Hà Lan và Anh, cùng các nhà lập pháp Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi các bên hạ nhiệt căng thẳng.

Trong khoảng thời gian này, cả tổng thống và ngoại trưởng Mỹ đều im lặng dù căng thẳng giữa Nga và Ukraine liên tục leo thang. Sau khi Tổng thống Trump chia sẻ suy nghĩ với các phóng viên, phải đến một ngày rưỡi sau vụ đụng độ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới ra thông báo, bày tỏ “quan ngại sâu sắc”, lên án Nga và kêu gọi cả hai bên kiềm chế.

Phản ứng mềm mỏng

 Tàu hàng Nga chặn lối ra vào eo biển Kerch trong vụ đụng độ hôm 25/11. (Ảnh: RT)

Tàu hàng Nga chặn lối ra vào eo biển Kerch trong vụ đụng độ hôm 25/11. (Ảnh: RT)

Giới phân tích lo ngại sự im lặng của Nhà Trắng cùng phản ứng mềm mỏng của Tổng thống Trump có thể được xem là sự khuyến khích, hoặc ít nhất cũng là sự dung túng của chính quyền Mỹ với các hành động của Nga trong vụ đụng độ với các tàu chiến Ukraine.

 

“Nếu không có phản ứng mạnh mẽ từ phương Tây thể hiện qua các tuyên bố, hoặc nếu không có ai đó nói rằng Nga sẽ phải gánh chịu các hậu quả trừ khi nước này dừng các hành động như vậy, phía Nga có thể kết luận rằng họ được bỏ qua các hành động đó mà không bị trừng phạt”, CNN dẫn lời Steven Pifer, nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đồng thời là chuyên gia về Nga, châu Âu cũng như các nước Liên Xô cũ, nhận định.

“Một điều đáng chú ý là Washington đã im hơi lặng tiếng về vụ việc này trong ngày hôm qua”, ông Pifer, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói. Ông Pifer cho rằng sự kiềm chế của Tổng thống Trump trong trường hợp này không tạo cho nhà lãnh đạo Mỹ một vị thế thuận lợi trong cuộc gặp sắp tới với Tổng thống Putin.

“Điều này sẽ tạo cho ông Putin cảm giác rằng ông có thể thao túng ông Trump, trong khi một tuyên bố quyết đoán (của Mỹ) có thể giành được sự kính nể từ phía Nga. Tôi không nghĩ người Nga sẽ tôn trọng những gì họ đang được thấy từ chính quyền Mỹ”, ông Pifer bình luận về việc Nhà Trắng cũng như Bộ Ngoại giao Mỹ chậm trễ trong việc “phản pháo” Nga.

Tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ Mỹ Haley đã chỉ trích vụ đụng độ tại eo biển Kerch là “sự leo thang liều lĩnh”, đồng thời kêu gọi Nga “ngay lập tức dừng hành vi trái pháp luật, đồng thời tôn trọng quyền hàng hải cũng như tự do của các nước”. Tuy nhiên, bình luận của bà Haley cũng đề cập tới mong muốn của Mỹ trong việc cải thiện quan hệ với Nga.

“Như tổng thống nước tôi từng nói nhiều lần trước đây, Mỹ hoan nghênh mối quan hệ bình thường với Nga. Tuy nhiên, những hành động ngoài vòng pháp luật như lần này sẽ càng khiến chuyện đó khó xảy ra”, Đại sứ Haley nhấn mạnh.

 

Theo John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, tuyên bố cứng rắn của bà Haley về vụ căng thẳng Nga - Ukraine đã cứu vớt hình ảnh của chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, điều này không mang nhiều ý nghĩa vì bà Haley chuẩn bị rời khỏi ghế đại sứ Mỹ vào cuối năm nay.

“Nếu một quan chức cấp cao, người chuẩn bị nhận nhiệm sở trong 6 tháng tới, phát biểu thì sẽ tốt hơn”, ông Herbst nhận định.

Lập trường về Crimea

 Hành trình của 3 tàu Ukraine bị Nga bắt giữ. (Ảnh: BBC)

Hành trình của 3 tàu Ukraine bị Nga bắt giữ. (Ảnh: BBC)

Kể từ khi nhậm chức, nhiệm kỳ của Tổng thống Trump tại Nhà Trắng bị “phủ bóng” bởi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 cũng như việc Tổng thống Putin thừa nhận muốn ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này. Ngoài ra, Tổng thống Trump từ lâu vẫn giữ quan điểm “lập lờ” về việc Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014 dù nhiều quốc gia phản đối hành động này của Moscow. Ông Trump dường như không muốn chỉ trích Nga vì động thái sáp nhập Crimea. Thậm chí ông còn nói rằng người Crimea hoan nghênh điều này, và vì có nhiều người ở Crimea nói tiếng Nga nên bán đảo này “thuộc về” Nga.

 

Hồi tháng 6, trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Putin tại Phần Lan, khi được hỏi liệu ông có chấp nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hay không, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ “xem xét” việc đó. Sau hội nghị thượng đỉnh G7 tại Canada hồi tháng 6, Tổng thống Trump cũng đưa ra nhiều bình luận về Crimea và Nga, song ông tránh dùng từ “sáp nhập”.

Vấn đề chủ quyền của Crimea cũng được xem là lý do sâu xa dẫn tới vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine gần đây. Hải quân Ukraine cho biết các tàu của nước này dự kiến đi qua eo biển Kerch để tiến vào thành phố cảng Mariupol, trước khi bị lực lượng an ninh Nga nổ súng bắt giữ. Eo biển Kerch nằm giữa bán đảo Crimea với Nga, và là tuyến đường huyết mạch đóng vai trò quan trọng về kinh tế với Ukraine, cho phép các tàu rời Mariupol có thể đi vào biển Đen.


Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm