Thành tựu 3 năm đứng trước nguy cơ tan biến, Tổng thống Trump đi nước cờ "độc" khi gây chiến với Iran
Leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran / Không quân Iran đáng sợ nếu mua được máy bay Nga, Trung
Mỹ "viện cớ" gây xung đột với Iran
Ngày 22/4, nhân dịp 41 năm thành lập, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã phóng thành công và đưa vệ tinh quân sự đầu tiên vào quỹ đạo. Tổng tư lệnh IRGC, Thiếu tướng Hossein Salami cho biết thành công này mang tính đột phá, giúp Iran tăng cường sức mạnh phòng thủ, mở rộng khả năng do thám trên không.
Sự kiện cũng truyền tải thông điệp, các lệnh trừng phạt của Mỹ không những cản trở sự tiến bộ của Iran mà còn là động lực thúc đẩy các công nghệ mới để đưa Iran thành một cường quốc trong khu vực và trên trường quốc tế trong tương lai gần.
Iran phóng vệ tinh quân sự đầu tiên hôm 22/4 trước sự ngỡ ngàng của Mỹ và phương Tây. Ảnh: AP.
Vài giờ sau khi IRGC tuyên bố đã phóng vệ tinh quân sự đầu tiên lên quỹ đạo, trong một tweet hôm 22/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho Hải quân Mỹ "tiêu diệt và phá hủy" mọi tàu chiến Iran trên Vịnh Ba Tư nếu dám đe dọa tàu Mỹ.
Tuyên bố được đưa ra một tuần sau sự kiện 11 tàu tấn công nhanh của IRGC được cho là đã áp sát gây nguy hiểm, quấy rối 6 tàu chiến của Mỹ ở vùng Vịnh.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington sẽ tiến hành bất cứ hành động nào mà họ cảm thấy cần thiết để đảm bảo an ninh của nước Mỹ.
Ngoại trưởng Pompeo còn cáo buộc Iran sử dụng khoản tiền để điều trị cho những người bị mắc Covid-19 vào mục đích thúc đẩy lợi ích quân sự và chính trị trong khu vực, đồng thời cũng khẳng định sẽ đưa việc Iran để "tổ chức khủng bố" IRGC (Mỹ quy lực lượng này là khủng bố từ tháng 4/2019) phóng vệ tinh quân sự hôm 22/4 ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đáp trả, người phát ngôn của lực lượng vũ trang Iran chỉ trích, trọng tâm của ông Trump đã "bị đặt sai chỗ", Mỹ nên tập trung vào cứu giúp lực lượng quân sự nước này khỏi tác động của đại dịch Covid-19 hơn là "đi bắt nạt các nước khác".
Các tàu tấn công nhanh Iran áp sát tàu Tuần duyên Mỹ trên vịnh Ba Tư hôm 15/4. Ảnh: The Maritime.
Ngày 24/4, tướng Hossein Salami thậm chí đã ra lệnh cho các lực lượng Hải quân nước này có thể phá hủy bất cứ tàu chiến hoặc đơn vị quân đội Mỹ nào ở Vịnh Ba Tư nếu đe dọa đến an ninh của các tàu quân sự hoặc phi quân sự Iran, qua đó làm dấy lên lo ngại leo thang căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Iran có thể đẩy hai nước vào một cuộc chiến mới.
Theo giới quan sát, việc tiếp xúc cự ly gần giữa tàu chiến Mỹ và Iran từng nhiều lần xảy ra vào các năm 2016 và 2017. Trong một số trường hợp, tàu chiến của Hải quân Mỹ đã bắn cảnh cáo khi tàu Iran áp sát quá gần. Tuy nhiên, những sự cố như vậy đã giảm bớt trong thời gian qua; có thời điểm, các phương tiện của Iran áp sát tàu chiến Mỹ trong phạm vi khoảng 9 mét.
Toan tính thực sự của Tổng thống Trump
Hiện chính quyền của Tổng thống Trump đang đứng trước những khó khăn chưa từng có cả từ bên trong (mâu thuẫn nội bộ) và bên ngoài (do tác động kép từ đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng giá dầu gần đây), cụ thể:
Thứ nhất, sự nguy hiểm của đại dịch Covid-19 (SARS-CoV-2) không chỉ gây thiệt hại to lớn đối với nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe của người dân. Tính đến sáng này 26/4, số người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ đã lên tới 957.505, trong đó có hơn 54.000 trường hợp đã tử vong.
Dịch Covid-19 không chỉ gây thiệt hại to lớn đối với nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe của người dân nước này. Ảnh: Politico.
Thứ hai, cuộc khủng hoảng giá dầu đã làm cho giá dầu WTI giảm xuống dưới 0 (mức âm), ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ bị tê liệt, khoảng 30% các công ty Mỹ bị phá sản, đồng thời khiến hàng triệu người gia nhập đội quân thất nghiệp.
Thứ ba, mâu thuẫn nội bộ giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trong chiến dịch tranh cử chạy đua vào Nhà Trắng (tháng 11/2020). Tổng thống Trump bị chỉ trích mạnh mẽ từ mọi phía, không chỉ từ Đảng Dân chủ mà còn cả trong nội bộ Đảng Cộng hòa về sự yếu kém trong điều hành đất nước, đặc biệt là cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Trong tình hình như vậy, những thành tựu của ông Trump trong hơn ba năm cầm quyền đứng trước nguy cơ "tan biến" và mất dần cơ hội giành thắng lợi nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 11/2020 tới đây. Do đó, động thái "chủ động" tìm cách "gây hấn" và châm ngòi xung đột trên Vịnh ba Tư với Iran vào thời điểm này được giới chuyên gia nhận định là nhằm đạt các mục đích sau:
Một là, giảm bớt sự chú ý và đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề nội bộ của nước Mỹ, hướng ra bên ngoài.
Hai là, gia tăng uy tín trước các đồng minh trong khu vực và khẳng định tính nhất quán trong chính sách đối với Trung Đông, đặc biệt là chính sách "kiềm chế Iran" - "kẻ ngáng đường" đang chịu sức ép to lớn từ Mỹ.
Năm 2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) hay còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và P5 1, áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc hơn đối với Iran.
Tuy nhiên, chính sách "gây sức ép tối đa" của Mỹ nhằm vào Iran đến thời điểm này hầu như không đem lại hiệu quả như Mỹ mong muốn, trái lại khiến khu vực càng trở nên bất ổn. Ví dụ gần đây nhất là vụ ám sát Thiếu tướng Qasem Soleimani - Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds tại Iraq.
Đây chính là những toan tính thực dụng của ông Trump phục vụ mục tiêu tranh cử nhiệm kỳ 2, bởi lẽ trong suốt thời gian qua, các chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm thể hiện vai trò trong giải quyết các vấn đề nóng quốc tế gần như không đạt được nhiều hiệu quả như nội chiến ở Syria, Ucraina hay vấn đề hạt nhân Triều Tiên...
Về phía Iran, việc phóng vệ tinh quân sự nằm trong kế hoạch nhằm nâng cao tiềm lực quốc phòng của Iran. Tuy nhiên, việc Iran đẩy nhanh các hoạt động này và trong thời điểm hiện tại là có chủ đích khi nội bộ nước Mỹ đang có rất nhiều vấn đề phức tạp phải giải quyết, ít khả năng đáp trả thực sự những hành động của Iran.
Đi ngược luật pháp quốc tế
Đối với Mỹ, Trung Đông từ trước đến nay luôn là trọng tâm chiến lược trong chính sách đối ngoại, là nơi có lợi ích sống còn đối với Mỹ; vùng đất này tiếp giáp của ba châu lục: châu Á, châu Âu và châu Phi; nơi án ngữ, ngăn chặn ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc sang các khu vực khác; chiếm tới 65% trữ lượng dầu mỏ thế giới.
Mỹ luôn muốn sử dụng dầu mỏ làm "công cụ" để kiềm chế các cường quốc và thực hiện sự lãnh đạo thế giới.
Lực lượng Mỹ trong một chuyến tuần tra các mỏ dầu ở Đông Bắc Syria. Ảnh: Kurdistan 24 Channel.
Tuy nhiên, trong suốt ba năm qua, chính sách của Tổng thống Trump trong vấn đề Trung Đông được đánh giá là "không rõ ràng", thậm chí đang đẩy những căng thẳng trong khu vực lên mức báo động.
Đơn cử như việc tuyên bố rút quân khỏi Syria bị coi là "bật đèn xanh" để Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân tấn công người Kurd (đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS); công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel; công bố "Kế hoạch hòa bình Trung Đông", từ bỏ lập trường coi các khu định cư Do Thái là "không phù hợp với luật pháp quốc tế", vô hình trung kích động, xoáy sâu mâu thuẫn giữa Israel và Palestine...
Một màu xám đang bao phủ lên bức tranh Trung Đông hiện nay cho thấy thực tế rất đáng lo ngại trong quan hệ quốc tế và cách thức giải quyết các xung đột quốc tế. Những điều chỉnh chính sách Trung Đông của Tổng thống Trump thời gian qua đang làm nảy sinh những xu hướng mới rất đáng lo ngại trong xử lý, giải quyết các vấn đề quốc tế:
(i) Chính phủ Mỹ hiện nay không tôn trọng, thậm chí còn xóa bỏ mọi cam kết, thành quả mà Chính phủ tiền nhiệm đã đạt được. (ii) Luật pháp quốc tế cũng như luật pháp quốc gia không được thượng tôn. (iii) Sức mạnh quân sự, lợi ích kinh tế đang được đề cao đến mức có thể bỏ qua những giá trị khác mà nhân loại đã đạt được.
Xu hướng sử dụng sức mạnh, quyền quyết định đơn phương và chủ nghĩa thực dụng đang được đặt lên hàng đầu, "phớt lờ" các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, cũng như sự thượng tôn pháp luật. Đặc biệt là quay lưng lại với các giá trị cơ bản đã được thế giới xây dựng và tôn vinh trong nhiều thập kỷ qua.
Xu hướng trái chiều đang trỗi dậy làm sói món lòng tin về tính hiệu quả của cơ chế hợp tác đa phương và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Điều này buộc các quốc gia phải suy ngẫm kỹ càng hơn, tìm ra những đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động, phức tạp và khó lường như hiện nay.
Tựu chung lại, khó xảy ra một cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông bởi nhiệm vụ ưu tiên số một của cả Mỹ, Iran và các quốc gia khác là tập trung mọi nguồn lực vào cuộc chiến chống dịch Covid-19. Hơn nữa, về thời điểm hiện tại, những người theo đạo Hồi vừa bước vào tháng Ramadan, bất cứ hành động quân sự nào chống Iran là chống lại tất cả thế giới Hồi giáo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo