Tranh cãi kết quả thực chất phía sau cuộc gặp lịch sử Trump - Kim
Dư luận Mỹ đánh giá như thế nào sau cuộc gặp lịch sử tại DMZ? / Hải quân Philippines liên tiếp nhận “hàng nóng”, sức mạnh tăng vọt
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại khu phi quân sự liên Triều (Ảnh: New York Times)
Trong suốt hàng chục năm, những tổng thống Mỹ từng tới thăm Khu phi quân sự chia tách bán đảo Triều Tiên gần như đều thực hiện theo cùng một kịch bản: Nhìn qua ống nhòm về phía các trạm gác biên giới của Triều Tiên. Ánh nhìn nghiêm nghị. Và cảnh báo Bình Nhưỡng rằng sự khiêu khích của họ sẽ bị đáp trả.
Ngày 30/6, Tổng thống Donald Trump đã phá vỡ mọi tiền lệ trước đó. Ông chủ Nhà Trắng tới gặp ông Kim Jong-un lần thứ 3 sau lời mời trên Twitter vào phút chót và chính nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng bất ngờ với điều này.
Ông Trump sau đó trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân tới lãnh thổ Triều Tiên, tiến 20 bước qua đường ranh giới quân sự chia tách bán đảo Triều Tiên.
Theo Bloomberg, thành tựu lớn nhất sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều tại Khu phi quân sự là thỏa thuận tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân, vốn bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh hồi cuối tháng 2. Giới chỉ trích cho rằng sự thân mật mà Tổng thống Trump dành cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un không dẫn tới bất kỳ động thái có ý nghĩa nào trong việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Mặc dù hai bên đã nhất trí tái khởi động các cuộc đàm phán, song một quan chức cấp cao cho biết Triều Tiên cho đến nay vẫn chưa nói rõ về việc họ định nghĩa “phi hạt nhân hóa” là như thế nào. Theo quan chức này, các nhà đàm phán Triều Tiên dường như không được ủy quyền để thảo luận về vấn đề vũ khí hạt nhân trong các cuộc họp.
“Các vòng đàm phán tiếp theo sẽ không đi đến đâu nếu Triều Tiên vẫn giữ lập trường cũ”, Chun Yung-woo, người từng là nhà đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc với Triều Tiên, cho biết.
Theo ông Chun, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục xây dựng “không ngừng nghỉ” kho hạt nhân của nước này.
“Nhìn chung, cuộc gặp này chỉ đơn giản là sự kiện giải trí và mãn nhãn, hơn là hoạt động ngoại giao nghiêm túc. Tôi sẽ chỉ đánh giá kết quả dựa trên thực tế rằng, cuộc gặp này đã tác động như thế nào tới việc Triều Tiên đóng băng hoạt động sản xuất nhiên liệu phân hạch cũng như cắt giảm năng lực hạt nhân”, ông Chun cho biết.
Ngoại giao "bề nổi"?
Tổng thống Trump tuyên bố các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên vẫn giữ nguyên, mặc dù ông cũng từng ngỏ ý nới lỏng một phần trong các cuộc đàm phán. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo tham gia vào các cuộc đàm phán, vẫn tìm cách đề xuất một giải pháp, trong đó cho phép ông Kim Jong-un được nới lỏng trừng phạt sau khi ông dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Yongbyon “hoàn toàn và chân thành”.
Cho đến nay, ông Kim Jong-un vẫn đưa ra những điều kiện có lợi cho Triều Tiên. Ông Kim không tỏ dấu hiệu cho thấy sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, công cụ mà Bình Nhưỡng cho là quyết định sự tồn vong của chính quyền. Ông thậm chí ra hạn chót cho Mỹ tới cuối năm nay để đưa ra một đề xuất dễ chấp nhận hơn cho Triều Tiên.
Trong bối cảnh hai bên không có nhiều tiến triển trong việc đạt được một thỏa thuận, các cuộc gặp liên tiếp của Tổng thống Trump với ông Kim Jong-un sẽ chỉ càng “đánh bóng” thêm tên tuổi của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Giới phân tích nhận định chính ông Trump đã tạo ra ấn tượng rằng, Mỹ đã chấp thuận Triều Tiên như một quốc gia hạt nhân.
Sự gần gũi của Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã khuyến khích các nhà lãnh đạo khác cũng “nối gót” ông chủ Nhà Trắng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng trước đã hứa hẹn về “một chương mới” trong quan hệ với Triều Tiên khi trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên thăm Triều Tiên trong 14 năm. Là đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi các lệnh trừng phạt của Mỹ với Triều Tiên.
Bản thân ông Kim Jong-un cũng phải đối mặt với một số sức ép về chính trị. Ông đã về nước “tay trắng” sau hai cuộc gặp với Tổng thống Trump khi không thể thuyết phục Mỹ xóa bỏ các lệnh trừng phạt.
“Những cái bắt tay phải dẫn tới những kết quả mang lại lợi ích thực sự để giúp duy trì con đường hiện tại, chứ không phải quay trở lại chính sách hiếu chiến hơn”, Jenny Town, biên tập viên 38 North - trang mạng chuyên phân tích Triều Tiên, nhận định.
Khi tới gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào chiều qua, Tổng thống Trump cũng mang theo những suy tính về chính trị nội bộ của nước Mỹ. Cuộc gặp chưa từng có tiền lệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã giúp chuyển hướng sự chú ý của công chúng từ các ứng viên tổng thống đảng Dân chủ sang Tổng thống Trump. Là những người muốn “hạ bệ” ông Trump, các ứng viên này đã chiếm sóng truyền hình suốt hai đêm bằng các cuộc tranh luận để giành ghế ứng viên tổng thống đại diện cho đảng trong thời gian ông Trump công du châu Á.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gọi cuộc gặp Trump - Kim là “đóa hoa hy vọng cho bán đảo Triều Tiên”. Ivanka Trump, con gái Tổng thống Trump và là cố vấn cấp cao Nhà Trắng tháp tùng ông tới khu phi quân sự, mô tả chuyến đi này là “siêu thực”.
“Các màn kịch ngoại giao sẽ không thể giải quyết một cách kỳ diệu các vấn đề an ninh nghiêm trọng mà họ đang phải đối mặt”, Duyeon Kim, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định.
Mintaro Oba, nhà ngoại giao Mỹ từng làm việc về các vấn đề Triều Tiên, cho rằng Tổng thống Trump đang theo đuổi chính sách ngoại giao “bề nổi”, trong đó vẫn giữ cho các tiến trình đàm phán diễn ra, song không “xử lý tận gốc căn bệnh nằm sâu bên trong”.
“Rõ ràng hai bên vẫn chưa giải quyết được bất kỳ vấn đề thực chất nào, chẳng hạn như như bất đồng về việc nới lỏng các lệnh trừng phạt. Nếu các nhà đàm phán cấp chuyên viên không được ủy quyền giải quyết các vấn đề này, rất khó để biến không khí tích cực trong cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo thành những kết quả thực sự”, ông Oba nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này