Tiêm kích tàng hình KF-21 Hàn Quốc tiến gần hơn tới thị trường châu Âu
Quốc hội Mỹ đề xuất cắt giảm số lượng viện trợ cho Ukraine / Quân đội Anh có thể từ bỏ các cấp bậc "quá nam tính"
Tiêm kích tàng hình KF-21 Boramae mới đây đã tiến hành phóng thử một loại tên lửa không đối không tiên tiến, cho thấy nó đang dần tiến tới cột mốc hoàn thành khả năng chiến đấu.
Vũ khí đó là tên lửa không đối không tầm ngắn Iris-T. Đầu tháng 4, tên lửa do một số nước châu Âu hợp tác phát triển đã được gắn vào các mấu cứng dưới cánh chiến đấu cơ Hàn Quốc.
Sau khi cất cánh và đạt độ cao cần thiết, phi công KF-21 đã khai hỏa quả Iris-T đầu tiên. Mục tiêu đã bị tiêu diệt, đây là một cuộc thử nghiệm thành công và báo hiệu cho các nước châu Âu rằng KF-21 sẽ góp mặt tại đây.
Sự lựa chọn đối với vũ khí này không phải là ngẫu nhiên. Từ quan điểm kỹ thuật thuần túy, trước khi thử nghiệm, nhiều chuyên gia đã cho rằng chính Iris-T với các đặc tính cao của nó, đã được chọn để đặt dưới cánh của KF-21.
Iris-T là một loại đạn không đối không đã được chứng minh là có khả năng mang lại cho máy bay chiến đấu khả năng áp đảo đối phương khi thực hiện những cuộc không chiến cự ly gần.
Ba Lan có thể trở thành quốc gia đầu tiên mua KF-21 trong tương lai. Hơn nữa, Warsaw không chỉ muốn mua mà còn có cơ hội sản xuất những chiếc máy bay này trên đất châu Âu.
Ít nhất thì ý định và mong muốn như vậy đã được ông Sebastian Hwawek, người đứng đầu chính phủ Ba Lan bày tỏ vào ngày 9 tháng 12 năm 2022.
Trong 12 tháng qua, Ba Lan và Hàn Quốc đã tăng cường đáng kể mối quan hệ quốc phòng giữa họ, đặc biệt sau khi Warsaw mua lô vũ khí quy mô lớn từ quốc gia châu Á này.
Danh mục vũ khí Hàn Quốc được Ba Lan nhập khẩu bao gồm xe tăng K2, pháo tự hành K9, hệ thống pháo phản lực phóng loạt K239 và máy bay tấn công hạng nhẹ FA-50.
Đó là lý do tại sao việc thử nghiệm thành công tên lửa Iris-T của KF-21 không chỉ là sự gia tăng danh mục vũ khí mà chiếc tiêm kích có thể sử dụng.
Tên lửa này đang phục vụ trong không quân hầu hết các nước châu Âu. Những quốc gia như Áo, Thụy Điển, cũng như Hungary và Latvia, không có máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, nhưng tiêm kích thế hệ 4 của họ đang hoạt động với Iris-T.
Trong tình huống mà chi phí vận hành và bảo dưỡng F-35 thay vì giảm đi thì lại tăng lên và máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của châu Âu đơn giản là tụt lại phía sau, đến một lúc nào đó KF-21 có thể trở thành một siêu phương án thay thế.
Bên cạnh đó, việc sản xuất tiêm kích KF-21 tại Ba Lan sẽ giảm đáng kể không chỉ chi phí giao hàng mà còn cả số tiền cần thiết để bảo trì trong tương lai.
Hiện tại, hệ thống radar AESA được sử dụng trên KF-21 là EL/M-2032, được sản xuất bởi công ty điện tử quốc phòng Elta Systems của Israel. EL/M-2032 được biết đến với phạm vi phát hiện xa, độ phân giải cao và khả năng theo dõi nhiều đối tượng cùng lúc.
Ngoài EL/M-2032, KF-21 còn có hệ thống khẩu độ phân tán (DAS) sử dụng nhiều cảm biến đặt xung quanh máy bay để cung cấp phạm vi bao quát 360 độ.
Điều này cho phép phi công có cái nhìn toàn cảnh về không gian xung quanh, ngay cả khi máy bay không hướng thẳng vào mục tiêu.
Sự kết hợp giữa radar AESA và DAS trên KF-21 cung cấp nhận thức tình huống nâng cao cho phi công, giúp phát hiện và theo dõi máy bay địch cũng như các mối đe dọa dễ dàng hơn.
Đây là một khả năng quan trọng đối với một máy bay chiến đấu hiện đại, bởi vì ưu thế trên không thường là yếu tố then chốt trong các hoạt động quân sự.
End of content
Không có tin nào tiếp theo