Quốc tế

Thế giới chưa bao giờ yên lặng đến thế trong đại dịch COVID-19

Một “làn sóng yên lặng” chưa từng có đã lan khắp thế giới. Các biện pháp đóng cửa và giãn cách xã hội đang khiến con người nghe được những âm thanh đáng giá.

Thiếu tướng Nga gây sốc khi tuyên bố 80 tiêm kích Su-57 sẽ sớm được bàn giao / Quân đội Nga bắt đầu thử nghiệm các hệ thống giám sát ở Biển Đen

Ga tàu điện ngầm tại London, Anh vắng vẻ trong dịch COVID-19. (Nguồn: The Guardian)

Ga tàu điện ngầm tại London, Anh vắng vẻ trong dịch COVID-19. (Nguồn: The Guardian)

Số liệu từ các trạm địa chấn trên thế giới cho thấy tần số tiếng ồn gây ra bởi các khu công nghiệp, giao thông và các hoạt động khác đã giảm mạnh khi liên tiếp các nước áp đặt các biện pháp hạn chế. Máy bay nằm không, đường sá vắng vẻ, các cửa hành đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng… đã tạo nên một "làn sóng yên lặng", theo nhà nghiên cứu địa chấn học Stephen Hicks, Đại học Hoàng gia London, Anh. "Ta có thể thấy tiếng ồn địa chấn giảm trong suốt một thời gian, bắt đầu từ cuối tháng 1 tại Trung Quốc rồi tới tháng 3 và 4 tại Italy". Ông Hicks cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ mạng lưới 268 thiết bị cảm ứng địa chấn tại 117 nước và phát hiện ra dấu hiệu giảm đáng kể trong tiếng ồn do con người gây ra, trong đó những trung tâm đô thị như New York, Mỹ và Singapore là giảm mạnh nhất, nhưng ngay cả những trạm địa chấn xa xôi tại Rừng Đen của Đức và Rundu của Namibia cũng ghi nhận sự yên lặng hơn so với bình thường do hoạt động của con người bị hạn chế.

Thế giới chưa bao giờ yên lặng đến thế trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

TP New York, Mỹ ghi nhận mức giảm tiếng ồn đáng kể trong dịch COVID-19 (Nguồn: AP)

Quanh các trường học tại Anh và Mỹ, rung địa chấn giảm khoảng 20% ngay cả so với mức giảm thường thấy trong các kỳ nghỉ. Tại Barbados, tần số tiếng ồn giảm tới 50% vào những tuần trước đóng cửa, khi du khách đã lên những chuyến bay cuối cùng trở về nhà.

 

"Sự yên lặng này chưa từng có trước đây, ít nhất là theo những dữ liệu địa chấn mà chúng tôi ghi lại". Ông Thomas Lecoq thuộc Viện Quan sát hoàng gia Bỉ cho biết. Những dữ liệu này được các nhà nghiên cứu lưu lại từ những năm 1970.

Với các nhà nghiên cứu, sự yên lặng đột ngột này mang đến những cơ hội không ngờ. Trong bối cảnh dân số thế giới gia tăng, càng nhiều người có nguy cơ đối mặt với thiên tai như động đất, núi lửa, lở đất. "Ở những thành phố có rủi ro cao về mặt địa chất, chúng tôi muốn theo dõi và có thể đưa ra cảnh báo cho người dân. Khi tiếng ồn do con người gây ra gia tăng, việc phát hiện ra những tín hiệu nhỏ như thế này là rất khó". Nhà nghiên cứu địa chấn Stephen Hicks cho hay. Tuy nhiên, trong thời gian đóng cửa, những tín hiệu này lại dễ dàng được nhận ra hơn.

"Làn sóng yên lặng" gây ra bởi đại dịch COVID-19 chính là quãng thời gian ghi nhận mức giảm tiếng ồn dài nhất và đáng kể nhất từ trước đến nay, theo các nhà khoa học.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm