T-14 Armata - Vũ khí làm thay đổi "cán cân quyền lực thế giới”
RPO-A Shmel và MATADOR của Bộ đội Việt Nam, vũ khí nào mạnh hơn? / J-31 Trung Quốc có đủ sức soán ngôi F-35 trên thị trường vũ khí?
T-14 - vũ khí đa năng “4 trong 1”
T-14 Armata (Объект 148) là loại xe tăng chủ lực được lắp đặt trên hệ thống xe bệ thiết giáp bánh xích hạng nặng thế hệ thứ tư (dạng môđun), do Uralvagonzavod phát triển từ năm 2009 và được biên chế cho Lục quân Nga từ năm 2016. Kế thừa thành quả của nhiều dự án tăng chủ lực từ thời Liên Xô và Nga, cùng các giải pháp thiết kế chưa từng có tiền lệ được áp dụng, T-14 - loại vũ khí đầu tiên của Nga được tạo ra trong thời kỳ hậu Xô Viết, mà quá trình thiết kế chế tạo chỉ mất 6 năm - được đánh giá là loại xe tăng hiện đại và tốt nhất thế giới vào thời điểm hiện tại dù chưa qua thực chiến.
T-14 có khối lượng 48 tấn, dài 10,8m, rộng 3,5m, cao 3,3m, kíp chiến đấu 3 người, tầm hoạt động 500km, tốc độ 90km/h - vượt xa so với xe tăng cơ động nhất của phương Tây là Leopard 2 (72km/h). Vũ khí chính của siêu tăng này gồm pháo 2A82-1M cỡ 125mm L/56 với cơ số đạn 45 viên (32 viên trong máy nạp tự động), hoặc pháo 2A83 cỡ 152mm L/48. Ngoài đạn tăng, một loại tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser mới, có thể bắn từ pháo chính 125mm với tầm bắn 8.000m cũng được phát triển. Đặc biệt, với pháo cỡ nòng 152mm, T-14 có thể bắn tên lửa 2K25 Krasnopol tiêu diệt xe tăng địch ở cự ly 20km, hay đạn chuyên dụng có khả năng xuyên thủng lá thép dày 1m. Vũ khí phụ gồm súng máy Kord (mã GRAU 6P49) 12,7mm, 7,62mm PKTM (6P7К).
Armata là loại xe tăng đầu tiên có tháp pháo hoàn toàn không có người bên trong, được điều khiển tự động từ xa, tổ lái được bảo vệ trong một khoang bọc giáp riêng trong xe, cho phép kíp lái hoạt động tốt trong môi trường nhiễm hoá học hoặc nhiễm xạ nặng, tăng khả năng sống sót khi xe trúng đạn, kể cả khi khoang đạn phát nổ. Việc sử dụng tháp pháo tự động hóa mang lại nhiều lợi thế: tổ lái giảm bớt biên chế, có thể thu nhỏ kích thước tháp pháo xuống mức tối thiểu - vừa giúp xe khó bị trúng đạn hơn vừa giảm bớt trọng lượng xe.
Armata áp dụng hệ thống thông tin-điều khiển tự động bằng công nghệ số, kết nối cơ cấu chỉ huy, hệ thống điều khiển, cùng khả năng dùng UAV trinh sát từ xa. Khi xe bị tấn công hoặc trục trặc ở một bộ phận nào đó, hệ thống tự động phân tích và phát ra một giọng nữ dịu dàng vào tổ hợp của mỗi thành viên kíp xe về những hỏng hóc của xe và khuyến nghị các công việc cần làm. T-14 được dự đoán sẽ trang bị radar và các công nghệ trên tiêm kích thế hệ 5 Sukhoi T-50, bao gồm radar băng tần Ka (26.5–40GHz) N036B-1-01 dựa trên radar AESA, có tầm phát hiện mục tiêu tới 100km trên địa hình bằng phẳng không bị che chắn.
Vỏ giáp T-14 được chế tạo từ một loại hợp kim mới có ký hiệu 44S-sv-Sh, bền chắc hơn thép nhưng lại nhẹ hơn và không mất đi tính năng ở nhiệt độ cực thấp - một tiêu chí bắt buộc của vũ khí Nga để hoạt động tốt tại vùng Bắc Cực lạnh giá. Ngoài việc khoang lái có các tấm giáp riêng bảo vệ tổ lái, T-14 có vỏ giáp trước tương đương 900-1.100mm thép khi chống đạn xuyên giáp động năng, khoảng 1.200-1.400mm thép khi chống đạn nổ lõm chống tăng - mức bảo vệ tốt nhất trên thế giới vào năm 2015. Tổng cộng vỏ giáp mặt trước xe của T-14 có khả năng bảo vệ lên tới 1.800-2.000mm khi chống đạn xuyên giáp động năng và khoảng 2.100-2.500mm khi chống đạn nổ lõm chống tăng.
Phân đội T-14 đang huấn luyện. Nguồn: defenceforumindia.com |
Khi kết hợp với giáp phản ứng nổ thế hệ 4 Malachit, khả năng bảo vệ của xe còn được nâng cao thêm ít nhất là gấp 2 lần khi chống đạn xuyên giáp động năng hoặc đạn nổ lõm, đủ sức chịu được hỏa lực của mọi loại pháo tăng cỡ 120 hoặc 125mm, thậm chí cả pháo cỡ 130mm hoặc 140mm mà các xe tăng phương Tây có thể được trang bị trong tương lai. Nóc xe cũng dày tới 260-300mm thép để kháng lại vũ khí chống tăng chuyên tấn công “đột nóc” như tên lửa FGM-148 Javelin. Hệ thống phòng thủ chủ động "Afganit" của T-14 có nhiệm vụ đánh chặn đạn chống tăng từ xa trước khi chúng chạm vào xe. Với tốc độ 1.700m/s (tốc độ siêu thanh Mach 5), nó có thể đánh chặn được cả đạn xuyên giáp động năng APFSDS của pháo chống tăng, vào thời điểm 2015, trên thế giới chưa nước nào có hệ thống đạt tính năng tương đương.
T-14 có lớp vỏ giáp bên ngoài được phủ một lớp sơn đặc biệt, làm giảm tín hiệu trong dải quang phổ hồng ngoại và radar, giúp xe trở nên khó bị phát hiện và khóa bắn bởi không quân và tên lửa chống tăng của địch. Theo ước tính, T-14 có thể làm giảm cự ly khóa bắn của các loại tên lửa chống tăng như "Javelin", "Spike" hoặc "Brimstone" tới 2,7 lần, ngay cả khi không sử dụng khói để ngụy trang. Hệ thống Afganit có hiệu quả cao khi chống lại vũ khí hóa học, như lựu đạn hoặc tên lửa chứa hóa chất độc hại.
Các cảm biến quang học của Armata cho phép định vị các vật cỡ xe tăng trong điều kiện ban ngày ở tầm 5km, và 4km ban đêm nếu có sự hỗ trợ của thiết bị nhìn hồng ngoại. Máy đo xa laser có tầm đến 7,5km, camera có trường nhìn 360°. Hệ thống điều khiển hóa lực của T-14 có tên Kalina, bao gồm tổ hợp kính quan sát, ngắm bắn của trưởng xe và pháo thủ; máy tính đường đạn; hệ thống ổn định vũ khí; thiết bị tự động bám sát mục tiêu, cho phép đo khoảng cách mục tiêu cự ly 5.000m với sai số dưới 10m. Thiết bị "Sоsnа-U" cho phép vũ khí trên xe tăng tự động bám theo các mục tiêu chạy ngang hoặc chạy chếch với mọi tốc độ. Di chuyển với tốc độ 90km/h, kíp lái vẫn có thể khai hỏa và bắn trúng mục tiêu.
T-14 được tích hợp thiết bị mô hình chiến trường kết nối mạng hiện đại - mọi lực lượng tham chiến, từ bộ chỉ huy, khí tài quân sự, binh lính và thiết bị trinh sát đều được tích hợp vào một mạng thông tin duy nhất, cho phép hoạt động tác chiến đồng bộ, tăng khả năng phản ứng, cơ động và hiệu quả của lực lượng chiến đấu. Trong môi trường tác chiến này, xe tăng không tác chiến đơn lẻ mà sẽ liên kết với hệ thống trinh sát để phát hiện mục tiêu, gọi hỗ trợ từ các đơn vị không quân, pháo binh và bộ binh, thay vì tự mình tìm kiếm và tấn công đối phương.
Để trinh sát mục tiêu, T-14 được trang bị máy bay không người lái (UAV) "Pterodactyl" điều khiển bằng cáp (không dùng sóng vô tuyến để tránh bị gây nhiễu), giúp UAV bay trên không với thời gian dài và mang được thiết bị nặng hơn mà không bị hết năng lượng, có thể bay quanh xe tăng trong bán kính 50-100m. Radar di động và thiết bị nhìn ban đêm ảnh nhiệt sẽ giúp "Pterodactyl" tăng mạnh cự ly phát hiện mục tiêu đến 10km ngay cả khi xe tăng địch nấp sau vật cản - ưu thế vượt trội so với các mẫu tăng không được tích hợp UAV.
Sử dụng các thông số tọa độ mục tiêu do radar và UAV cung cấp, T-14 sẽ là loại vũ khí đa năng "4 trong 1": xe tăng chỉ huy (cung cấp tọa độ mục tiêu, điều phối các đơn vị tăng thiết giáp phối thuộc); trung tâm chỉ huy lục quân di động (cung cấp, chỉ thị tọa độ mục tiêu giúp các đơn vị bộ binh, pháo binh tác chiến hiệu quả hơn); pháo binh tầm xa (tiêu diệt mục tiêu bằng chính đạn pháo ở cự ly tới 8km, hoặc phóng các loại tên lửa điều khiển bằng radar để tiêu diệt mục tiêu từ cự ly hàng chục km); tổ hợp phòng không di động (nếu được gắn thêm tên lửa phòng không và pháo 30mm thì T-14 sẽ là tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung di động giống như Pantsir-S1.
Nga đang nghiên cứu lắp đặt... nhà vệ sinh trong T-14 Armata, kíp chiến đấu Armata sẽ không phải ra ngoài trong suốt thời gian vận hành, mọi nhu cầu cơ bản nhất sẽ được giải quyết bên trong xe. Trang thiết bị hiện tại của T-14 cho phép tự động hóa nhiều chức năng, bao gồm cả lái xe và bám bắt mục tiêu. Trong tương lai, những công nghệ như trí thông minh nhân tạo có thể sẽ được tích hợp lên nền tảng Armata, các phiên bản Armata sẽ trở thành robot chiến đấu không người lái hoàn toàn.
T-14 Armata có là tăng “độc cô cầu bại”?
Theo các chuyên giaquân sự, T-14 Armatasẽ định hình các xu hướng chính trong ngành chế tạo xe tăng thế giới trong 20-30 năm tới. Việc Nga cho ra đời Armata đã buộc Mỹ và phương Tây phải xem xét lại toàn bộ chương trình nâng cấp và phát triển xe tăng mới. Tướng Mỹ Clark - cựu Tư lệnh lực lượng NATO tại châu Âu - đã đánh giá cao dòng tăng Armata với hệ thống phòng ngự chủ động và tháp pháo tự động hóa, có khả năng bảo vệ hơn hẳn các dòng xe tăng hiện đại khác trên thế giới. Quân đội Mỹ hiện vẫn chưa có sản phẩm tương xứng vỏ giáp áp dụng trên xe tăng này, T-14 là hình mẫu để phát thế hệ xe tăng mới vào những năm 2030.
Trong khi đó, theo một số nguồn tin, pháo tự hành PLZ-05 (tên cũ Type 05) cỡ nòng 155mm do Trung Quốc chế tạo, với tầm bắn 53km khi sử dụng đạn tăng tầm, hay dùng đạn chính xác cao dẫn đường bằng laser từ cự ly 20km, có khả năng hạ nòng rất thấp để bắn trực xạ bằng đạn xuyên lõm, được các chuyên gia Trung Quốc cho là đủ sức hạ gục T-14. Thậm chí với sức công phá lớn, kể cả không cần sử dụng đạn xuyên lõm mà thay bằng đạn nổ mạnh, PLZ-05 vẫn đủ sức vô hiệu hóa hoàn toàn mọi loại xe tăng tối tân nhất hiện nay. Điều này đã khiến Moscow quyết tâm trang bị pháo 152mm cho xe tăng T-14 Armata trong tương lai.
T-14 bắn khi đang hành tiến. Nguồn: nextbigfuture.com |
Trung Quốc vừa ra mắt mẫu tăng VT-4 và tự hào là xe tăng có tính năng tự động hóa cao, cơ động, cùng hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến hơn so với T-14 Armata, có hệ thống kiểm soát hỏa lực đẳng cấp thế giới mà người Nga vẫn đang cố gắng để bắt kịp. Đánh giá thông tin về VT-4, tạp chí Diplomat của Nhật nhận xét, mọi so sánh mang tính suy đoán về các xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga và Trung Quốc đều là vội vàng và chưa hợp lý. Nó là một hình thức quảng cáo tiếp thị để thu hút sự chú ý, bởi cả 2 chương trình xe tăng của Bắc Kinh và Moscow đều chưa bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.
Các suy đoán hiện tại đều dựa trên các nguyên mẫu và một lượng nhỏ thông tin sẵn có; thông tin về VT-4 rất khó kiểm chứng nên không thể đánh giá sản phẩm của Trung Quốc có ưu việt hơn T-14 Armata hay không. Cần nói lưu ý rằng, dù đã có trong biên chế rất nhiều tăng chiến đấu chủ lực T-90S và mới đây còn mua thêm 464 chiếc T-90MS, nhưng Ấn Độ có kế hoạch chi 4,5 tỷ USD để mua 1.700 xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata nhằm thay thế những chiếc T-72 đã tỏ ra lạc hậu.
Bảng xếp hạng xe tăng mới nhất vừa được World Digital News công bố xếp Armata của Nga là loại xe tăng nguy hiểm nhất thế giới hiện tại, đứng trên siêu tăng AMX-56 Leclerc (Pháp), Leopard 2A7 (Đức), Abrams (Mỹ), Merkava (Israel), K2 Black Panther (Hàn Quốc), Type 10 Hitomaru (Nhật Bản) ... T-14 cũng từng được báo chí Thụy Điển xếp vào top 10 loại vũ khí của Nga có thể làm thay đổi cán cân quyền lực thế giới. Các nhà thiết kế chính của tăng Abrams và Leclerc đồng ý rằng, điều khiến chiếc xe tăng Nga này rất đặc biệt là chưa có đâu ở phương Tây có thể tích hợp lên một chiếc tăng nhiều thứ như thế, gọn gàng như thế và thành công như thế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xe tăng T-14 Armata. Nguồn: i2.wp.com.