Quốc tế

Tornado-S - “Đối trọng” so kè với HIMARS

Hệ thống pháo phản lực phóng loạt Tornado-S của Nga thường được ví von là “kỳ phùng địch thủ” của hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) trong biên chế quân đội Mỹ.

Đặc công Nga rà phá bom mìn ở làng Svetlichnoe của CHND Lugansk / Thủ tướng Ba Lan đe doạ đáp trả việc Nga triển khai vũ khí ở Belarus

Thực chất, đây là phiên bản hiện đại hóa sâu của tổ hợp BM-30 Smerch có thời Liên Xô, được phát triển và sản xuất bởi công ty NPO Splav. Tornado-S lần đầu tiên được trình diễn công khai tại Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng phát-xít ở thủ đô Moscow năm 2000. Lữ đoàn đầu tiên của quân đội Nga được biên chế Tornado-S vào năm 2019.

Thoạt nhìn, hai hệ thống này có mục đích và bề ngoài tương đối giống nhau nhưng về công nghệ và tính năng thì khác nhau khá lớn, trong đó Tornado-S sở hữu nhiều đặc điểm vượt trội hơn hẳn “người tiền nhiệm”.

Hệ thống Tornado-S phóng tên lửa. Ảnh: Rostec

Cụ thể, Tornado-S được thiết kế để khởi động những cuộc tấn công mạnh mẽ chống lại các đơn vị bộ binh cơ giới, xe tăng, pháo binh và tên lửa; sở chỉ huy và kiểm soát, trạm tín hiệu; hệ thống phòng không/tên lửa, cũng như các cơ sở hỗ trợ hậu cần và cơ sở hạ tầng quân sự-công nghiệp của đối phương từ xa.

Tornado-S tích hợp các công cụ điều hướng mới, bao gồm hệ thống định vị vệ tinh GLONASS và la bàn con quay hồi chuyển. Với các thiết bị này, Tornado-S có thể hành động tự chủ hơn, bao gồm độc lập tìm kiếm vị trí thuận tiện, chuẩn bị và bắn tên lửa. Bên cạnh đó, Tornado-S có hệ thống điều khiển hỏa lực được cập nhật triệt để, cho phép tự động xác định tọa độ của xe và tính toán phần tử bắn, thiết lập góc phóng cả tầm và hướng, cho phép tổ pháo thủ không phải rời buồng lái để chuẩn bị khai hỏa.

>> Xem thêm: Lính Ukraine kinh hoàng trước phương tiện chiến đấu của Nga

Hệ thống này có trọng lượng khoảng 25 tấn, gồm 12 ống phóng cỡ nòng 300mm, chủ yếu sử dụng đạn tên lửa dẫn đường 9M544 và 9M549. Trong đó, 9M544 được thiết kế để khắc chế các phương tiện bọc thép và xe bọc thép cỡ nhỏ, các mục tiêu đơn lẻ và nhóm cố định và di động, bao gồm sở chỉ huy, trung tâm tín hiệu, cơ sở công nghiệp quân sự; còn 9M549 được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu cơ giới cỡ nhỏ và tiêu hao sinh lực địch. Một quả tên lửa có trọng lượng trung bình khoảng 830kg, trong đó 150kg là đầu đạn; tầm bắn lên tới 120km (thay vì 70km như ở BM-30 Smerch). Một loạt đạn từ Tornado-S có sức công phá tương đương một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật, theo đó có thể san phẳng diện tích 12 sân bóng đá trong nháy mắt.

Hệ thống Tornado-S được trưng bày tại một triển lãm. Ảnh: Rostec

Các thông tin được công bố đến nay cho thấy, thời gian khai hỏa của Tornado-S rất đáng nể, theo đó từ khi nhận dữ liệu mục tiêu đã giảm xuống còn 75 giây, trong khi thời gian khai hỏa toàn bộ (đối với tên lửa dẫn đường) là 33 giây.

 

Tờ “Sao đỏ” của Bộ Quốc phòng Nga cho hay, mỗi loại đạn của Tornado-S có thể nhận một nhiệm vụ bay riêng lẻ. Đạn có thể được bắn ở các khoảng cách khác nhau và theo các hướng khác nhau. Góc phóng gần 90 độ. Đạn của Tornado-S chính xác hơn gấp 15 lần so với đạn của BM-30 Smerch. Ngoài ra, Tornado-S cũng bắn được tất cả các loại đạn tên lửa của BM-30 Smerch.

>> Xem thêm: Nhà báo người Mỹ nói về thất bại trong cuộc phản công của LLVT Ukraine

Xe phóng Tornado-S sử dụng khung gầm của xe tải KAMAZ-740.50-360 cấu hình 8x8 bánh lốp, cho tốc độ tối đa 90km/giờ và dự trữ hành trình 1.000km, cùng kíp lái 2 người. Trong khoang lái của xe được trang bị hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, cho phép kết nối chiến thuật với các phương tiện chiến đấu khác và nhận mệnh lệnh tác chiến của cấp trên từ sở chỉ huy. Hệ thống thông tin liên lạc có cấp độ bảo vệ cao, chống gây nhiễu hoặc đánh chặn, hiển thị và lưu trữ thông tin, điều hướng địa hình ngoại tuyến bằng bản đồ điện tử. Xe còn có một cabin bổ sung cho trưởng xe, từ đó người chỉ huy pháo binh thực hiện điều khiển hỏa lực của khí tài. Hệ thống tự động hóa cho phép Tornado-S nhanh chóng phóng đạn tiêu diệt mục tiêu và rời đi chỉ trong vài phút để tránh bị phản pháo.

Quân đội Nga đã triển khai Tornado-S trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đang diễn ra. Hệ thống pháo phản lực này giúp Nga có những lợi thế tương đương và thậm chí có nhiều mặt được đánh giá cao hơn so với hệ thống HIMARS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine.

>> Xem thêm: 'Lỗ hổng' về phòng không của châu Âu

 

Giống như HIMARS, Tornado-S được sử dụng để tấn công các mục tiêu ở xa và nằm trong lãnh thổ đối phương. Tuy nhiên, nếu HIMARS chỉ có thể phóng 6 quả tên lửa dẫn đường cỡ 227mm nhắm vào mục tiêu cách xa 80km và độ chính xác nằm trong khoảng 5-10m thì Tornado-S có thể phóng tới 12 quả tên lửa dẫn đường cỡ 300mm từ khoảng cách 120km với độ chính xác tương tự. Ngoài ra, Tornado-S còn làm giảm thời gian sẵn sàng khai hỏa xuống còn 3 phút, giúp cho nó hoạt động nhanh hơn và hiệu quả hơn.


Hệ thống Tornado-S là là phiên bản hiện đại hóa sâu của tổ hợp BM-30 Smerch. Ảnh: Rostec

Theo Eurasian Times, chuyên gia quân sự Vijainder Thakur người Ấn Độ cho biết việc Nga đặt hệ thống Tornado-S dọc bờ trái sông Dnieper sẽ khiến tổ hợp HIMARS của Ukraine gặp khó trong việc tìm vị trí tấn công, và ngăn hệ thống của Kiev nhằm vào tuyến tiếp tế của Moscow. Trong khi đó, nhà phân tích Alexei Leonkov đến từ Tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc (Nga) thống kê nước này có 20 đơn vị Tornado-S trước khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhưng con số đó hiện đang tăng lên đáng kể.

Cuối tháng 11/2022, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhận định, Tornado-S cùng với tổ hợp pháo tự hành hạng nặng Malka được Moscow sử dụng hiệu quả tại chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trong việc thực hiện tác chiến phản pháo nhằm vào bệ phóng hỏa lực và pháo binh mà phương Tây viện trợ cho chính quyền Kiev. “Tác chiến phản pháo là một trong những biện pháp chính nhằm gây thiệt hại cho đối phương. Tornado-S và Malka đang thực hiện các nhiệm vụ này một cách hiệu quả”, hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Sergei Shoigu nêu rõ.

Vũ khí - Khí tài

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm