Quốc tế

Thủ tướng Sri Lanka thừa nhận nền kinh tế đã sụp đổ hoàn toàn

Nhận xét của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe được đưa ra trong bối cảnh quốc đảo này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử.

Sức mạnh Mỹ có thể suy yếu nếu đáp ứng hết yêu cầu vũ khí của Ukraine / Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhận định về nguy cơ kinh tế suy thoái

Một nhân viên an ninh canh gác trạm nhiên liệu ở Colombo. Ảnh: AFP

Hãng tin AP dẫn lời Thủ tướng Sri Lanka phát biểu trước các nhà lập pháp ngày 22/6 rằng nền kinh tế nước này đã sụp đổ sau nhiều tháng thiếu lương thực, nhiên liệu và điện. Theo ông Wickremesinghe, quốc gia Nam Á này đang phải đối mặt với một tình huống nghiêm trọng, chứ không chỉ dừng lại ở tình trạng thiếu hụt, cũng như có khả năng rơi xuống đáy.

Cuộc khủng hoảng hiện được coi là tồi tệ nhất trong lich sử Sri Lanka, nhưng ông Wickremesinghe không trích dẫn bất kỳ diễn biến mới cụ thể nào khi đưa ra tuyên bố trên.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những bình luận của nhà lãnh đạo Sri Lanka dường như nhằm nhấn mạnh với các nhà phê bình và các nhà lập pháp đối lập rằng ông đã kế thừa một nhiệm vụ khó khăn mà không thể nhanh chóng khắc phục.

Người dân xếp hàng chờ mua nhiên liệu để đun nấu tại Colombo, Sri Lanka, ngày 17/6/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Anit Mukherjee, một nhà chính sách và nhà kinh tế tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington, nhận xét: “Ông ấy đang đặt ra mức kỳ vọng rất thấp”. Mặt khác, tuyên bố của ông Ranil Wickremesinghe cũng gửi một thông điệp đến những người cho vay tiềm năng rằng: "Bạn không thể để một quốc gia có tầm quan trọng chiến lược như vậy sụp đổ".

Nền kinh tế Sri Lanka đang chịu sức nặng của các khoản nợ chồng chất, mất mát nguồn doanh thu từ du lịch cùng các tác động khác của đại dịch COVID-19 cũng như chi phí hàng hóa tăng cao. Kết quả là quốc gia sắp phá sản này hầu như không còn tiền để nhập khẩu xăng, sữa, khí đốt và giấy vệ sinh.

 

Các nhà lập pháp của hai đảng đối lập ở Sri Lanka đang tẩy chay Thủ tướng Wickremesinghe, người vừa trở thành thủ tướng cách đây hơn một tháng và cũng là Bộ trưởng Tài chính, vì đã không thực hiện cam kết xoay chuyển nền kinh tế.

Thủ tướng Wickremesinghe cho biết Sri Lanka không thể nhập khẩu nhiên liệu nhập khẩu do Tập đoàn Dầu khí Ceylon đang nợ nần chồng chất 700 triệu đô la Mỹ. Vì lẽ đó, không quốc gia hay tổ chức nào trên thế giới sẵn sàng cung cấp nhiên liệu cho Sri Lanka.

Cuộc khủng hoảng đã bắt đầu ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu của Sri Lanka, ước tính chiếm từ 15 - 20% dân số thành thị của đất nước. Tầng lớp trung lưu bắt đầu tăng lên từ những năm 1970 sau khi nền kinh tế Sri Lanka mở cửa nhiều hơn cho hoạt động thương mại và đầu tư.

Thế nhưng, giờ đây, những người chưa bao giờ phải suy nghĩ nhiều về giá nhiên liệu và thực phẩm lại đang phải chật vật xoay xở để đủ ba bữa ăn một ngày.

Ông Bhavani Fonseka, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Thay thế Chính sách ở Colombo, thủ đô Sri Lanka, nói: “Nếu tầng lớp trung lưu còn gặp khó khăn như thế này, hãy thử tưởng tượng những người yếu thể hơn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề như thế nào.

 

Các cơ quan chính phủ đã nghỉ làm vào thứ Sáu hàng tuần trong thời hạn ba tháng để tiết kiệm nhiên liệu, cũng như có thời gian tự trồng rau quả. Theo số liệu chính thức, tỷ lệ lạm phát đối với thực phẩm là 57%.

Ông Wickremesinghe nhậm chức sau nhiều ngày lên tiếng phản đối dữ dội về cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước. Hôm 22/3, ông đổ lỗi cho chính phủ tiền nhiệm đã không hành động kịp thời khi dự trữ ngoại hối của Sri Lanka giảm dần.

Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Colombo, Sri Lanka, ngày 21/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc khủng hoảng ngoại tệ này đã siết chặt khả năng nhập khẩu hàng hóa, gây ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhu yếu phẩm. “Nếu ít nhất các bước làm chậm sự sụp đổ của nền kinh tế được thực hiện ngay từ đầu, thì chúng ta đã không phải đối mặt với tình huống khó khăn này ngày nay. Nhưng chúng ta đã đánh mất cơ hội này”, Thủ tướng Sri Lanka nói.

Cho đến nay, Sri Lanka đang “vật vờ” tồn tại, chủ yếu nhờ nguồn hỗ trợ 4 tỷ đô la Mỹ trong hạn mức tín dụng từ nước láng giềng Ấn Độ. Nhưng Thủ tướng Wickremesinghe nói rằng Ấn Độ sẽ không thể cứu cánh Sri Lanka lâu hơn nữa.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã cam kết hỗ trợ Colombo từ 300 - 600 triệu đô la Mỹ để mua thuốc và các mặt hàng thiết yếu khác. Ngoài ra, Sri Lanka thông báo rằng họ sẽ đình chỉ trả khoản nợ nước ngoài 7 tỷ USD đã đáo hạn trong năm nay, trong khi chờ đợi kết quả của các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói giải cứu mới. Ước tính, quốc gia này trung bình phải trả 5 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho đến tận năm 2026.

 

Theo ông Wickremesinghe, sự trợ giúp của IMF dường như là lựa chọn duy nhất của Sri Lanka hiện nay. Các quan chức IMF đã đến Sri Lanka để thảo luận về đề xuất cứu trợ mới. Hai bên có thể đạt được một thỏa thuận vào cuối tháng 7.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm