Quốc tế

Thách thức “bủa vây” Trung Quốc khi Venezuela chìm trong khủng hoảng

Với làn sóng đầu tư ồ ạt và là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Venezuela, Trung Quốc đã chịu nhiều thiệt hại khi quốc gia Nam Mỹ rơi vào khủng hoảng trong những năm gần đây.

Chỉ trích phương Tây, Nga khẳng định không can thiệp quân sự vào Venezuela / Venezuela hạ cấp, sa thải hàng loạt quan chức quân đội sau vụ đảo chính thất bại

Thách thức “bủa vây” Trung Quốc khi Venezuela chìm trong khủng hoảng - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Ảnh: AFP)

Những khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào các nước đang phát triển thường được xem là mô hình mang lại lợi ích cho cả hai bên. Tuy nhiên, theo SCMP, tại Venezuela, quốc gia đang chìm trong khủng hoảng, làn sóng đầu tư của Bắc Kinh dường như đã thất bại hoàn toàn, xét cả về kinh tế, chính trị và ngoại giao.

Venezuela mang lại nhiều cơ hội làm ăn cho Trung Quốc. Quốc gia Mỹ Latin này cần các khoản đầu tư vào mạng lưới cơ sở hạ tầng, trong khi Trung Quốc có tiền và công nghệ. Venezuela cũng có thứ mà Trung Quốc cần: dầu mỏ.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, từ lâu đã tìm cách để đa dạng hóa các nguồn cung cấp và thị trường. Venezuela, nơi có trữ lượng khoáng sản và dầu mỏ lớn nhất thế giới, có thể đáp ứng được nhu cầu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các khoản đầu tư ồ ạt của Trung Quốc vào Venezuela không chỉ được thúc đẩy bởi động cơ thương mại. Venezuela còn nằm trong tính toán địa chính trị của Bắc Kinh.

Năm 2001, Venezuela trở thành nước Mỹ Latinh đầu tiên trở thành “đối tác phát triển chiến lược” với Trung Quốc. Mối quan hệ này được nâng cấp lên thành “đối tác chiến lược toàn diện” kể từ năm 2014.

 

Trung Quốc xem Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, người mang tư tưởng chống Mỹ, và người tiền nhiệm Hugo Chavez là các đồng minh chính trị quan trọng trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng đối đầu mạnh mẽ với Washington. Đối với Trung Quốc, vị thế địa chiến lược của Venezuela đã trở thành bệ phóng giúp Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực được coi là sân sau của Mỹ.

Ngay cả khi các nước khác dừng hợp tác làm ăn với Venezuela, Trung Quốc vẫn duy trì sự ủng hộ về tài chính cho quốc gia Nam Mỹ này. Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã rót 62 tỷ USD vào Venezuela, chiếm 53% tổng số tiền Trung Quốc đổ vào khu vực Mỹ Latinh.

Thiệt hại của Trung Quốc

Tuy nhiên khi Venezuela gặp khủng hoảng về kinh tế, Trung Quốc cũng phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề. Nhiều dự án trong số 790 dự án của Trung Quốc tại Venezuela bị thất bại khi các dự án này trở thành “nạn nhân” của một số vấn đề như tham nhũng hay vỡ nợ. Venezuela vẫn nỗ lực để trả nợ cho Trung Quốc bằng cách vận chuyển dầu.

Khi Venezuela rơi vào khủng hoảng, khoảng 25 tỷ USD do nước này vay Trung Quốc vẫn chưa được thanh toán. Mặc dù Trung Quốc đã gia hạn nợ cho Venezuela, song chính quyền Maduro vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu của Venezuela hiện nay đã giảm so với trước đây.

 

Thách thức “bủa vây” Trung Quốc khi Venezuela chìm trong khủng hoảng - 2

Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido (Ảnh: Getty)

Nếu chính quyền Maduro tiếp tục nắm quyền, Trung Quốc có thể vẫn gặp khó khăn khi hoạt động tại Venezuela. Tuy nhiên, khó khăn này có thể tăng lên gấp nhiều lần nếu thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, người được Mỹ và hơn 50 quốc gia ủng hộ, lên nắm quyền.

Thủ lĩnh đối lập Guaido hôm 30/4 đã kêu gọi cuộc đảo chính để lật đổ chính quyền Maduro song không thành công. Theo Forbes, nếu ông Guaido ngồi vào ghế tổng thống Venezuela, Trung Quốc không chỉ mất đi tầm ảnh hưởng, mà còn có nguy cơ đối mặt với sự thù địch vì từng ủng hộ chính quyền Maduro.

Về mặt chính trị, Trung Quốc được cho là phải trả giá đắt vì ủng hộ Tổng thống Maduro trong khi chính quyền Venezuela bị các nước phương Tây tẩy chay. Kể từ khi ông Maduro lên nắm quyền từ năm 2013, Venezuela đương đầu với nhiều khó khăn như GDP sụt giảm đáng kể, tỷ lệ lạm phát lên tới 1 triệu % năm 2018.

Ngoài ra, Venezuela cũng thường xuyên trải qua tình trạng thiếu điện, nước, lương thực và tội phạm gia tăng. Khoảng 3 triệu người Venezuela đã rời bỏ đất nước, chiếm gần 1/10 dân số. Trong bối cảnh này, các khoản vay từ Trung Quốc đã trở thành “phao cứu sinh” cho chính quyền Venezuela, bên cạnh sự hỗ trợ từ Nga.

 

Về mặt ngoại giao, sự ủng hộ của Trung Quốc với chính quyền Maduro cũng đặt ra cho Bắc Kinh nhiều rào cản. Gần như tất cả các nước thành viên của nhóm Lima, một khối gồm 14 nước chủ yếu ở khu vực Mỹ Latin, đều chuyển từ công nhận Tổng thống đương nhiệm Maduro sang tổng thống tự phong Juan Guaido.

Theo SCMP, cái giá phải trả cho việc Trung Quốc ủng hộ chính quyền Maduro lớn hơn so với việc mất đi một đồng minh tại Nam Mỹ. Đó là lý do Bắc Kinh cho đến nay vẫn tìm cách giữ lập trường trung lập và đang có xu hướng tách dần khỏi Tổng thống Maduro, mặc dù Bắc Kinh vẫn là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Venezuela.

Thiệt hại của Trung Quốc tại Venezuela đã đặt ra nhiều câu hỏi về sự nhạy bén của các nhà lập pháp Trung Quốc trong việc xử lý các rủi ro về chính trị khi đầu tư vào Mỹ Latin cũng như các khu vực khác tại các nước đang phát triển.

Bắc Kinh coi việc đầu tư vào Venezuela là “cánh tay nối dài” của sáng kiến tỷ đô Vành đai và Con đường. Câu chuyện tại Venezuela cũng gióng lên hồi chuông báo động về mạng lưới các dự án của Trung Quốc tại các khu vực bất ổn về chính trị như Trung Đông và châu Phi. Đây được xem là bước thụt lùi trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng và gia tăng sự hiện diện trên toàn thế giới, theo SCMP.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm