Tham khảo mô hình kinh tế Việt Nam - điểm nhấn trong chuyến công du của Chủ tịch Triều Tiên
DNVN - Khi nhà lãnh đạo Triều Tiên sang Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, một chủ đề nổi bật khác trong chuyến công du là ông Kim sẽ học hỏi được gì từ chương trình cải cách kinh tế của Việt Nam vốn được coi là một mô hình thích hợp cho Bình Nhưỡng tham khảo.
Mỹ - Triều gấp rút chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai / Hình thức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Việt Nam tương tự lần 1?
Theo hãng tin Yonhap, kể từ khi Nhà Trắng thông báo về địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh vào đầu tháng 2, chủ đề bàn tán nổi lên là liệu ông Kim có đến các nhà máy sản xuất lớn của Việt Nam, trong đó có nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của công ty Samsung (Hàn Quốc) hay không?
Đồn đoán về chuyến công du học hỏi mô hình phát triển kinh tế của ông Kim Jong-un gia tăng sau khi Triều Tiên công bố danh sách các quan chức tháp tùng ông Kim tới Hà Nội, trong đó có ông O Su-yong - người phụ trách các vấn đề kinh tế của đảng cầm quyền Triều Tiên.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại ga tàu Bình Nhưỡng trước khi khởi hành tới Việt Nam. (Ảnh: Rodong Sinmun/Yonhap)
Ông Kim Chang-son, quan chức thuộc Ủy ban phụ trách các vấn đề Nhà nước của Triều Tiên, đã thị sát quanh nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của tập đoàn Hàn Quốc Samsung Electronic Co. tại Việt Nam vào tuần trước, khi ông dẫn đầu phái đoàn ngoại giao tới Hà Nội ngày 16/2 để làm công tác chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của ông Kim Jong-un cũng như chương trình nghị sự của lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump, diễn ra vào ngày 27-28/2.
"Bằng việc tới thăm nhà máy này, Triều Tiên có thể gửi một thông điệp đến thế giới rằng, họ muốn đầu tư từ các công ty toàn cầu, như Samsung", Giáo sư Yang Moo-jin đến từ Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Soul nhận định.
Tính đến ngày 24/02, không có dấu hiệu bất thường nào tại nhà máy Samsung, với việc công ty này cho biết họ không thực hiện công tác chuẩn bị nào cho việc tiếp Chủ tịch Kim Jong-un. Tuy vậy, một số nhà quan sát cho rằng khả năng ông Kim Jong-un tới thăm nhà máy vẫn mở ra đến phút cuối cùng.
Theo giới quan sát, ông Kim cũng có thể tới thăm các nhà máy công nghiệp lớn tại Việt Nam như Khu Công nghệ cao Hòa lạc, Học viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và thành phố công nghiệp Hải Phòng.
Nếu những chuyến đi này diễn ra sẽ cho thấy cam kết của ông Kim trong việc học hỏi mô hình cải cách kinh tế của Việt Nam.
Yonhap cho biết, theo chính sách cải các kinh tế đổi mới khởi xướng vào năm 1986, Việt Nam đã cải cách thể chế kinh tế, chuyển sang kinh tế thị trường. Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào năm 1995 và ký kết một thỏa thuận thương mại song phương với nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2000.
Năm 2007, Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP của Việt nam đã tăng từ 14 tỷ USD vào năm 1985 lên 224 tỷ USD vào năm 2017.
Triều Tiên đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế, công bố chính sách mới đó là tập trung vào kinh tế thay vì chính sách "song tiến" (byongjin) - khuyến khích phát triển kinh tế song song với theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân.
Các chuyên gia nhận định, Việt Nam là một trong những mô hình tốt nhất về phát triển kinh tế để Bình Nhưỡng học hỏi.
"Do hạn chế về huy động nguồn lực trong nước, Triều Tiên cần các nguồn lực và nguồn vốn nước ngoài quy mô lớn từ cộng đồng quốc tế", nhà nghiên cứu Cho Kyung-hwan chia sẻ với báo chí Hàn Quốc gần đây.
"Mô hình của Việt Nam cho thấy một thỏa thuận thương mại với Mỹ là điều cần thiết và cuối cùng dẫn đến việc gia nhập WTO để hoàn thành thủ tục cải cách và mở cửa kinh tế", ông khẳng định.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thúc giục nhà lãnh đạo Kim Jong-un theo đuổi con đường phát triển kinh tế của Việt Nam.
Hôm 24/02, ông Trump tuyên bố, Triều Tiên có thể trở thành "một trong những cường quốc kinh tế" mà không cần vũ khí hạt nhân.
Minh Thu (Theo Yonhap)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo