Quốc tế

Một mùa Hè hỗn loạn ở châu Âu

Sau 21 năm làm đại lý dịch vụ của Air France, ông Karim Djeffal đã rời bỏ công việc của mình trong giai đoạn đại dịch COVID-19 để chuyển sang làm tư vấn việc làm.

Báo Nga: Trung Quốc vượt Nga, Mỹ trong chạy đua vũ trang hạt nhân / Tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới có thể chậm lại trong 2023

Chia sẻ thêm về quyết định này, ông cho biết: "Nếu điều này (công việc mới) không thành công, tôi sẽ không quay lại lĩnh vực hàng không, nơi có một số ca làm bắt đầu lúc 4 giờ sáng và một số ca khác kết thúc lúc nửa đêm. Điều đó rất mệt mỏi".

Quan điểm của ông Djeffal được đưa ra trong bối cảnh các sân bay và hãng hàng không trên khắp châu Âu đang chạy đua tuyển dụng thêm hàng ngàn nhân lực để đối phó với nhu cầu “du lịch trả thù” đang trỗi dậy.

Hành khách tại sân bay Heathrow ở London, Anh. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Ngành hàng không thế giới mất 2,3 triệu việc làm trong đại dịch

Lần lượt các sân bay ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan đã thử cung cấp đặc quyền bao gồm tăng lương và thưởng cho công nhân giới thiệu người quen vào làm. Các nhà khai thác sân bay cũng đã đăng quảng cáo tuyển dụng hàng ngàn vị trí việc làm trên khắp châu Âu.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích và quan chức trong ngành cho biết đợt tuyển dụng này có thể không đủ nhanh để xóa đi nguy cơ phải hoãn/huỷ các chuyến bay hoặc kéo dài thời gian chờ đợi, kể cả khi mùa du lịch Hè cao điểm đã qua.

Ngành hàng không châu Âu nhìn chung đã để mất 600.000 việc làm kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Sau hai năm khốn khổ vì đại dịch, mùa Hè 2022 được kỳ vọng sẽ là thời kỳ ngành du lịch quay trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, các mô hình du lịch hàng không giá rẻ, vốn rất được ưa chuộng, đã phần lớn bị phá sản, ít nhất là ở thị trường tích hợp rộng lớn của châu Âu.

Tình trạng thiếu lao động và đình công đã gây ra sự gián đoạn ở các sân bay London, Amsterdam, Paris, Rome và Frankfurt vào mùa Xuân này. Các hãng hàng không như hãng hàng không giá rẻ easyJet khổng lồ đã phải hủy hàng trăm chuyến bay, trong khi các cuộc đình công mới liên tục diễn ra ở Bỉ, Tây Ban Nha, Pháp và khu vực bán đảo Scandinavia.

 

Khi các nhà lãnh đạo dự Hội nghị thượng đỉnh ở Qatar trong tuần này, họ sẽ bàn luận chủ đề ai sẽ phải chịu trách nhiệm về sự hỗn loạn của các hãng hàng không, sân bay và chính phủ.

James Halstead, đối tác quản lý của công ty tư vấn Aviation Strategy, cho biết: “Có rất nhiều khó khăn nhưng tất cả các bên đều có lỗi khi không thể đối phó kịp với sự gia tăng nhu cầu”.

Ngành hàng không toàn cầu đã mất 2,3 triệu việc làm trong thời kỳ đại dịch, với các công việc liên quan đến xử lý vấn đề trên mặt đất và an ninh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, theo số liệu từ Nhóm hành động vận tải hàng không.

Nhiều người lao động đã chậm trễ quay trở lại với công việc hoặc lựa chọn nghỉ hưu sớm.

Nhà kinh tế cấp cao Rico Luman của ING cho biết: “Hiện tại họ rõ ràng có các lựa chọn thay thế và có thể chuyển đổi công việc”.

 

Trong khi nhà kinh tế Rico Luman hy vọng áp lực đi lại sẽ giảm bớt sau mùa Hè, ông nói rằng tình trạng thiếu hụt có thể tiếp tục kéo dài khi những người lao động lớn tuổi nghỉ việc và nghiêm trọng hơn, sẽ có ít lao động trẻ hơn sẵn sàng thay thế họ.

Ông nói: “Ngay cả khi suy thoái kinh tế diễn ra, thị trường lao động sẽ vẫn tiếp tục xu hướng thắt chặt ít nhất là trong năm nay”.

Lương quá thấp cho một công việc quá nhiều trách nhiệm

Theo Liên đoàn Lao động Dân chủ Pháp (CFDT), yếu tố chính làm chậm việc tuyển dụng là thời gian sàng lọc an ninh đối với lao động mới. Ở Pháp, quá trình này kéo dài đến 5 tháng đối với những công việc nhạy cảm nhất.

Marie Marivel, 56 tuổi, nhân viên điều hành an ninh và kiểm tra hành lý tại sân bay Charles de Gaulle(CDG) với mức lương khoảng 2.100 euro (2.200 USD) một tháng, chia sẻ rằng tình trạng thiếu hụt đã dẫn đến việc nhân viên phải làm việc quá sức. Những hành khách bị mắc kẹt đã trở nên hung hãn, khiến tinh thần làm việc của nhân viên sân bay xuống thấp.

 

Bà Marie Marivel nói: “Chúng tôi có những người trẻ tuổi đến rồi lại đi sau một ngày. Họ nói rằng họ đang được trả quá ít tiền cho một công việc có quá nhiều trách nhiệm".

Hành khách xếp hàng tại sân bay Orly, phía nam thủ đô Paris, Pháp. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Anne Rigail, Giám đốc điều hành chi nhánh Air France-KLM của Pháp, cho biết sau nhiều gián đoạn vào tháng 5/2022, tình hình ở Pháp đang ổn định trở lại.

Mặc dù vậy, các sân bay Charles de Gaulle và Orly ở Paris, nơi một công đoàn đã kêu gọi đình công vào ngày 2/7, vẫn cần lấp đầy thêm tổng cộng 4.000 chỗ trống việc làm.

Và ở Hà Lan, nơi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp hơn nhiều là 3,3%, các vị trí cần tuyển dụng chưa được lấp đầy vẫn ở mức cao kỷ lục và sân bay Schiphol đã chứng kiến hàng trăm chuyến bay bị hủy cùng hình ảnh những chiếc máy bay xếp hàng dài nối đuôi nhau.

Hiện, sân bay Schiphol đã phải thưởng thêm 5,25 euro mỗi giờ cho 15.000 công nhân làm việc trong các lĩnh vực an ninh, xử lý hành lý, vận chuyển và dọn dẹp. Ngoài ra, các Schiphol và Gatwick (London) tuần trước đã công bố kế hoạch giới hạn công suất hoạt động trong suốt mùa Hè. Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều chuyến bay phải huỷ hơn khi các hãng hàng không, sân bay và các chính trị gia tranh cãi về cuộc khủng hoảng.

 

Trò chơi đổ lỗi

Luis Felipe de Oliveira, người đứng đầu Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI), nói với hãng tin Reuters rằng các sân bay đang bị đổ lỗi một cách không công bằng và các hãng hàng không nên cố gắng hơn để giải quyết tình trạng xếp hàng và chi phí gia tăng.

Willie Walsh, người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và cũng tham gia cuộc họp tại Qatar, đã bác bỏ những lời nhận xét cho rằng sự gián đoạn trong lĩnh vực du lịch hàng không là "cơn cuồng loạn".

Thay vào đó, ông Walsh cho rằng một phần nguyên nhân là do hành động của các chính trị gia ở những nơi như Vương quốc Anh, quốc gia thường xuyên có những thay đổi trong chính sách đối phó với đại dịch COVID-19, khiến việc tuyển dụng bị gián đoạn.

Lâu nay, ngành hàng không được nhìn nhận như một minh chứng tích cực của tiến trình toàn cầu hóa, giúp kết nối con người và luân chuyển hàng hóa với giá vé cạnh tranh hơn bao giờ hết.

 

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lao động ở châu Âu đã làm bộc lộ tính dễ bị tổn thương của lực lượng lao động mỏng manh, khiến chi phí tăng cao và bay tạo thêm áp lực cho việc tái cơ cấu.

Ví dụ, ở Đức, các nhà tuyển dụng cho biết nhiều nhân viên mặt đất ở sân bay đã bỏ việc và gia nhập các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon.

Thomas Richter, Giám đốc hiệp hội người sử dụng lao động ABL của Đức, cho biết: “Việc đóng gói một chiếc máy sấy tóc hoặc một chiếc máy tính vào hộp sẽ thoải mái hơn là việc di chuyển một chiếc vali nặng 50 pound (tương đương 23 kg) vào thân máy bay”.

Các nhà phân tích cho rằng việc thị trường lao động bị siết chặt có thể làm tăng chi phí, song vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu ngành hàng không quốc tế có phải từ bỏ mô hình hoạt động trong giai đoạn trước đại dịch là tăng sản lượng và cắt giảm chi phí, để tạo ra các tuyến mới và giữ giá vé thấp, hay không?

Đối với một số nhân viên sắp nghỉ việc, mùa Hè khắc nghiệt của châu Âu là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với hành khách cũng như các nhà quản lý.

 

"Cá nhân tôi nghĩ rằng các chuyến bay là rất rẻ... Tôi chỉ không biết làm thế nào để họ thực sự theo kịp điều đó", một cựu tiếp viên của British Airways, 58 tuổi, đã bị sa thải, cho biết.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm