Tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt” trong đàm phán thương chiến Mỹ - Trung
Khó tin chiến cơ Liên Xô không phi công bay gần 1.000 km / "Sát thủ tàu ngầm" Nga được nâng cấp thành máy bay ném bom tầm xa cực mạnh
Ảnh minh họa: Reuters.
Theo SCMP, thông báo từ Bắc Kinh và Washington về các cuộc đàm phán thương mại ở Thượng Hải tuần qua có sự mâu thuẫn nhau. Giới quan sát cho rằng điều này dường như phản ánh rằng một thỏa thuận nhằm kết thúc cuộc thương chiến kéo dài hơn 1 năm qua vẫn chưa thành hình.
Phát biểu chính thức từ Trung Quốc nói rằng 2 bên đã bàn bạc tới việc Bắc Kinh tăng mua nông sản Mỹ vì “nhu cầu nội địa và các điều kiện thuận lợi mà Mỹ đưa ra”.
“Điều kiện thuận lợi” là khái niệm không được Trung Quốc làm rõ. Tuy nhiên theo phát biểu ngày 1/8 của phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng, một số công ty Trung Quốc bao gồm doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân đã bắt đầu mua nông sản Mỹ bao gồm đậu nành, thịt lợn và cao lương.
Ông Gao nói rằng 2 bên đã xem xét lại các cuộc đàm phán thương mại trước đó và bàn bạc về “các nguyên tắc và phương pháp cho thương lượng trong tương lai”. Không có bất cứ dấu hiệu nào trong thông báo của Trung Quốc hé lộ hạn chót mà 2 bên đưa ra cho việc kết thúc đàm phán.
Một bài viết trên Thời báo Hoàn cầu, tờ báo thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc mong muốn các động thái “thân thiện” hơn từ Mỹ do Washington đã đặt những “áp lực một cách cực đoan” lên Bắc Kinh. Bài viết này nói rằng Mỹ cần phải “thả lỏng” thì đổi lại, Trung Quốc mới nhập thêm nông sản của Washington. Thời báo Hoàn cầu cho rằng đây chính là định nghĩa của khái nhiệm “điều kiện thuận lợi” mà ông Gao nói tới.
Phản ứng của Nhà Trắng
Thông báo chính thức của Nhà Trắng phát đi vài giờ sau bài phát biểu của ông Gao không nhắc tới bất cứ điều kiện gì để Trung Quốc mua thêm nông sản Mỹ. Thông cáo này nói rằng “Trung Quốc xác nhận cam kết của họ trong việc tăng nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp Mỹ”.
Tuyên bố 2 bên còn khác nhau về tính chi tiết của các chủ đề mà 2 bên bàn tới. Mỹ nói Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Thương mại Steven Mnuchin đã bàn bạc với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc về các chủ đề như “cưỡng ép chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, rào cản phi thuế quan và nông nghiệp” ở Thượng Hải”.
Trong khi đó, phía Trung Quốc chỉ nói chung chung rằng các cuộc đàm phán đã bàn tới “những vấn đề lớn mà 2 bên cùng quan tâm trong lĩnh vực kinh tế và thương mại”.
Mỹ cũng cho biết họ muốn các cuộc đàm phán tiếp theo có thể dẫn tới một thỏa thuận thương mại có thể thực thi, trong khi Trung Quốc không đề cập tới điều này mà chỉ nói rằng quá trình đàm phán vẫn đang gặp phải trở ngại.
Cả 2 phía đều đồng thuận rằng các cuộc gặp ở Thượng Hải, lần đầu tiên kể từ khi đàm phán ngừng lại vào tháng 5, có tính “xây dựng” và họ đồng ý tiếp tục tổ chức vòng đàm phán khác ở Mỹ và tháng 9.
Tuy nhiên, truyền thông nhà nước trước đó đã đăng tải bài viết nói rằng Trung Quốc không vội vã để đi tới một thỏa thuận thương mại vì họ cho rằng đây là “quá trình khó khăn khi chuyển từ các nguyên tắc và lý thuyết sang một thỏa thuận thực tế”.
Những đồn đoán về việc Trung Quốc có thể sẽ cố tình giảm tốc trong đàm phán tiếp tục được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tuần phàn nàn rằng Trung Quốc đã không bắt đầu mua nông sản Washington dù họ lẽ ra phải làm như vậy. Ông Trump cho rằng Trung Quốc chưa thực sự nỗ lực trong quá trình hạ nhiệt căng thẳng thương mại.
Ông Trump cũng cảnh báo Trung Quốc rằng nếu họ cố tình “câu giờ” việc đàm phán tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, thì chiến thuật này có thể sẽ “gậy ông đập lưng ông”. Ông Trump cam kết nếu ông tái cử năm tới và Trung Quốc dùng “chiêu bài” nói trên, việc đạt được một thỏa thuận thương mại sẽ “càng thêm khó hơn những gì chúng ta đang thương lượng lúc này”.
Mong muốn của 2 bên đã rõ ràng. Trong khi Trung Quốc muốn Mỹ gỡ bớt các đòn thuế quan vì nền kinh tế của họ đang chịu ảnh hưởng từ những động thái này, thì Mỹ lại yêu cầu Bắc Kinh phải mua thêm hàng hóa Washington, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngừng các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước.
Mặc dù vậy, để có thể đạt tới một thỏa thuận khiến 2 bên vừa lòng với hàng loạt yêu cầu trên là điều không dễ dàng, các chuyên gia nhận định với SCMP.
End of content
Không có tin nào tiếp theo