Thông điệp cảnh báo Mỹ của ông Kim Jong-un khi thăm Trung Quốc
Thổ Nhĩ Kỳ thẳng thừng bác yêu cầu khi Mỹ rút khỏi Syria / Truyền thông Mỹ e ngại phát sóng trực tiếp phát biểu của ông Trump
Chuyến tàu chở ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Thông tấn Trung Quốc và Triều Tiên sáng nay 8/1 đồng loạt xác nhận, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang ở thăm Trung Quốc trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày từ 7-10/1 theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Giống bất cứ chuyến công du Trung Quốc trước đó của ông Kim Jong-un, chuyến thăm lần thứ 4 này cũng không được thông báo trước và truyền thông quốc gia mỗi bên chỉ xác nhận sau khi ông Kim Jong-un đã tới Trung Quốc.
Tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm Trung Quốc lần này, ngoài phu nhân Ri Sol-ju còn có các quan chức cấp cao của Triều Tiên như ông Kim Yong-chol, Ri Su-yong, Pak Thae-song, Ri Yong-ho, No Kwang-chol.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm được coi là khá đặc biệt, trùng dịp sinh nhật của ông Kim Jong-un và cũng trùng thời điểm diễn ra cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng như triển vọng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai trong thời gian tới.
Chuyến thăm mang nhiều thông điệp
Đây là chuyến thăm thứ 4 của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội kiểm soát vũ khí có trụ sở tại Washington (Mỹ), cho rằng mục đích chuyến thăm này của ông Kim Jong-un là tìm kiếm sự ủng hộ và giúp đỡ của Trung Quốc về triển khai đường hướng chính sách mà nhà lãnh đạo Triều Tiên đã phác thảo trong thông điệp đầu năm mới, mặt khác nhằm củng cố vị thế đàm phán của Bình Nhưỡng trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai.
Sean King, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ và hiện là Phó chủ tịch công ty chiến lược chính trị Park Strategies, nhận định Triều Tiên có xu hướng dựa vào sự bảo lãnh an ninh của Trung Quốc trước hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Nếu ông Kim thực sự sẽ gặp ông Trump lần hai, ông ấy chắc chắn sẽ muốn tham vấn ông Tập Cận Bình trước khi một lần nữa bước ra trường quốc tế. Ông Kim dường như muốn có được cam kết bảo lãnh từ Bắc Kinh", chuyên gia King bình luận.
Nhận định về chương trình nghị sự chuyến thăm, ông Cheong Seong-chang, một nhà nghiên cứu tại Viện Sejon ở Seoul (Hàn Quốc), cho rằng cuộc hội đàm giữa ông Kim và ông Tập có thể sẽ tập trung vào vấn đề giải trừ hạt nhân, thiết lập cơ chế hòa bình thay thế cho hiệp ước đình chiến trên bán đảo Triều Tiên và dỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên.
Cũng theo chuyên gia này, không loại trừ khả năng, ông Tập và ông Kim sẽ thảo luận việc đưa tên lửa đạn đạo liên lục địa ra khỏi lãnh thổ Triều Tiên để tiến hành dỡ bỏ - một vấn đề mà Mỹ muốn giải quyết.
Chuyến thăm của ông Kim Jong-un diễn ra vào thời điểm giới chức Mỹ-Trung tích cực đàm phán để tránh một cuộc chiến thương mại thậm chí khốc liệt hơn sau khi thỏa thuận đình chiến hết hiệu lực vào cuối tháng 2.
Chuyến thăm có thể nhằm củng cố vị thế đàm phán của Triều Tiên trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai. (Ảnh: Reuters
Harry J. Kazianis, một chuyên gia nghiên cứu tại Washington, cho rằng: "Ông Kim muốn nhắc nhở chính quyền của Tổng thống Trump rằng ông ấy vẫn có những phương án ngoại giao và kinh tế ngoài những phương án mà Washington và Seoul đưa ra. Trung Quốc cũng có thể dễ dàng khiến chiến lược của Tổng thống Trump nhằm "gây sức ép tối đa" với Triều Tiên rơi vào quên lãng".
Với Trung Quốc, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm "không thể thuận lợi hơn" khi đang diễn ra đàm phán thương mại Mỹ-Trung và rõ ràng "Bắc Kinh có trong tay quân bài Triều Tiên và có thể tung ra bất cứ khi nào cần", chuyên gia Kazianis nhận định.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn CNBC ngày 7/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh, hai vấn đề này hoàn toàn không liên quan. "Phía Trung Quốc đã thể hiện rõ với chúng tôi rằng đây là hai vấn đề không liên quan. Hành động của họ đã cho thấy như vậy và chúng tôi đánh giá cao điều đó", ông Pompeo nói.
Về phần mình, ông Tong Zhao, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận định với CNN rằng đây là một chiến lược của ông Kim Jong-un nhằm tận dụng sự cân bằng chiến lược giữa hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc. "Điều này giúp ông Kim Jong-un có cơ hội tốt nhất để đạt được mục tiêu có thể đồng thời phát triển hạt nhân và phát triển kinh tế", ông Tong Zhao nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo