Tàu ngầm hạt nhân Anh – Pháp và vụ va chạm dưới đáy đại dương
Khi mà các loại tàu ngầm càng ngày càng khó phát hiện khi lặn dưới nước thì việc tàu ngầm đâm phải nhau ở dưới lòng biển sẽ xảy ra như một lẽ tất nhiên.
AH-6 Little Bird: 'Chim nhỏ' nhưng có võ của Quân đội Mỹ / Choáng với sức mạnh của tàu sân bay… dài nhất lịch sử
Vụ va chạm dưới đáy đại dương
Nửa đêm ngày 3/2/2009, thuỷ thủ đoàn trên tàu ngầm hạt nhân Triomphant của Pháp bất ngờ bị trấn động mạnh bởi va chạm. Chiếc tàu ngầm hạt nhân dài 138 mét này là một trong tổng số bốn tàu ngầm hạt nhân chủ lực của Hải quân Pháp, đang trên đường quay trở lại cảng và di chuyển ở trạng thái lặn do mặt biển Đông Đại Tây Dương khi đó đang có gió rất lớn. Vụ va chạm xảy ra dưới làn nước biển lạnh giá và khi đó không một thuỷ thủ đoàn nào trên tàu biết mình vừa đâm phải cái gì.
Hình minh hoạ. Ảnh: NI. |
Ngày 6/2/2009 – nghĩa là ba ngày sau vụ tai nạn, Bộ Quốc phòng Pháp đã cho biết tàu ngầm đã va chạm trong khi đang thực hiện thao tác nổi lên. Va chạm xảy ra giữa tàu Triomphant với một vật thể nổi có thể là một công-tơ-nơ hàng hoá trôi nổi trên mặt biển. Cùng trong ngày hôm đó, tàu ngầm Triomphant đã quay trở lại cảng ở Ile Longue, Brest dưới sự hỗ trợ của một khinh hạm của Hải quân Pháp.
Hải quân Hoàng gia Anh tỏ ra khá bất ngờ trước tuyên bố của Hải quân Pháp vì buổi tối ngày hôm đó tàu ngầm HMS Vanguard lớp Vigilant cũng… gặp sự cố va chạm trong cùng khu vực. HMS Vanguard là tàu ngầm đầu tiên được đóng theo lớp Vigilant – lớp tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Anh có chiều dài 150 mét và giãn nước 16.900 tấn khi lặn.
Nạn nhân thực sự lên tiếng
Tại thời điểm đó, Hải quân hai nước bắt đầu so sánh các ghi chép của mình. Vào ngày 16/2, hải quân hai nước đưa ra tuyên bố chung, cho biết sự va chạm xảy ra do… hai tàu ngầm của hai nước “đâm nhau ở tốc độ chậm trong khi lặn”. May mắn là thuỷ thủ đoàn trên cả hai tàu đều không bị trấn thương gì trong vụ tai nạn tàu ngầm này, chỉ có điều tổng chi phí phải chi ra để sửa chữa cả hai tàu khi đó ước tính lên tới 50 triệu Bảng Anh.
Trước đó khi quay về cảng tại Faslane, Scotland, phần vỏ tàu ngầm của chiếc HMS Vanguard đã bị hư hại nghiêm trọng, đặc biệt là ở bộ phận ống phóng tên lửa và mạn phải tàu.
“Tàu ngầm Pháp đã đâm một pha cực mạnh vào mũi tàu ngầm Anh, sau đó kéo lê vết đâm xuống mạn tàu” – Hoa tiêu William McNeilly trên tàu ngầm Anh trả lời báo chí sau đó. Cũng theo lời kể của nhân chứng này thì “hệ thống khí nén cao áp ở bên mạn tàu đã bị hư hỏng nặng, tàu HMS Vanguard đã phải trở về cảng với tốc độ cực chậm vì nếu di chuyển nhanh, rất có thể hệ thống bình chứa khí nén cao áp có thể sẽ phát nổ”. Khi hệ thống khí nén cao áp phát nổ, khả năng cao là tàu sẽ nghiêng dần và chìm một cách không kiểm soát.
Tàu ngầm lớp Vanguard của Hải quân Anh. Ảnh: Musk. |
Phía Pháp sau đó cũng công bố báo cáo chính thức cho biết, sau khi kiểm tra thiệt hại của tàu họ nhận thấy phần mũi tàu Triomphant đã bị hư hại khá nghiêm trọng, đặc biệt là ở hệ thống radar chủ động Thales phần đầu mạn phải tàu. Tuy nhiên, một tờ báo của Pháp sau đó đã cho công bố những bức ảnh cho thấy phần tháp chỉ huy và hệ thống cánh lái mạn phải của tàu bị biến dạng nặng – cho thấy tác động của vụ va chạm hoàn toàn không phải là nhỏ.
Điều nguy hiểm nhất đó là cả hai tàu đều được thiết kế để mang theo tên lửa hạt nhân. Cụ thể, tàu Triomphant của Pháp được thiết kế để mang theo tới 16 tên lửa đạn đạo M45, số lượng tên lửa Trident II trên tàu Vanguard cũng tương đương. Số lượng đầu đạn hạt nhân được cho là có trên hai tàu khi đó là từ 4 tới 6 đầu đạn. Việc hai tàu phải vào bờ sửa chữa sẽ khiến năng lực hạt nhân của cả hai nước bị giảm đi một cách nhanh chóng. May mắn thay, toàn bộ số tên lửa và đầu đạn trên hai tàu khi đó hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi vụ va chạm.
Mặc dù vậy, may mắn có lẽ đã dừng lại ở hệ thống hoả lực của tàu còn hệ thống lò phản ứng hạt nhân của hai tàu lại không có được vận may tương tự. Các thông số đo đạc cho thấy toàn bộ thuỷ thủ đoàn trên tàu đều đã bị nhiễm xạ và một khu vực biển rộng lớn quanh nơi xảy ra vụ va chạm cũng bị chiếu xạ. Tất nhiên là chỉ số không đủ lớn để tạo ra thảm hoạ nhưng cũng đủ để nhiều người phải lo sợ toát mồ hôi hột.
Không có kinh nghiệm để rút!
Vậy, cuối cùng lỗi là tại ai? Kết luận điều tra của cả hai nước đều chỉ ra rằng đây không phải là lỗi của con người, toàn bộ hai kíp trực trên hai tàu hôm đó đều điều khiển tàu một cách đúng quy trình. Điều này có nghĩa là một vụ tai nạn tương tự hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai dù con người không có bất cứ lỗi lầm nào khi điều khiển tàu – một nỗi lo sợ rất thực tế.
Trong khi tàu ngầm tấn công luôn cảnh giác cao độ với các tàu mặt nước và tàu ngầm xung quanh để tìm kiếm các mối lo ngại của nước ngoài thì tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lại có cách thức hoạt động hoàn toàn khác. Các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chỉ cố tránh xa “thị phi”, hoạt động một cách bí mật nhất có thể và tất nhiên là bí mật với cả quân ta và đồng minh.
Cả hai tàu trong vụ tai nạn này đều có khả năng tàng hình gần như tuyệt đối khi di chuyển trong trạng thái chìm, điều này đảm bảo khi tung đòn tấn công, các tàu ngầm hạt nhân này sẽ có đòn tấn công hiểm nhất, khó đánh chặn nhất có thể.
Chính việc quá bí mật, quá khó bị phát hiện khiến cho việc hai tàu ngầm đâm nhau dưới nước vì không “nhìn” thấy đối phương là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Các chuyên gia quân sự cũng đồng ý rằng cả hai tàu đều không nhìn thấy nhau – nghĩa là góc tiếp cận khác nhau không có nghĩa lý gì trong việc nhìn thấy được vật cản đang đến gần hay không.
Thực tế thì hệ thống thuỷ âm chủ động hoặc bị động trên các tàu ngầm luôn có thiên hướng nhạy ở một góc độ nào đó dù được thiết kế để quét đầy đủ 360 độ. Ví dụ như hệ thống trên tàu Pháp được thiết kế nhạy nhất ở phía trước mũi và hai bên trong khi đó ở phía sau lại không nhạy bằng; ấy vậy mà tàu của Pháp vẫn đâm thẳng mũi vào tàu Anh một cách đầy dứt khoát mà không hề nghĩ tới chuyện… “bóp phanh”.Trên lý thuyết, một tàu ngầm sẽ có thể phát hiện ra tàu ngầm khác bằng việc sử dụng các hệ thống sóng âm chủ động hoặc bị động mà nó được trang bị. Hệ thống sóng âm bị động cơ bản sẽ sử dụng các micro cực nhạy, ghi lại mọi tiếng động trong lòng biển và được phân tích bởi thuỷ thủ đoàn để xác định ra hướng phát tiếng động và có thể suy đoán ra cả việc tiếng động đó phát ra từ loại tàu nào. Tuy nhiên loại thiết bị cổ điển này sẽ khó hoặc không thể phát hiện được các loại tàu ngầm hiện đại ngày nay nhất là khi các tàu ngầm này cố tình di chuyển chậm – gần như không tạo ra tiếng ồn.
Khi thuỷ âm bị động vô dụng, tàu ngầm sẽ có thể sử dụng hệ thống thuỷ âm chủ động để phát hiện đối phương. Đúng với tên gọi của nó, hệ thống thuỷ âm chủ động sẽ phát ra tiếng động lan ra môi trường xung quanh, sóng âm từ tiếng động này va đập vào tàu đối phương (nếu có) và phản xạ lại – giúp tàu nhận biết được vị trí và hướng của đối phương ngay cả khi đối phương đang đứng im không hề di chuyển. Mặc dù vậy việc phát ra sóng thuỷ âm một cách chủ động cũng tạo ra nguy cơ rất lớn khiến tàu bị lộ vị trí khi tàu đối phương bắt được sóng âm chủ động này và dò ngược lại vị trí của nguồn phát.
Tàu ngầm Le Triomphant của Hải quân Pháp. Ảnh: Military |
Trong vụ tai nạn giữa hai tàu ngầm Anh và Pháp, cả Triomphant và Vanguard đều chỉ sử dụng hệ thống thuỷ âm bị động, cả hai tàu đều không dùng thuỷ âm chủ động và cả hai tàu đều… không phát hiện ra nhau.
Trong quá khứ đã từng có trường hợp hai tàu ngầm là K-407 của Nga và USS Grayling của Mỹ do phát hiện ra nhau và bám đuổi theo nhau quá sát dẫn đến va chạm vào năm 1993. Điều này khiến nhiều người hoài nghi cho rằng có thể tàu ngầm Pháp đã phát hiện ra tàu ngầm Anh và muốn bám theo nêu xảy ra tai nạn. Tuy nhiên việc bám đuôi đuổi nhau theo kiểu mèo vờn chuột này thực chất là việc của tàu ngầm tấn công nhanh, không phải nghĩa vụ và nhiệm vụ của tàu ngầm hạt nhân.
Cuối cùng, người ta kết luận rằng hai tàu đã vô tình đâm nhau giữa đại dương rộng lớn không vì lý do gì, đơn giản là vì cả hai đã ở không đúng lúc và không đúng chỗ. Đây là một kết luận khiến nhiều thuỷ thủ đoàn tàu ngầm phải lo sợ vì họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ đâm nhau giữa đại dương rộng lớn bất cứ khi nào di chuyển trong trạng thái bí mật.
Đâm vào tàu quân mình hoặc tàu của đồng minh có thể sẽ không sao, tuy nhiên đâm vào tàu của quốc gia đối nghịch có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng dẫn đến chiến tranh tổng lực.
Một trong những giải pháp được đưa ra đó là mỗi quốc gia đồng minh sẽ chia sẻ vị trí tàu mình đang hoạt động – tuần tra cho các quốc gia đồng minh khác. Tuy nhiên giải pháp này là không triệt để vì nguyên tắc hoạt động bí mật của tàu ngầm là càng ít người biết vị trí của nó càng tốt. Vả lại, chia sẻ cho đồng minh cũng không đồng nghĩa với việc không vô tình đâm phải tàu của quốc gia thù địch – mối lo ngại lớn nhất khi di chuyển trên biển.
Theo kienthuc.net.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này
Cột tin quảng cáo