Quốc tế

Tại sao chất lượng súng AK Trung Quốc lại kém hơn nhiều so với AK của Nga?

Mặc dù đi sau và hưởng lợi từ công nghệ sản xuất súng AK của Liên Xô nhưng Trung Quốc lại là nước biến AK trở thành một thứ vũ khí phổ thông và phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.

Quân đội Syria đã dùng vũ khí nào để bắn hạ tên lửa mồi bẫy tối tân của Israel? / Lạ lùng hàng loạt vũ khí phòng không "khủng" Nga xuất hiện trong lòng nước Mỹ

Giới quân sự từ lâu đã lo ngại cách Trung Quốc biến công nghệ do Liên Xô chuyển giao cho họ để phổ cập súng AK ra toàn thế giới, đặc biệt tại thị trường chợ đen và trong tay vô vàn các nhóm phiến quân.

Độ nổi tiếng của AK-47 (hoặc Kalashnikov) dường như đã phổ cập khắp thế giới. Theo một nghiên cứu của Đại học Oxfod, Anh, thế giới hiện có hơn 100 triệu khẩu súng AK các loại và khoảng 70 triệu chiếc AK-47.

Bên cạnh việc trở thành vũ khí chính cho quân đội, AK còn là vật biểu trưng hay xuất hiện trên cờ, tượng đài và huy chương. Sau thế kỷ 20, AK tượng trưng cho sự tự do và khủng bố, kháng chiến và áp bức.

Chỉ có điều mọi người không hay biết rằng, hầu hết súng AK lưu hành trên thế giới không liên quan gì đến Nga hay Liên Xô cũ trước đây. Trên thực tế, nó được sản xuất tại Trung Quốc, Rumani, Hungary, Serbia, Ba Lan, Ethiopia hoặc hơn 20 quốc gia khác. Mỗi quốc gia lại sản xuất một biến thể khác nhau của AK.

Theo cây viết Vladimir Onokoy thuộc trang Russia Beyond, anh đã từng có dịp làm việc tại Iraq và phát hiện thấy, trong số khoảng 2 ngàn súng AK mà anh đã kiểm tra, chỉ có dưới 10 chiếc được sản xuất tại Liên Xô. Con số này tương đương 0,5%. Tất cả súng còn lại đều sản xuất tại Châu Âu và một số còn được chế tạo tại Iraq.

Một trong những lý do chính khiến AK trở nên phổ biến như vậy là vì từ những năm 1950, nhiều quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa như Bắc Triều Tiên, Bulgaria, Ba Lan, Hungary, Trung Quốc và Đông Đức đã bắt đầu nhận chuyển giao công nghệ của Liên Xô trong việc sản xuất súng AK.

 

Súng AK của Trung Quốc lần đầu ra mắt như thế nào?

Đầu những năm 1950 khi Liên Xô bắt đầu chương trình chuyển giao công nghệ lớn cho Trung Quốc. Không ai có thể tưởng tượng rằng, quốc gia đông dân nhất thế giới lại có thể sản xuất nhanh và nhiều đến nỗi trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất với quân đội Nga trên thị trường vũ khí quốc tế.

Những người lính Trung Quốc sử dụng súng AK do Liên Xô chuyển giao công nghệ

Vào cuối những năm 1950, quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô dần xấu đi, dẫn tới sự chia rẽ giữa hai quốc gia thuộc khối xã hội chủ nghĩa vào đầu những năm 1960. Kể từ đó, mọi hỗ trợ về quân sự và kỹ thuật của Liên Xô cho Trung Quốc hoàn toàn bị cắt đứt. Lúc này Trung Quốc phải tự phát triển vũ khí độc lập và không còn có thể nhờ cậy được Liên Xô.

 

Cuộc xung đột giữa Liên Xô và Trung Quốc lên tới đỉnh điểm vào năm 1968 với những cuộc đụng độ biên giới. Đây là lần đầu tiên nhưng chắc chắn không phải là lần cuối cùng những người lính Liên Xô phải đối diện với sự thật rằng, kẻ thù của họ đang dùng vũ khí do quân đội nước này nghiên cứu và chế tạo ra.

Liên Xô, quê hương của súng AK và cũng là nơi đào tạo nhiều kỹ sư Trung Quốc đã phải đối mặt với những hậu quả từ "sự hào phóng" của họ. Hậu quả của việc chuyển giao công nghệ quá sớm đã khiến Liên Xô phải ôm hận trong nhiều năm sau đó.

Trung Quốc đã tự sản xuất được súng AK dựa trên công nghệ và sự hào phóng của Liên Xô. Nhờ đông dân, dồi dào tài nguyên, Trung Quốc đã nhanh chóng biến những lợi thế đó trở thành cơ sở để xây dựng hàng loạt nhà máy sản xuất vũ khí quy mô. Ước tính thời điểm đó có hơn chục nhà máy sản xuất vũ khí trên khắp Trung Quốc.

Một khẩu Type 56 nhái AK 47 do công ty quốc phòng Norinco, Trung Quốc sản xuất

 

Mặc dù không rõ lượng súng trường tự động (AK) được sản xuất ra từ những nhà máy đó là bao nhiêu nhưng sẽ không quá khi cho rằng, con số đó đủ nhiều hơn cả của Liên Xô.

Trước khi chuyển giao, súng AK do Nga sản xuất còn là một loại vũ khí hiếm có, giá trị cao và đắt hơn nhiều so với loại súng AK được sản xuất ở nước khác. Nhưng từ khi Trung Quốc nắm được "bí mật" sản xuất súng AK, họ đã chuyển giao cho rất nhiều quốc gia khác như Albania, Sudan và Iran.

Thậm chí ngày nay, Iran còn tạo ra được bản sao chính xác của súng AK do Trung Quốc sản xuất. Từ đó tới nay, AK không còn là một loại súng quá đắt đỏ và đã trở nên phổ biến đối với cả những tay súng thuộc tổ chức phiến quân.

Cách phân biệt súng AK Trung Quốc

Súng trường tự động Type 56 (K-56 hoặc QBZ-56) là loại súng trường tấn công do Trung Quốc sản xuất dựa trên AK-47 và AKM (bản cải tiến của AK-47 với hỏa lực mạnh, độ chính xác cao). Súng được chế tạo và sản xuất tại Nhà máy sản xuất vũ khí số 66 trong giai đoạn 1956-1973.

 

Tại Việt Nam súng Type 56 (K-56) thường bị nhầm với CKC (một loại súng trường nạp đạn tự động của Nga, sử dụng nhiều trong chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Triều Tiên). Do đó để tránh gọi nhầm, người ta hay gọi K-56 là AK Trung Quốc còn CKC vẫn gọi là CKC. Ngoài Trung Quốc thì hiện nay vẫn còn vài nước sản xuất K-56 như Việt Nam, Sudan, Campuchia,…

Có 3 loại AK cơ bản của Trung Quốc. Đầu tiên là Type 56 có phần báng súng bằng gỗ và có lưỡi lê gấp. Súng thường nặng 3,8kg. Loại thứ hai là Type 56-1 có phần báng gập giống súng AK của Liên Xô. Súng nặng khoảng 3,7kg. Cuối cùng là Type 56-2 với báng gập. Súng nặng khoảng 3,94kg và được coi là biến thể AKM của Trung Quốc.

Từ trái qua phải: AK Type 56-1, Type 84 và Type 56

AK Type 56-2

 

Cách xác định AK do Trung Quốc sản xuất khá dễ dàng. AK Trung Quốc có ống ngắm hình tròn, không thể gắn súng phóng lựu dưới nòng. Phần lưỡi lê của súng không thể tháo rời và súng cũng không có chụp bù giật đầu nòng. Thêm vào đó, AK Type 56 của Trung Quốc không có flash hider (nòng ẩn tia lửa của súng) và không có ống giảm thanh.

Cách phân biệt súng AK Type 56 của Trung Quốc và AK-47 của Nga

AK Trung Quốc sử dụng hai đinh tán bảo vệ vòng cản, tránh tiếp xúc với cò súng. Trong khi đó AK do Nga sản xuất có tới 4 chiếc đinh tán. Ngoài ra, phiên bản Type 56-1 với báng gập còn có thêm đinh tán ở phía sau hộp khóa nòng.

Chất lượng súng AK của Trung Quốc kém hơn nhiều so với AK của Liên Xô cũ

 

Câu trả lời phức tạp hơn bạn nghĩ rất nhiều. Nhiều binh lính Mỹ đã từng có cơ hội chạm chán và sử dụng AK do Trung Quốc sản xuất ở nước ngoài và đa số đều khẳng định, họ không mấy ấn tượng với phiên bản này. Có vô số vấn đề xảy ra với AK Trung Quốc như hay hỏng hóc, không vừa tay hay chất lượng gia công kém.

Đặc biệt chất lượng thép làm nòng súng trên khẩu Type 56 của Trung Quốc kém hơn nhiều so với AK-47 của Liên Xô. Điều này dẫn tới việc súng bắn càng nhiều, độ chính xác và tầm bắn càng kém.

Một người lính hải quân Trung Quốc cầm trên tay một khẩu súng Type 56

Vladimir Onokoy đã mất nhiều năm để đi tìm lời giải cho vấn đề này và nguyên nhân do Trung Quốc đã bỏ rơi AK. Hồi đầu AK Type 56 được coi là vũ khí tiêu chuẩn của quân đội Trung Quốc. Do đó súng luôn được kiểm tra chất lượng và độ tin cậy vì là một vũ khí cấp quân sự.

 

Nhưng vào năm 1995, Trung Quốc lần đầu đưa vào sử dụng súng trường tấn công loại mới có tên QBZ-95. Sau đó quân đội nước này dần thay thế tất cả các loại vũ khí nhỏ trước đây, bao gồm cả các phiên bản súng AK. Kể từ đó súng AK dần bị lãng quên. Quân đội Trung Quốc không còn đặt mua súng AK nữa và thị trường Mỹ cũng kiểm soát gắt gao, hạn chế mua súng của Trung Quốc khiến giá cả, chất lượng của súng AK dần đi xuống thê thảm.

Trong nhiều năm gần đây, một khẩu AK Type 56-2 chỉ có giá 100 USD trong khi các phiên bản AK khác có giá ít nhất 400 USD. Giá bán gần như đã phản ánh chất lượng. Lớp mạ crom trên nòng súng AK dễ bị bung ra chỉ sau vài trăm phát đạn. Ngoài ra các bộ phận cũng không thể thay thế dễ dàng.

Theo Vladimir Onokoy, các mẫu AK Type 56 đời cũ vẫn rất tốt và đáng để sử dụng. Chúng có thể trông thô kệch nhưng hầu như khá bền. Trong khi đó những mẫu AK mới của Trung Quốc không tạo được sự an tâm và tự tin cho người dùng, mặc dù chúng có mức giá khá rẻ và rất phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới.

Tuy nhiên sự thất sủng của súng AK không có nghĩa là Trung Quốc sẽ sớm đóng cửa các nhà máy sản xuất súng AK. Khả năng cao, súng AK của Trung Quốc sẽ tiếp tục trở thành vũ khí chủ lực của phiến quân, quân đội và cảnh sát của các quốc gia kém phát triển trong thế kỷ 21 này.

Theo Tiến Thanh/VN Review
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm