Quốc tế

Tốc độ kinh hoàng, nhưng vì sao ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval của Nga vẫn ế ẩm?

DNVN - Mặc dù được quảng cáo là một "sát thủ dưới nước" cực kỳ đáng sợ, song thực tế thì ngư lôi "Gió giật" VA-111 Shkval lại không được nhiều khách hàng mua vũ khí Nga quan tâm.

Vì sao Nga đột ngột xuống thang khi Israel đẩy mạnh không kích Syria? / Nga lần đầu vén màn bí mật về uy lực của tên lửa “quỷ Satan”

Khi một vật thể di chuyển trong môi trường nước, nó sẽ tạo ra những bọt khí xung quanh do chuyển động của nó. Đó chính là hiện tượng tạo khoang trong tự nhiên.

Còn siêu khoang là trường hợp đặc biệt hơn, khi một bọt khí lớn xuất hiện và bao trùm lên toàn bộ đối tượng thì lúc đó vật thể này sẽ gần như bay trong không khí do triệt tiêu tối đa ma sát. Đây là nguyên tắc áp dụng trên ngư lôi siêu tốc VA-111 Shkval.

VA-111 Shkval được bắt đầu nghiên cứu từ thập niên 1960 như một vũ khí chuyên dùng để chống lại tàu ngầm nguyên tử đối phương. Đến ngày 29/11/1977, Shkval chính thức được chấp nhận đưa vào trang bị trong Hải quân Liên Xô.

Shkval sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, phần đầu lắp thiết bị tạo khoang đặc biệt. Đó là một miếng kim loại dày hình elip được mài sắc cạnh, có góc nghiêng so với trục ngư lôi, mặt cắt ngang hình tròn để tạo góc nâng.

Trên thực tế, một thiết bị tạo bọt là không đủ, do đó đầu ngư lôi bổ sung những ống dẫn khí tạo bọt, bọt khí được tạo ra bởi một máy nguồn tăng khí ga. Điều này cho phép tăng khối bọt khí và tạo bong bóng bao trùm toàn bộ thân ngư lôi.

Ngư lôi Shkval có tốc độ ra khỏi ống phóng đạt 93 km/h và lên tới trên 360 km/h khi động cơ hoạt động hết công suất, nhanh gấp đôi so với các loại ngư lôi thông thường.Đầu đạn của VA-111 có trọng lượng 210 kg, đủ sức bẻ gãy đôi một khu trục hạm 10.000 tấn chỉ với duy nhất một phát bắn.

Ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval. Ảnh: Vitaly V. Kuzmin.

Ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval. Ảnh: Vitaly V. Kuzmin.

Mặc dù được quảng cáo mang trong mình nhiều tính năng ưu việt, nhưng loại ngư lôi này lại hầu như không được khách hàng mua vũ khí Nga quan tâm, nguyên nhân của tình trạng trên là do đâu?

Phải thấy rằng, bên cạnh ưu điểm thì VA-111 cũng mang trong mình những nhược điểm chết người.

Trước hết, tầm bắn của Shkval quá ngắn, tối đa chỉ đạt 6.858 m, buộc tàu ngầm phải áp sát đối phương mới có thể ra đòn. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm do các chiến hạm hiện đại đều có hệ thống định vị thủy âm tối tân cùng vũ khí chống ngầm uy lực.

Tiếp theo, chính công nghệ siêu khoang lại khiến cho ngư lôi không thể thiết lập mối liên lạc hai chiều, khi tín hiệu radio bị cản lại ở bên ngoài, không thể xuyên qua bọt khí.Ngư lôi phải phụ thuộc vào việc ước lượng tọa độ mục tiêu trước khi phóng, độ linh hoạt của nó cũng cực kỳ kém, do một cú chuyển hướng gấp sẽ phá vỡ bong bóng siêu khoang.

 

Cuối cùng, tính bí mật của ngư lôi Shkval hoàn toàn không có, do nó tạo ra tiếng ồn cực lớn và hình thành đường bọt nổi trên mặt nước rất dễ quan sát.

Ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval có nhiều nhược điểm hơn hẳn ưu điểm. Ảnh: RT.

Ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval có nhiều nhược điểm hơn hẳn ưu điểm. Ảnh: RT.

Với những lý do trên, các loại ngư lôi có điều khiển như TEST-71 hay Type 53-65 kết hợp với tên lửa hành trình Klub sẽ mang lại cho tàu ngầm Nga năng lực tác chiến cao hơn, đặc biệt là không buộc nó phải đối mặt với tình huống nguy hiểm như khi mang VA-111.

 

Hiện tại Nga đã bước đầu thử nghiệm thành công biến thể Shkval 2.0 với tầm bắn xa hơn và có khả năng điều khiển. Nếu Nga đồng ý xuất khẩu phiên bản này thì may ra loại vũ khí trên mới thoát khỏi tình trạng ế ẩm.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm