Tại sao tiêm kích MiG-35 xứng đáng có 'cơ hội thứ hai'?
Tin tặc đánh cắp bí mật để lộ đơn giá cao đến không ngờ của UAV cảm tử Shahed-136? / Tập đoàn Rostec Nga đẩy mạnh sản xuất động cơ nội địa cỡ lớn
Tiêm kích MiG-35 độc đáo theo cách riêng của nó, vì đây là máy bay đầu tiên của Nga được chuyển đổi từ chiến đấu cơ trên hạm sang bố trí trên mặt đất, thay vì ngược lại như thông lệ.
Vào cuối thời Liên Xô, nhằm đáp ứng yêu cầu trang bị tiêm kích đủ mạnh cho các tàu tuần dương chở máy bay hạng nặng, Sukhoi đã phát triển chiếc Su-27K hạng nặng, sau đổi tên thành Su-33.
Trong khi đó MiG thiết kế một loại máy bay đa chức năng cho cả tác chiến trên không và trên mặt nước, chủ yếu chống lại các mục tiêu trên biển, dựa trên tiêm kích hạng nhẹ MiG-29M.
Chiếc máy bay này được sửa đổi để cất cánh từ đường băng kiểu nhảy cầu và hạ cánh trên boong bằng móc hãm đà, đồng thời được trang bị cơ cấu gập cánh.
Một bước phát triển tiếp theo của dự án là các tiêm kích hạm MiG-29K và MiG-29KUB, được phát triển theo đơn đặt hàng của Hải quân Ấn Độ, khi New Delhi mua lại tàu sân bay Đô đốc Gorshkov và đổi tên thành Vikramaditya.
MiG-35 và phiên bản hai chỗ ngồi của nó - MiG-35D, là sản phẩm của quá trình hiện đại hóa sâu MiG-29K/KUB. Các kỹ sư đã đơn giản hóa đáng kể thiết kế bằng cách loại bỏ móc hãm và cơ cấu gập cánh, đồng thời tối ưu hóa tính khí động học của máy bay, giảm tín hiệu radar...
Động cơ đã trở nên tiết kiệm hơn và ở phiên bản một chỗ ngồi của MiG-35, một bình nhiên liệu bổ sung được lắp đặt. Điều này giúp tăng tầm bay lên 3.100 km, con số tương đương với Su-30.
Nhờ khả năng lắp đặt radar mảng pha chủ động hiện đại, đi kèm hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, máy bay chiến đấu MiG-35 xứng đáng được phân loại thuộc thế hệ 4++.
Nó có thể sử dụng tất cả các loại vũ khí hiện có, bao gồm cả đạn dẫn đường bằng laser và tên lửa tầm xa. Các thiết bị được xây dựng theo nguyên tắc module, cho phép hiện đại hóa và cải tiến một cách linh hoạt.
Ưu điểm lớn của MiG-35, kế thừa từ tiêm kích hạm là thiết kế khung và cánh được gia cố, cho phép lắp đặt các loại vũ khí hàng không hạng nặng, cỡ lớn.
Càng đáp chắc chắn cho phép máy bay chiến đấu dễ dàng hạ cánh trên mặt đất, đường bộ hoặc trên đường băng bị hư hỏng. MiG-35 ban đầu được thiết kế để hoạt động từ sân bay dã chiến, trong điều kiện khó khăn nhất.
Nhìn chung MiG-35 là một tiêm kích tiền tuyến xuất sắc, nhưng số lượng sản xuất lại chỉ vỏn vẹn 6 chiếc, bất chấp thực tế là có một cơ sở chế tạo linh kiện và hai nhà máy sẵn sàng sản xuất máy bay quy mô lớn, nguyên nhân do đâu?
Sau khi làm quen với máy bay chiến đấu hiện đại hóa, Tổng thống Putin hồi năm 2017 đã ghi nhận tiềm năng to lớn của MiG-35, khi hy vọng Không quân Nga sẽ có nhiều chiến đấu cơ loại này.
Nhưng rồi bằng cách nào đó, Sukhoi gần như trở thành nhà cung cấp độc quyền, bất chấp thực tế là trong điều kiện hiện nay, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga cần nhiều máy bay chiến đấu hiện đại và có tính cạnh tranh.
Vào mùa thu năm 2023, báo chí biết rằng MiG-35 đã bắt đầu được thử nghiệm trong khu vực chiến sự, như nhà thiết kế chung của Tập đoàn chế tạo máy bay Thống nhất (UAC) Sergei Korotkov đã tuyên bố:
"Ngày nay, liên quan đến các sự kiện đang diễn ra, cỗ máy trên đã tham gia vào mọi hoạt động tác chiến. Tuy vậy những chuyến bay thử nghiệm tiếp theo vẫn chưa được hoàn thành trước khi Bộ Quốc phòng đưa ra quyết định cuối cùng".
“Quyết định cuối cùng” là Bộ Quốc phòng Nga có cần máy bay này hay không, các chuyên gia cho rằng MiG-35 xứng đáng có cơ hội thể hiện để chứng minh nó là phương án đáng giá trong việc hỗ trợ dòng Sukhoi nặng nề và đắt tiền hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo