Quốc tế

Thương vụ vũ khí hay 'con bài' lôi kéo?

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang thúc đẩy thỏa thuận bán tiêm kích tàng hình F-35 cho Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Động thái được giới phân tích đánh giá có thể làm thay đổi đáng kể cán cân quân sự ở Trung Đông.

Belarus chuyển hàng loạt vũ khí hạng nặng đến tuyến biên giới sát NATO / Vũ khí thời tiết - sự tinh vi có thể kiểm soát hay tự sát?

Theo tờ The New York Times, các quan chức Mỹ gần đây đã cung cấp một bản tóm tắt mật về F-35 cho quân đội UAE, dù động thái này gây không ít lo ngại khi thông tin chi tiết về loại vũ khí tiên tiến nhất của Mỹ được tiết lộ cho chính phủ nước ngoài trước khi hợp đồng bán vũ khí được hoàn tất.

F-35 là một trong những chiến đấu cơ đắt nhất và hiện đại nhất thế giới. Dự án F-35 được ca ngợi là kỳ tích công nghệ, tạo ra sản phẩm có thể thống trị bầu trời. F-35 được trang bị công nghệ tàng hình siêu việt, có khả năng tránh ra-đa và đạt tốc độ siêu âm. Tiêm kích tàng hình này có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất cũng như thực hiện nhiệm vụ trinh sát và phòng không. Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ từng tự tin tuyên bố tiêm kích tàng hình F-35 có thể tiêu diệt cả những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất trên thế giới. Vì thế, không lạ gì khi F-35 được rất nhiều nước thèm muốn, trong đó có UAE.

Máy bay F-35 của Israel cất cánh trong cuộc tập trận không quân quốc tế "Lá cờ xanh". Ảnh: Forbes

Tại Trung Đông, hiện chỉ có duy nhất Israel sở hữu những tiêm kích tàng hình F-35. Điều này được cho là góp phần giúp nhà nước Do Thái duy trì ưu thế quân sự trong khu vực. 6 năm qua, UAE đã nhiều lần hối thúc chính quyền Washington bán F-35, nhưng luôn vấp phải sự phản đối của Tel Aviv. Theo cựu Đại sứ Mỹ tại UAE Barbara A.Leaf, F-35 là mục tiêu lớn nhất mà UAE khao khát có được nhằm củng cố hệ thống phòng thủ của mình.

Mới đây, sau khi Israel và UAE đạt thỏa thuận bình thường hóa quan hệ do Mỹ làm trung gian, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng rục rịch thúc đẩy việc bán tiêm kích F-35 và các máy bay không người lái tối tân cho UAE. Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN hôm 23/8, Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner cho biết, Chính phủ Mỹ đang xem xét bán F-35 cho UAE và thỏa thuận hòa bình giữa UAE và Israel có thể tăng khả năng Abu Dhabi nhận được tiêm kích tối tân này.

Ông Kushner là người đóng vai trò không nhỏ trong các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Israel và UAE để hai bên đi đến thỏa thuận hòa bình. Đồng thời, ông cũng là người thúc đẩy thỏa thuận bán vũ khí cho Abu Dhabi. Bởi vậy mà đã xuất hiện không ít tin đồn rằng Mỹ đã dùng F-35 để “trả lễ” UAE khi quốc gia này đồng ý trở thành nước thứ 3 trong thế giới Arab thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Israel. Bên cạnh đó, cũng có người cho rằng đây là minh chứng để Mỹ thể hiện cái gọi là “lợi ích về kinh tế và khả năng phòng vệ” mà ông Kushner từng đề cập khi kêu gọi Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ với Israel, tương tự như cách UAE đã làm.

Tuy nhiên, bất chấp bản thỏa thuận hòa bình còn chưa “ráo mực”, Israel vẫn thẳng thừng phản đối UAE sở hữu F-35 và các vũ khí tiên tiến khác của Mỹ. Trong một tuyên bố đăng trên tờ Yediot Aharonot, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết: “Thỏa thuận hòa bình với UAE không đi kèm bất kỳ điều khoản nào ghi rằng Tel Aviv đồng tình với việc Mỹ bán F-35 cho Abu Dhabi”. Theo các nhà phân tích, Israel khó có thể chấp nhận việc Mỹ bán các loại vũ khí tấn công tiên tiến như F-35 cho các quốc gia Arab, bởi điều này có khả năng tác động đến cán cân quân sự ở Trung Đông.

Kể từ chiến tranh Arab-Israel (1973) cho đến nay, Mỹ luôn duy trì chính sách nhất quán trong việc bảo vệ nhà nước Do Thái trước các mối đe dọa từ liên minh Arab, một trong số đó là bảo đảm Tel Aviv luôn có lợi thế về mặt quân sự trước các nước láng giềng trong khu vực. Tuy nhiên, một loạt diễn biến tại Trung Đông thời gian qua đang tác động làm sa sút sức mạnh và ảnh hưởng địa-chính trị của Mỹ. Sự hiện diện và ảnh hưởng mạnh mẽ của Nga tại Trung Đông, vị thế ngày càng được khẳng định của Iran đang làm suy yếu vai trò của Mỹ tại khu vực và là thách thức trực tiếp đối với Israel.

 

Điều này buộc Mỹ phải có những điều chỉnh trong chính sách để củng cố hệ thống đồng minh và tăng sức ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông. Mỹ đã đặt mục tiêu thiết lập một cấu trúc an ninh khu vực dựa trên “trục đồng minh” Saudi Arabia-Israel-UAE, vốn cũng là các quốc gia thù địch với Iran. Đây cũng được xem là lý do để Washington quyết tâm thúc đẩy các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa những nước này với Israel. Trong bối cảnh đó, thỏa thuận vũ khí được đánh giá là con bài hữu hiệu giúp Washington lôi kéo các đồng minh khao khát những loại vũ khí tiên tiến của Mỹ.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm