Tên lửa S-300, S-400 sẽ gia tăng uy lực
Tehran: Iran chuyển giao hệ thống phòng không cho Syria theo yêu cầu của Damascus để thay thế S-300 của Nga / Azerbaijan công bố cảnh UAV phá hủy S-300 của Armenia
Theo tờIzvestia, các tổ hợp tên lửa này sau khi cải tiến sẽ có khả năng tấn công các mục tiêu tầm gần hoặc tầm xa, nhất là có tính năng chuyển đổi lập tức tên lửa cần sử dụng tùy theo tình huống chiến thuật. Với kế hoạch cải tiến mới, các tổ hợp tên lửa tầm xa SAM như S-300và S-400 được cho là có thể bắn hạ mọi mục tiêu. Tuy nhiên, đây có thể nói là mục tiêu đầy tham vọng bởi sức mạnh thực tế của mọi loại vũ khí dù tối tân đến đâu, hiệu quả của nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan như năng lực kíp vận hành, cách sử dụng vũ khí, trang bị và nhất là tùy thuộc vào sức mạnh của đối thủ.
Tổ hợp S-400 của Nga tại căn cứ không quân Hmeimim, Syria. Ảnh:Getty Images |
Ngoài ra, yếu tố địa lý cũng có tác động lớn đến mức độ hiệu quả của hệ thống, trong đó địa hình đồi núi sẽ cản trở nhiều cảm biến của hệ thống này. Mặc dù tầm bắn trên lý thuyết rất ấn tượng, nhưng các hệ thống SAM tầm xa như S-400 vẫn có thể gặp bất lợi trước các cuộc tấn công tên lửa ngoài tầm nhìn.
Theo kế hoạch cải tiến các tổ hợp tên lửa SAM, tiến trình này dự kiến bắt đầu với biến thể S-300PM được sản xuất từ cuối thập niên 1980. Theo đó, S-300PM sẽ được trang bị tên lửa phòng không nhỏ hơn và tầm thấp hơn. Trước đây, biến thể S-300PM chỉ được trang bị các loại đạn 48N6 và 40N6, vốn được thiết kế để bắn hạ mục tiêu ở khoảng cách 150-380km.
Ngoài ra, một trong số 4 ống phóng lớn của tổ hợp S-300 sẽ được thay bằng cụm 4 ống phóng tên lửa 9M96 và 9M96M, có tầm bắn 30-120km và có thể tiêu diệt mục tiêu ở độ cao 20-35km, bao gồm tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Còn đối với các tổ hợp S-400, cả phiên bản nội địa và xuất khẩu, được cho là đã có sẵn khả năng sử dụng cùng lúc nhiều loại tên lửa, nên dù có kế hoạch cải tiến cũng không cần phải sửa đổi hay nâng cấp thêm nhiều.
Nga phát triển tổ hợp S-300 từ thập niên 1970 nhằm bảo vệ các cơ sở công nghiệp quy mô lớn, căn cứ quân sự và tòa nhà chính phủ trước máy bay của đối phương. Còn S-400, phát triển vào cuốithập niên1980, được quân đội Nga biên chế năm 2007. Trong nhiều thập kỷ, S-300 và S-400 cùng các biến thể đều đã chứng tỏ là những hệ thống vũ khí đáng gờm đối với bất kỳ đối thủ nào. Mặc dù còn gây nhiều tranh cãi, nhưng S-400 được đánh giá là một trong những hệ thống SAM chiến lược toàn diện tốt nhất trên thế giới hiện nay. Loạt hệ thống phòng không S-300 của Nga thời gian gần đây đã chứng minh hiệu quả khi giúp đẩy lùi nhiều cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự của Nga tại Syria, trong đó có cả cuộc tấn công dồn dập bằng máy bay không người lái.
S-300 và S-400 có sức mạnh đặc biệt là tầm bắn được mở rộng cùng khả năng linh hoạt có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, chủ yếu là máy bay, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo ở mức độ nhất định, thậm chí cả các cảm biến tinh vi. Theo tuyên bố của Nga, hệ thống khí tài này còn có khả năng chống tàng hình. Một vấn đề cũng gây tranh cãi nữa là việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định lựa chọn hệ thống S-400 của Nga, đồng nghĩa với việc nước này chấm dứt cơ hội mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Tạp chíThe Nation Interestđặt vấn đề, liệu các hệ thống S-300 và S-400 có thể đánh bại các máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ hay không? Theo ông Mike Kofman, nhà khoa học nghiên cứu về các vấn đề quân sự của Nga tại CNA Corporation, các hệ thống phòng không tiên tiến do Nga chế tạo như S-300, S-400 và S-500 sắp tới có kèm theo các hệ thống được thiết kế để phát hiện và theo dõi sự hiện diện của các máy bay có thể quan sát thấp như F-22, F-35. Theo ông Kofman, đánh bại công nghệ tàng hình là một trong những ưu tiên hàng đầu của Moscow và Điện Kremlin đã dành rất nhiều nguồn lực cho mục đích này.
Ngoài ra, S-400 chỉ có thể là mối đe dọa đáng gờm nếu đối phương phát động một cuộc tấn công giới hạn vì một tiểu đoàn S-400 được trang bị đầy đủ cũng chỉ có 8 dàn phóng với 32 tên lửa. Nếu tiểu đoàn S-400 phải tác chiến độc lập hoặc không được hỗ trợ bởi các hệ thống phòng không hiện đại khác sẽ không thể có đủ tên lửa để chống lại một cuộc tấn công liên tiếp của đối phương.
Những hạn chế khó tránh khỏi của S-300 và S-400 cho dù là gì chăng nữa cũng chính là động cơ quan trọng cho kế hoạch cải tiến lần này của quân đội Nga. Theo Thiếu tướng Aytech Bizhev, cựu Tư lệnh Phòng không của Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG), việc kết hợp các loại tên lửa phòng không với kích thước khác nhau trên một bệ phóng duy nhất giúp sử dụng chúng hiệu quả hơn, tránh lãng phí đạn dược đắt tiền cho các mục tiêu ít quan trọng hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo