Tài nguyên trên Mặt trăng có thể đạt giá trị hơn 1 triệu tỷ USD
Quân sự thế giới hôm nay (7/9): Không quân Mỹ thử tên lửa Minuteman III / IMF đề xuất các biện pháp nhằm giải quyết thách thức kinh tế cho ASEAN
Sáng 7/9, Nhật Bản đã phóng thành công tên lửa đẩy mang theo tàu đáp Mặt trăng đầu tiên. Vụ phóng được thực hiện sau 3 lần bị hoãn do thời tiết không thuận lợi.
Nhật Bản vốn là một trong những quốc gia tham gia tích cực trong cuộc đua sôi động mang tên khám phá Mặt trăng. Mặc dù đây là một cuộc đua tiêu tốn hàng triệu, hàng tỷ USD, nhưng khám phá Mặt trăng luôn là một trong những khát vọng lớn lao của nhân loại, không chỉ vì những yếu tố về khoa học, mà còn về kinh tế.
Tên lửa mang theo tàu đáp Mặt trăng Moon Sniper, tên gọi chính thức là Tàu đổ bộ thông minh để nghiên cứu Mặt trăng (SLIM). Con tàu này do Cơ quan Khám phá không gian vũ trụ Nhật Bản (JAXA) phát triển, được thiết kế để tiếp đất ở khoảng cách 100 m so với một mục tiêu cụ thể trên Mặt trăng, nhỏ hơn nhiều so với khoảng cách thông thường là nhiều km.
"Con người sẽ tiến một bước lớn đến việc có thể đáp xuống nơi chúng ta muốn và không chỉ nơi dễ tiếp đất. Khi đạt được điều này, chúng ta có thể đổ bộ lên những hành tinh khan hiếm nguồn tài nguyên hơn Mặt trăng", ông Hiroshi Yamakawa, Chủ tịch Cơ quan nghiên cứu không gian Nhật Bản, cho biết.
Tên lửa H-IIA rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Tanegashima, miền nam Nhật Bản sáng 7/9, mang theo tàu đổ bộ Mặt trăng SLIM. (Ảnh: Reuters)
Dự án trị giá 100 triệu USD này dự kiến đổ bộ Mặt trăng trong 4 - 6 tháng tới. Nếu nhiệm vụ thành công, Nhật Bản sẽ là nước thứ 5 trên thế giới đưa được tàu lên Mặt trăng sau Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và Ấn Độ. Sứ mệnh này được kỳ vọng sẽ nâng tầm vị thế của Nhật Bản trong các hợp tác quốc tế, giống như cách Ấn Độ đã làm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các nhu cầu về kinh tế đang ngày càng trở nên quan trọng hơn, thúc đẩy các quốc gia cạnh tranh quyết liệt khi chạy đua tới Mặt trăng.
Theo đánh giá, kho tài nguyên trên Mặt trăng có thể đạt giá trị hơn 1 triệu tỷ USD, trong đó các kim loại có trị giá 2,5 nghìn tỷ USD.
Ngoài đất hiếm, Mặt trăng còn có rất nhiều khoáng chất khác bao gồm: bạch kim, palladium, rhodium, titan...
"Chúng ta biết rằng nhiều ngành công nghệ cao đang phụ thuộc vào những nguồn nguyên liệu bị hạn chế bởi các nước. Vậy nên các nước lớn đang tìm kiếm những nguồn nguyên liệu đó ở các khu vực ngoài trái đất, ví dụ như Mặt trăng. Ngoài ra, họ còn hướng tới tìm kiếm những đồng vị mới của các nhân tố quan trọng liên quan đến lĩnh vực năng lượng hạt nhân", GS. TS. Nguyễn Xuân Mừng, Bộ môn Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ, Đại học Sejong, Hàn Quốc, cho hay.
Một tài nguyên khác được dự báo có thể gây ra cơn sốt với các quốc gia là nguồn tài nguyên nước quý giá ở cực Nam của Mặt trăng. Một số ước tính cho rằng, nguồn nước vô cùng dồi dào này có giá trị ở mức hơn 200 tỷ USD.
"Nước là một trong những yếu tố quan trọng đưa ra câu trả lời cho mục đích dài hạn là liệu con người có thể sống ở trên Mặt trăng hay không", ông Somak Raychaudhury, Nhà vật lý thiên văn, Trường Đại học Ashoka, nhận định.
Hiện nay, 28 quốc gia trên thế giới đã ký Hiệp định Artemis do Mỹ Hiệp ước quy định rằng không quốc gia nào có quyền tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ trên Mặt trăng, nhưng nó không chỉ rõ nguyên tắc không chiếm đoạt được áp dụng như thế nào đối với tài nguyên không gian, chẳng hạn như quyền khai thác, sở hữu và sử dụng nước đóng băng trên Mặt Trăng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo