Thương vụ T-90MS giúp Ấn Độ tăng cường lực lượng xe tăng
Tường tận thủy phi cơ duy nhất của Hải quân Việt Nam / Khó đỡ cách Na Uy “vá” tàu chiến bị tàu hàng tông chìm
Hợp đồng cùng có lợi
Theo Tạp chí quốc phòng Jane's Defence Weekly của Anh, Ủy ban an ninh chính phủ của Ấn Độ đã chấp thuận mua 464 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS do Nga sản xuất. Được biết, New Delhi và Moscow sẽ phải thỏa thuận về tất cả các điều khoản của hợp đồng trong vài tháng tới. Thương vụ mua bán giữa Ấn Độ và Nga sẽ có giá trị lên tới 134,48 tỷ rupee (tương đương 1,93 tỷ USD).
Theo TASS, Cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang của Nga cũng đã xác nhận ý định của đối tác Ấn Độ và sẵn sàng gia hạn giấy phép lắp ráp T-90 tại Ấn Độ. Jane's Defence Weekly cho biết, 10 trung đoàn mới trong Quân đội Ấn Độ sẽ được thành lập từ 464 xe tăng. Hiện tại, theo số liệu của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), có khoảng 1.000 chiếc T-90 nằm trong trang bị của Lục quân Ấn Độ.
T-90MS do Nga sản xuất. Nguồn: RIA Novosti. |
Thông tin về việc Ấn Độ có kế hoạch mua 464 xe tăng T-90MS được đã được biết đến vào tháng 11-2016. Theo Sputnik, Ủy ban mua sắm trang thiết bị quân sự của Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã chấp thuận thoả thuận với Moscow. Ông Vasily Kashin, chuyên viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu toàn diện châu Âu và quốc tế tại Trường Kinh tế cao cấp Moscow nhận định trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin RT: “Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc mua xe tăng Nga của New Delhi có thể là do quy trình đưa quyết định khá phức tạp”. “Tuy nhiên, sự chậm trễ này không cho thấy Ấn Độ giảm chú ý đến T-90. Ngược lại, Ấn Độ quan tâm đến việc mua xe tăng của Nga. Moscow và New Delhi đang chờ đợi một hợp đồng lớn và cùng có lợi”, ông Vasily Kashin giải thích.
Nga đã ký kết bản hợp đồng đầu tiên với Ấn Độ về việc cung cấp xe tăng T-90 vào năm 2001. Sau đó, New Delhi đã nhận 124 xe tăng hoàn chỉnh và bộ phụ tùng để lắp ráp 186 chiếc khác. Công tác sản xuất hàng loạt xe tăng nội địa tại Nhà máy sản xuất xe hạng nặng (HVF) của Ấn Độ đã được triển khai vào năm 2004. Năm 2017, Cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang của Nga đã gia hạn giấy phép lắp ráp, đồng thời lưu ý rằng, Moscow sẵn sàng đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của đối tác Ấn Độ liên quan đến việc tăng số lượng sản xuất hoặc cung cấp thêm xe tăng.
Cỗ xe tăng hiện đại
So với các phiên bản trước, T-90MS được Nhà máy Uralvagonzavod trang bị hệ thống vũ khí, thiết bị điện tử hiện đại hơn. Xe tăng T-90MS có module tháp pháo mới, thiết bị chụp ảnh nhiệt, hệ thống điều khiển hỏa lực tự động Kalina, hệ thống quan sát mục tiêu Sosna-U và Hawkeye. T-90MS còn được trang bị một hệ thống điều khiển cấp chiến thuật thống nhất ESU TZ, cho phép phi hành đoàn nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả máy bay không người lái (UAV). Ngoài ra, T-90MS còn vượt qua các phiên bản tiền nhiệm về mức độ bảo vệ và có động cơ mạnh hơn. Mặc dù việc lắp đặt các thiết bị hiện đại đã khiến trọng lượng của T-90MS tăng nhẹ (từ 46,5 tấn lên 48 tấn) nhưng cỗ xe tăng này vẫn di chuyển nhanh (60km/h).
T-90 của Quân đội Ấn Độ. Nguồn: AFP. |
Điểm mạnh của T-90MS là chế độ Hunter-Killer (thợ săn-sát thủ). Cụ thể, chỉ huy xe tăng phát hiện mục tiêu và xạ thủ tiêu diệt chúng. Trong khi xạ thủ thực hiện nhiệm vụ của mình, chỉ huy tiếp tục tìm kiếm mục tiêu mới và theo dõi chiến trường. Việc sử dụng chế độ này làm tăng đáng kể hiệu quả chiến đấu của xe tăng. “ Nếu không tính đến T-14 Armata thì hiện nay, T-90MS là xe tăng tiên tiến nhất trên thế giới”, chuyên gia khoa học quân sự Sergei Suvorov nhận định.
Chuyên viên cao cấp Vasily Kashin tin rằng, việc mua hơn 464 xe tăng T-90MS sẽ giúp Ấn Độ củng cố lực lượng xe tăng đang cần hiện đại hóa. Theo tạp chí The Diplomat của Mỹ, hiện nay, Lục quân Ấn Độ có hơn 3.000 xe tăng, phân phối trong 65 trung đoàn. Xương sống của các đơn vị xe tăng của Ấn Độ là xe tăng T-72M1 của Liên Xô (1.900 chiếc). Tuy nhiên, hơn 50% số xe tăng này đang ở trạng thái không sẵn sàng chiến đấu. “T-90 là chiếc xe tăng sản xuất hàng loạt tốt nhất trên thế giới về giá cả và chất lượng. Người Ấn Độ hiểu rõ điều này. Thỏa thuận với Moscow sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề nhưng sẽ cho phép New Delhi nâng cấp đáng kể đội xe tăng và tăng khả năng chiến đấu của Lục quân”, ông Vasily Kashin nhấn mạnh.
Về phần mình, chuyên gia khoa học quân sự Sergei Suvorov lưu ý rằng, việc Ấn Độ quyết định mua số lượng lớn xe tăng T-90MS có thể xuất phát từ nguyên nhân nước này không phát triển thành công xe tăng Arjun của riêng mình, vốn được chế tạo trên nền tảng xe tăng Leopard 2 của Đức. Hiện nay, theo báo cáo của phương tiện truyền thông phương Tây, Quân đội Ấn Độ đang sử dụng khoảng 80-124 xe tăng Arjun. Tuy nhiên, về các đặc điểm chiến đấu và đặc tính hoạt động, chúng thua kém các mẫu xe tăng của Nga và phương Tây, ông Sergei Suvorov nhấn mạnh. Một nhược điểm khác của Arjuna là sử dụng pháo có rãnh xoắn, kém hiệu quả hơn về khả năng xuyên giáp so với pháo nòng trơn. Theo ông, việc mua xe tăng Nga là cách tốt nhất để hiện đại hóa lực lượng xe tăng Ấn Độ.
Ấn Độ là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Moscow hằng năm cung cấp cho Ấn Độ các trang thiết bị quân sự trị giá hơn 1 tỷ USD. Ngoài xe tăng, New Delhi còn quan tâm đến thiết bị hàng không, hệ thống phòng không, súng và các trang thiết bị quân sự khác do Nga sản xuất. Ấn Độ đang gặp phải tình trạng thiếu hụt trầm trọng các công nghệ hiện đại và Nga là đối tác nước ngoài duy nhất sẵn sàng chia sẻ chúng. Người Ấn Độ quan tâm đến sở hữu trí tuệ, vì vậy Moscow có thể không phải lo lắng về vấn đề rò rỉ công nghệ. Dù New Delhi theo đuổi chính sách mua sắm đa dạng, nhưng vai trò của Nga không hề bị thuyên giảm vì Ấn Độ đánh giá cao sự hợp tác với Nga.
End of content
Không có tin nào tiếp theo