Quốc tế

Trang bị máy bay Su-57 sẽ giúp cân bằng cán cân chiến lược Nga-NATO

Việc Nga mua số lượng lớn máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57 không chỉ làm tăng sức mạnh của không quân, mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ tới chiến lược của NATO nhằm vào Nga. Nói cách khác, với Su-57, Nga đã có thêm đối trọng với NATO và đảm bảo khả năng cân bằng cán cân sức mạnh với khối quân sự quy mô toàn cầu này.

Vì sao Su-35 được mệnh danh là "vua tác chiến trên không"? / Ba Lan chào đón 12 tiêm kích tàng hình Su-57 đầu tiên của Nga bằng... 24 F-35

Giới chuyên gia đánh giá, Su-57 đã giúp Nga rút ngắn khoảng cách về công nghệ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 với Mỹ và đồng minh NATO. Ưu thế này đã được Mỹ duy trì từ đầu những năm 2000 với khoảng gần 200 máy bay F-22 Raptor được triển khai. Không những thế, Mỹ còn đang tiến tới dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 mới là F-35 Lightning II với khoảng 400 máy bay dự kiến được trang bị.

Trước khi có Su-57, để đảm bảo cân bằng chiến lược, Nga đã phải sử dụng các máy bay thế hệ 4+ như Su-35, Su-30SM và Su-34. Dù sự chênh lệch công nghệ giữa máy bay thế hệ thứ 5 so với 4 và 4+ không quá rõ rệt, nhưng rõ ràng Nga đang tụt hậu và phải sử dụng nhiều phương tiện chiến đấu khác làm đối trọng. Sự ra đời và đưa vào trang bị hàng loạt Su-57 đã giúp giải quyết vấn đề này.

Su-57 sẽ giúp đảm bảo cân bằng chiến lược cho Nga

Nếu xét về số lượng, rõ ràng NATO có ưu thế hơn Nga rất nhiều lần về phương tiện chiến đấu đường không. Tuy nhiên, xét về nhiệm vụ, quy mô của Không quân Nga hoàn toàn phù hợp với học thuyết phòng thủ đất nước thay vì can thiệp toàn cầu như NATO.

Cán cân máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 giữa Nga và NATO đã được cân bằng với Su-57. Ảnh: RIA.

Theo học thuyết phòng thủ của Nga, bất kỳ kẻ xâm lược nào sẽ bị gây tổn hại tới mức không thể chấp nhận được và phải bỏ các mục tiêu chiến lược nhằm vào Nga. Xét ở mục tiêu như vậy, việc Nga lên kế hoạch mua 3 trung đoàn (76 máy bay) Su-57 là hoàn toàn hợp lý. Nó cân bằng giữa sức mạnh quân sự và nguồn tài chính cần thiết phải bỏ ra.

Xét trong trường hợp giữa Nga và NATO, thiếu Su-57, liên minh quân sự có lợi thế hoàn toàn về số lượng, cũng như chất lượng về không quân. Điều này là mối nguy cơ lớn với Nga. Tuy nhiên, nếu xét trên hệ quy chiếu có Su-57, cán cân quân sự giữa hai bên đã hoàn toàn khác.

Với các đơn vị Su-57, để áp chế được Không quân Nga, đối thủ sẽ phải huy động lực lượng quân sự quy mô và điều này cũng đúng với NATO. Để đảm bảo ưu thế hoàn toàn, lực lượng hỗn hợp của liên minh sẽ bao gồm nhiều loại máy bay quân sự như: Máy bay cảnh báo sớm trên không, máy bay tiếp liệu trên không… và lực lượng mặt đất để hỗ trợ lực lượng chiến đấu trực tiếp.

Nếu điều này xảy ra, cấp độ của xung đột đã được nâng lên nấc thang mới là chiến tranh tổng lực. Kết cục của nó có thể là chiến tranh hạt nhân. Đó sẽ không phải là điều mong muốn của cả Nga và NATO.

Như vậy, vai trò của Su-57 sẽ là gây tổn thất trên mức chịu đựng của bất kỳ kẻ xâm lược nào, nhưng vẫn đủ để giữ không đẩy xung đột lên mức toàn diện. Với góc độ này, 76 chiếc Su-57 hoàn toàn xứng đáng với 600 máy bay F-22 và F-35.

Việc trang bị Su-57 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Nga

Có một vấn đề thấy rõ ràng, các lệnh cấm vận, cô lập của phương Tây có ảnh hưởng tới kế hoạch nâng cấp lực lượng vũ trang Nga. Với nguồn lực có giới hạn, Nga sẽ phải tính toán và phân bổ nó hợp lý theo từng hạng mục ưu tiên và Su-57 nằm trong số những ưu tiên đó.

Theo kế hoạch, Không quân Nga sẽ nhận 76 máy bay Su-57 trong vòng 9 năm tới, tương đương mỗi năm nhận 8-9 máy bay. Chi phí có kế hoạch này ước khoảng 160-170 tỷ rúp. Nếu được phân bổ đều trong vòng 9 năm tới sẽ không gây ảnh hưởng nhiều tới các kế hoạch khác của Bộ Quốc phòng Nga.

Trang bị Su-57 không chỉ mang giá trị về quân sự, mà còn cả giá trị về công nghệ và kinh tế thông qua các hợp đồng xuất khẩu cho Nga. Ảnh: RIA.

Ngoài ra, Nga cũng có kế hoạch từng bước hoàn thiện công nghệ trang bị trên Su-57 ngay trong quá trình sản xuất để giảm chi phí. Các lô Su-57 đầu tiên sẽ vẫn trang bị động cơ của máy bay Su-35S và sẽ được nâng cấp lên động cơ mới - “Sản phẩm 30” trong các lô chế tạo sau đó (dự kiến vào năm 2023).

Việc đưa vào trang bị máy bay Su-57 cũng giúp giảm tải cho Không quân Nga trong vài năm tới, khi các đơn vị máy bay tiêm kích-bom Su-24 bắt đầu bị loại biên từ năm 2020. Cùng với đó, hàng loạt công nghệ hàng không quân sự hiện đại trên Su-57 sau khi đáp ứng được độ tin cậy trong quá trình sử dụng sẽ được tích hợp ngược lên các máy bay chiến đấu thế hệ cũ như Su-30SM, Su-35 để nâng khả năng chiến đấu tổng thể của hệ thống.

Một yếu tố khác cũng cần được tính tới là việc Nga đưa vào trang bị Su-57 sẽ mở đường cho khả năng xuất khẩu dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này trong tương lai gần.

Theo qdnd.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm