Quốc tế

Tên lửa Kinzhal đánh tan tành kho vũ khí của Ukraine: Không "mầu nhiệm" như Nga tuyên bố

Thực chất, Kh-47M2 Kinzhal của Nga không hơn gì mấy một tên lửa đạn đạo phóng từ trên không thông thường được thiết kế từ những năm 1980.

Giờ là 9h tối: Cập nhật những diễn biến mới nhất chiến sự nóng bỏng ở Ukraine / Quân đội Ukraine tuyên bố chặn đứng đà tấn công của Nga ở Donbass - Cảnh báo "làn sóng thứ 2"!

Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/3 cho biết lần đầu tiên họ đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm (hypersonic) Kh-47M2 Kinzhal trong cuộc tấn công nhằm vào kho vũ khí ở khu vực Ivano-Frankivsk, miền tây Ukraine.

Theo Tạp chí Coffee or Die, mặc dù đây là lần đầu tiên Nga triển khai tên lửa siêu vượt âm Kinzhal trong thực chiến nhưng chắc chắn nó không có gì mới.

Siêu vượt âm là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả các nền tảng có thể di chuyển với tốc độ trên Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh) nhưng thuật ngữ này thực tế được áp dụng cho các hệ thống vũ khí tiên tiến mới đang được phát triển trên khắp thế giới. Đúng là Kinzhal di chuyển với tốc độ siêu vượt âm nhưng nó không phải là một trong những vũ khí mới tiên tiến này.

Thực chất, Kh-47M2 Kinzhal không hơn gì mấy một tên lửa đạn đạo phóng từ trên không thông thường được thiết kế từ những năm 1980. Tốc độ siêu vượt âm không thực sự đặc biệt, chủ yếu là cách thức tận dụng tốc độ đó.

Siêu vượt âm phải gắn với vũ khí tiên tiến

Tên lửa siêu vượt âm không chỉ có nghĩa là “nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh - Mach 5” mà thực sự nó phải gắn với các vũ khí tiên tiến.

Ở tốc độ siêu vượt âm, không khí sẽ tác động vào các phương tiện bay, tạo ra đủ ma sát và áp suất để làm hỏng hoặc thậm chí thiêu hủy hầu hết các vật liệu làm ra tên lửa và máy bay thông thường.

Tuy nhiên, tàu con thoi thường xuyên vượt quá Mach 25 (hơn 17.500 dặm/giờ) khi quay trở lại Trái Đất. Tàu vũ trụ bí mật X-37B của Mỹ cũng có thể đạt tới tốc độ chóng mặt này. Trên thực tế, mọi tên lửa đạn đạo và tàu vũ trụ mà nhân loại từng phóng đều đã và vẫn có bản chất siêu vượt âm.

Điều đó có nghĩa là tất cả các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong kho hạt nhân của Mỹ, tất cả tên lửa Kinzhal của Nga và thậm chí cả tên lửa tái sử dụng Falcon 9 của Elon Musk đều có chung đặc điểm là siêu vượt âm …

Tên lửa Kinzhal của Nga có nhiều điểm chung với các ứng dụng này hơn là với hàng loạt “vũ khí siêu vượt âm” mới như Nga, Trung Quốc và Mỹ đang chạy đua phát triển.

Tên lửa Kinzhal đánh tan tành kho vũ khí của Ukraine: Không mầu nhiệm như Nga tuyên bố - Ảnh 1.

Tàu con thoi đầu tiên được phóng vào ngày 12 tháng 4 năm 1981. Để rời Trái đất, các con tàu vũ trụ cần phải di chuyển với tốc độ gấp 20 lần tốc độ âm thanh, hay 7,9 km/giây. Ảnh: NASA

KH-47M2 Kinzhal dựa trên thiết kế từ những năm 1980
Kh-47M2 Kinzhal (tiếng Nga có nghĩa là “Dao Găm”) được đưa vào hoạt động từ năm 2017, theo tuyên bố của Nga vào năm 2018. Nó không phải là một vũ khí mới như kiểu phiên bản 9K720 Iskander cải tiến - loại tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất trang bị hệ thống dẫn đường mới được thiết kế đặc biệt cho các hoạt động không đối đất.

Việc phát triển 9K720 Iskander bắt đầu vào năm 1988 nhưng bị trì hoãn một thời gian dài do Liên Xô sụp đổ. Mãi đến năm 1998, hoạt động thử nghiệm tổng thể đầu tiên mới được thực hiện.

Tổng cộng 13 lần phóng thử tên lửa đã được tiến hành tại bãi thử Kasputin Yar của Nga vào khoảng thời gian từ 1998 - 2005. Đến năm 2006, loại tên lửa này được đưa vào hoạt động.

Giống như Kinzhal, tên lửa Iskander đạt được vận tốc siêu vượt âm nhờ đường bay gần tương tự đạn đạo, không bao giờ rời khỏi bầu khí quyển và nó có thể thay đổi quỹ đạo trong quá trình di chuyển để tránh bị đánh chặn.

Tên lửa 9K720 Iskander và Kh-47M2 Kinzhal thực sự là những vũ khí đạn đạo có khả năng tác chiến nhưng chúng khác xa so với công nghệ tiên tiến thường được đề cập trong các cuộc thảo luận về tên lửa siêu vượt âm.

Kinzhal là loại khá lạc hậu, có nhiều điểm chung với tên lửa AIM-54 Pheonix đã ngừng hoạt động của Hải quân Mỹ. Năm 2006, NASA đã tận dụng loại tên lửa này để để thử nghiệm bay siêu vượt âm.

 

AIM-54 Pheonix là loại vũ khí nhỏ hơn Kinzhal, trang bị động cơ tên lửa đẩy nhiên liệu rắn một tầng nhỏ hơn và ít nhiên liệu hơn, đạt tốc độ tối đa Mach 4,3 khi hoạt động như một vũ khí không đối không.

Bằng cách điều chỉnh quỹ đạo bay của nó thành một đường bay đạn đạo ấn tượng và phóng ở tốc độ cao, NASA tin rằng họ có thể đạt được vận tốc siêu vượt âm lớn hơn Mach 5. Tuy nhiên, những nỗ lực này không nhằm mục đích tạo ra một loại vũ khí mới tiên tiến, mà hoàn toàn mang tính khoa học.

Kh-47M2 Kinzhal của Nga, mặc dù lớn hơn và mang động cơ tên lửa nhiên liệu rắn mạnh hơn, hoạt động dựa trên cùng một tiền đề: sử dụng động cơ đẩy tên lửa truyền thống và triệt tiêu đường bay đạn đạo.

Tên lửa Kinzhal đánh tan tành kho vũ khí của Ukraine: Không mầu nhiệm như Nga tuyên bố - Ảnh 3.

Kh-47M2 Kinzhal trang bị cho MiG-31 của Nga

Kinzhal không thuộc nhóm 2 vũ khí siêu vượt âm hiện đại mới
Ngày nay, khi nói về vũ khí siêu vượt âm mới, người ta thường đề cập đến một trong hai loại đang được Trung Quốc, Nga và Mỹ phát triển: Phương tiện phóng lướt siêu vượt âm (HGV) và tên lửa hành trình siêu vượt âm.

Trong đó, HGV không khác gì các đầu đạn trên tên lửa đạn đạo tầm xa truyền thống, ít nhất là trong giai đoạn phóng ban đầu. Chúng được đưa vào bầu khí quyển bằng tên lửa đẩy tốc độ cao giống như ICBM truyền thống, mặc dù thường không cao bằng.

 

Sau đó, tên lửa sẽ phóng ra một hoặc nhiều phương tiện phóng lướt tự kiểm soát tốc độ khi lao xuống mục tiêu.

Nga có một HGV như vậy đang phục vụ được gọi là hệ thống vũ khí Avangard, dự kiến sẽ triển khai cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sắp tới của họ - RS-28 Sarmat.

Tên lửa chống hạm DF-ZF của Trung Quốc cũng thuộc loại này. Còn của Mỹ là Vũ khí Tấn công nhanh Thông thường và Vũ khí Phản ứng Nhanh Phóng từ Trên không (ARRW) AGM-183. Cả hai vẫn đang được phát triển.

Tên lửa Kinzhal đánh tan tành kho vũ khí của Ukraine: Không mầu nhiệm như Nga tuyên bố - Ảnh 4.

Vũ khí Phản ứng Nhanh Phóng từ Trên không (ARRW) AGM-183A

Trong khi đó, tên lửa hành trình siêu vượt âm hoạt động dựa trên một hệ thống đẩy tiên tiến gọi là scramjet (động cơ phản lực dòng thẳng siêu vượt âm), một biến thể của công nghệ máy bay phản lực đã có từ lâu nhưng cho phép quá trình đốt cháy diễn ra khi không khí chạy qua động cơ ở tốc độ siêu thanh.

 

Vì scramjet chỉ thực sự hiệu quả ở tốc độ rất cao này nên những tên lửa trang bị nó thường được triển khai từ các phương tiện mang phóng di chuyển nhanh hoặc dựa vào một dạng động cơ đẩy khác ở giai đoạn phóng ban đầu.

Từ đây, tên lửa hành trình siêu vượt âm hoạt động giống như tên lửa hành trình truyền thống - ít nhất là trên lý thuyết. Chúng di chuyển theo đường bay ngang, khác với các phương tiện phóng lướt hoặc tên lửa đạn đạo, đồng thời cơ động bằng cách sử dụng các giao diện điều khiển giống như một chiếc máy bay, để tấn công đối phương.

Tuy nhiên, trên thực tế, những nền tảng này khó chế tạo và đắt hơn nhiều so với tên lửa hành trình truyền thống - và cho đến nay, chưa có quốc gia nào đưa vào trang bị thành công vũ khí mang động cơ phản lực scramjet.

Nga gọi Kinzhal là "tên lửa siêu vượt âm" để lôi kéo khách hàng

Ngân sách quốc phòng của Nga có xu hướng dao động ở mức khoảng 60 tỷ USD mỗi năm, ngang với các quốc gia như Anh, mặc dù họ duy trì một lực lượng lớn hơn đáng kể so với các nước cùng chi tiêu. Do đó, Nga buộc phải đưa ra các quyết định cứng rắn liên quan đến việc phân bổ ngân sách ít ỏi của mình.

Nga đã dành nhiều nguồn lực để chuyển đổi bộ máy quốc phòng của mình thành một cỗ máy tiếp thị để bán vũ khí và thiết bị cho nước ngoài. Nền kinh tế đình trệ cùng với các lệnh trừng phạt quốc tế đã gây cản trở nhiều tới việc hiện đại hóa lực lượng quân sự của Nga.

 

Mặc dù vậy, nước này vẫn tiếp tục tài trợ cho việc phát triển các vũ khí và hệ thống mới nhằm thu hút nhiều sự chú ý , thay vì tập trung vào việc duy trì hoặc cải tiến các phi đội hiện có của mình.

Nga không đủ khả năng sản xuất hàng loạt máy bay tiên tiến như tiêm kích tàng hình Su-57 hoặc xe tăng như T-14 Armata nếu không có các khách hàng nước ngoài ủng hộ.

Để thu hút các nước khác mua sắm, Nga phải thể hiện hình ảnh như một quốc gia có khả năng phát triển vũ khí ngang bằng hoặc thậm chí vượt trội so với các quốc gia hùng mạnh như Mỹ và Trung Quốc.

Vì vậy, bằng cách tận dụng những quan niệm sai lầm về thuật ngữ “siêu vượt âm”, Nga đã truyền tải hình ảnh của mình như một cường quốc quân sự của thế kỷ 21 để tìm kiếm những món hời thực sự.

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm