Quốc tế

Tên lửa siêu thanh mới của Nga mạnh cỡ nào?

Hệ thống tên lửa siêu thanh mới của Nga, theo mô tả của Tổng thống Vladimir Putin là không thể bị đánh chặn bởi phòng không Mỹ, sẽ được đưa vào biên chế quân đội Nga trong năm 2019.

Siêu tăng T-14 Armata thử nghiệm cấp nhà nước / Trung Quốc tìm cách hỗ trợ tín dụng nhiều hơn cho DN nhỏ và tư nhân

“Nga là nước đầu tiên trên thế giới có vũ khí chiến lược mới và việc này chắc chắn giúp đảm bảo an ninh của đất nước và người dân trong các thập kỷ tới”, ông Putin được hãng thông tấn Nga Tass dẫn lời.

“Đây là món quà năm mới tuyệt vời cho nước Nga”, ông nói.

Hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard được thử nghiệm tại căn cứ không quân Dombarovsky, phía tây nam nước Nga, theo Tass.

Các bản tin nói tên lửa của hệ thống Avangard có tầm bắn thuộc hàng liên lục địa, với tốc độ bay lên đến Mach 20 (Mach 1, tức tốc độ âm thanh, tương đương 1235km/h-PV), tức là hơn 24.000km/h.

Khi tên lửa gần tới mục tiêu, đầu đạn của nó tách ra, vừa điều chỉnh độ cao, vừa chuyển hướng để tránh bị hệ thống phòng không của đối phương phát hiện, bay đủ thấp để tránh hầu như mọi tên lửa đánh chặn, theo tin của Tass.

Tên lửa siêu thanh mới của Nga mạnh cỡ nào? - ảnh 1
Hình ảnh lúc tên lửa được phóng lên từ silo ngầm dưới đất Ảnh: tellerreport.com

“Trong thực tế nó không thể bị đánh chặn”, ông Putin nói về tên lửa trước quốc hội Nga hồi tháng Ba.

Bộ Quốc phòng Mỹ chưa đưa ra bình luận về tin thử thành công tên lửa Nga. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ nói với CNN rằng ông ta nghi ngờ về hệ thống vũ khí ông Putin đề cập hồi tháng Ba, cho rằng chúng chưa hoàn thiện để có thể đi vào hoạt động.

Một số nhà bình luận phương Tây tỏ ra nghi ngờ năng lực của thứ vũ khí mới mà Moscow vừa loan báo. “Kinh phí và nguồn lực quốc phòng có hạn đã đe dọa một loạt vũ khí chiến lược và phi chiến lược của Nga cũng như các nỗ lực hiện đại hóa quân đội”, Joseph Trevithick, học giả của tổ chức nghiên cứu GlobalSecurity.org,viết trên chuyên trang quân sự The War Zone. “Vẫn còn phải chờ xem điện Kremlin có thể thực sự đưa hệ thống vũ khí siêu thanh vào phục vụ hay không và đến mức độ nào”.

Nhưng rõ ràng thông báo của ông Putin hôm thứ Tư về tên lửa siêu thanh cho thấy một thực tế là Moscow vẫn đang theo đuổi các chương trình vũ khí mà Washington không thể không bận tâm.

 

Tướng John Hyten, đứng đầu Bộ tư lệnh Chiến lược Mỹ, hồi tháng Ba đã cảnh báo rằng thế hệ vệ tinh phát hiện tên lửa và radar hiện tại của Mỹ không thể phát hiện các loại vũ khí như tên lửa Avangard.

“Chúng ta sẽ phải cần đến các hệ thống cảm biến khác để phát hiện các mối nguy siêu thanh, tướng Hyten nói với CNN hồi tháng Ba.

Trang web chuyên về thông tin tình báo địa chính trị Stratfor trong một bài viết hồi đầu năm đã mô tả các vũ khí siêu thanh là “có sức công phá hủy diệt”.

“Những tên lửa loại này sẽ khiến các nước chạy đua nâng cấp hệ thống phòng thủ nhằm đủ sức đối phó”, Stratfor nhận định.

Ngoài Nga, Mỹ và Trung Quốc cũng đang nghiên cứu về vũ khí siêu thanh.

 

Trung Quốc nói họ đã thử nghiệm thành công một máy bay siêu thanh hồi tháng Tám vừa qua, đạt tốc độ Mach 6. Tuy nhiên, Bắc Kinh chỉ nói sử dụng các nghiên cứu này vào ngành công nghiệp không gian vũ trụ.

Hồi đầu năm, Không quân Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 928 triệu USD với hãng Lockheed Martin phát triển một tên lửa siêu thanh.

Tháng 11, thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mảng nghiên cứu và chế tạo Michael D. Griffin nói Mỹ có thể có năng lực phòng thủ chống lại các vũ khí siêu thanh vào giữa thập kỷ tới.

Vũ khí - khí tài
Theo tienphong.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm