Tiết lộ bí mật khiến MiG-29 Syria dễ dàng qua mặt phòng không Thổ Nhĩ Kỳ
Không quân Syria mới đây đã dùng tiêm kích MiG-29 mà Nga vừa viện trợ để tiến hành đợt tấn công vào các vị trí của phiến quân thánh chiến, đáng chú ý là địa điểm bị oanh tạc nằm ngay trong tầm bảo vệ của hệ thống phòng không Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga tiến hành cuộc tấn công lớn nhất trong nhiều tháng qua tại Tây Bắc Syria / MiG-29 mới của Syria có gì mà Thổ Nhĩ Kỳ phải ‘sợ hãi’?
Hãng tin Al Masdar News hôm 7/6 cho biết: "Không quân chính phủ Syria (SyAAF) đã mở cuộc tấn công mạnh mẽ vào các căn cứ của phiến quân thánh chiến gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ bằng các tiêm kích MiG-29 mới tiếp nhận".
"Theo nguồn tin thực địa từ phía Tây Bắc Syria, SyAAF đã giáng một đòn mạnh mẽ vào các căn cứ của tổ chức khủng bố Khaat Tahrir al-Sham và Đảng Hồi giáo Turkestan ở phía Tây Aleppo".
"Các cuộc không kích đã lan đến địa bàn hai tỉnh Idlib và Hama, nơi máy bay quân sự Syria tấn công chiến hào và nơi trú ẩn của những tay súng thánh chiến ở khu vực Jabal al-Zawiya và Al-Gaab Plain".
"Bất chấp sự hiện diện của hệ thống phòng không Thổ Nhĩ Kỳ bố trí gần Idlib, không quân Syria đã tiến hành trận oanh kích này mà hầu như chẳng gặp phải sự kháng cự nào".
Thông tin trên đặc biệt gây chú ý ở chi tiết vụ oanh tạc của tiêm kích MiG-29 Syria diễn ra ngay gần nơi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tên lửa phòng không để bảo vệ phiến quân đồng minh.
Vào cuối tháng 5, hình ảnh vệ tinh cho thấy trận địa tên lửa phòng không MIM-23 Hawk mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mang sang và triển khai bên trong lãnh thổ Syria thuộc tỉnh Idlib đã hoàn thiện.
Tuy rằng ra đời đã lâu nhưng các tổ hợp tên lửa phòng không MIM-23 HAWK của Thổ Nhĩ Kỳ đều đã trải qua quá trình hiện đại hóa nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của chiến tranh hiện đại.
Với tầm bắn 35 km, tên lửa đánh chặn của tổ hợp MIM-23 HAWK hoàn toàn đủ khả năng bắn hạ tiêm kích MiG-29 của SyAAF từ xa, vậy tại sao điều này lại không xảy ra?
Trang Avia-pro của Nga giải thích rằng các tiêm kích MiG-29 của không quân Syria đã được nâng cấp khả năng tác chiến điện tử, thông qua bộ thiết bị gây nhiễu (ADS) Talisman do Belarus sản xuất.
SyAAF đã công bố hình ảnh tiêm kích MiG-29 của mình đeo tổ hợp Talisman ADS dưới cánh khi làm nhiệm vụ từ tháng 8/2019, nhưng có vẻ như tới thời điểm hiện tại chúng mới phát huy vai trò trong thực chiến.
Tổ hợp Talisman ADS có nhiệm vụ bảo vệ máy bay chống lại tên lửa không đối không và đất đối không, thiết bị sẽ nhận biết các mối nguy cơ và được vận hành hoàn toàn tự động.
Khi nhận thấy tên lửa của đối phương đang bay tới, Talisman sẽ phát sóng nhằm gây nhiễu đầu dò radar chủ động của tên lửa, từ đó khiến đạn đi chệch mục tiêu.
Tuy nhiên ở đây có một vấn đề gây thắc mắc, đó là công suất của tổ hợp Talisman ADS khá nhỏ, do vậy nó chỉ đủ để gây nhiễu đầu dò của tên lửa (công suất cũng rất nhỏ) ở cự ly gần.
Còn đối với hệ thống phòng không MIM-23 HAWK, nó được trang bị radar cảnh giới và điều khiển hỏa lực có tầm hoạt động rộng đi kèm công suất lớn hơn nhiều so với Talisman ADS, cho nên không thể bị gây nhiễu bởi khí tài này.
Do vậy nguyên nhân thực sự khiến tiêm kích MiG-29 của không quân Syria qua mặt hệ thống phòng không Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là điều tương đối bí ẩn và cần thêm thời gian để giải đáp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo