Triều Tiên có thể đã phóng tên lửa “chưa từng thấy trước đây”
Bị phiến quân nước ngoài tấn công tên lửa, quân đội Syria nổi giận báo thù / Đi tìm tên lửa hành trình bí mật Nga vừa bắn ở Syria
Tên lửa Triều Tiên được phóng hồi tháng 5 (Ảnh: KCNA)
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) xác nhận Triều Tiên đã phóng hai tên lửa vào sáng sớm nay 25/7 từ khu vực Wonsan ở bờ biển phía đông Triều Tiên. JCS nói rằng hai tên lửa này được phóng về phía biển Nhật Bản.
Thông báo ban đầu của JCS cho biết hai tên lửa Triều Tiên đã bay được khoảng cách hơn 430 km, đạt độ cao khoảng 50 km, trước khi rơi xuống biển. Sau đó, một thông báo khác dẫn thông tin từ các cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc xác nhận, tên lửa thứ hai do Triều Tiên phóng đi sáng nay đã bay xa tới 690 km và được cho là một “loại tên lửa mới” chưa từng thấy trước đây.
Hiện các cơ quan chức năng của Mỹ và Hàn Quốc vẫn đang tập trung phân tích vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên để xác định loại tên lửa phóng đi. Theo nhận định ban đầu của giới phân tích, đây đều là hai tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên.
Hiện chưa rõ nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thị sát vụ phóng tên lửa vào sáng nay hay không. Nhật Bản cho biết hai tên lửa phóng đi chưa bay tới vùng lãnh hải của nước này.
“Chúng tôi xác nhận các tên lửa chưa bay tới vùng lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya nói, đồng thời mô tả hành động phóng tên lửa của Triều Tiên là “vô cùng đáng tiếc”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết vụ thử tên lửa lần này của Triều Tiên không có tác động trực tiếp tới an ninh của Nhật Bản, đồng thời khẳng định Nhật Bản sẽ “hợp tác chặt chẽ” với Mỹ.
Vụ thử vũ khí gần đây nhất của Triều Tiên diễn ra hồi tháng 5. Khi đó Triều Tiên đã phóng các tên lửa tầm ngắn và rocket cỡ nhỏ.
Cũng vào thời điểm này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thị sát vụ phóng đầu tiên của một vũ khí chưa từng thử nghiệm trước đây. Giới chuyên gia nhận định vũ khí này là tên lửa tương đối nhỏ, có khả năng bay nhanh, dễ che giấu, dễ phóng và linh hoạt trong quá trình phóng.
Một ngày trước vụ phóng tên lửa mới, hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng các lãnh đạo chương trình tên lửa Triều Tiên thị sát một tàu ngầm cỡ lớn và mới được đóng. Đây là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển chương trình tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Mục đích của Triều Tiên
Bộ Ngoại giao Triều Tiên tháng này cũng lên tiếng chỉ trích việc Mỹ “đơn phương xé bỏ các cam kết” khi tiến hành tập trận quân sự với Hàn Quốc. Bình Nhưỡng tuyên bố động thái trên của Washington buộc Triều Tiên phải xem xét lại các cam kết về việc dừng các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.
“Bằng việc phóng tên lửa, chỉ trích tập trận quân sự và phô diễn tàu ngầm mới, Triều Tiên đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng: có thể sẽ không còn các cuộc đàm phán cấp chuyên viên nếu Mỹ không đưa ra một lập trường linh hoạt hơn”, Kim Hong-kyun, cựu đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc, cho biết.
Theo Kim Dong-yup, cựu sĩ quan hải quân và hiện giảng dạy tại Đại học Kyungnam ở Seoul, tên lửa do Triều Tiên phóng đi vào sáng nay dường như cũng tương tự loại tên lửa được nước này thử nghiệm hồi tháng 5. Kim cho rằng các tên lửa này không phải là thách thức quá lớn như tên lửa tầm xa, nhưng “cũng đủ để gây sức ép” với Mỹ.
Giới quan sát ngoại giao nhận định vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên cho thấy lập trường phản đối của nước này đối với cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc. Bình Nhưỡng từng cảnh báo việc liên minh Mỹ - Hàn tiến hành tập trận vào tháng tới, bất chấp sự phản đối của Triều Tiên, sẽ ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều.
“Hàn Quốc gần đây xác nhận kế hoạch tập trận đã được lên kế hoạch từ trước sẽ vẫn diễn ra vào tháng tới, trong khi Triều Tiên nói rằng ông Donald Trump đã hứa dừng tập trận khi ông ấy gặp ông Kim Jong-un”, Zhao Tong, nhà nghiên cứu tại Chương trình Chính sách Hạt nhân Carnegie tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, cho biết.
“Mục tiêu thứ hai (của Triều Tiên khi phóng tên lửa) là nhằm gây sức ép với Mỹ để buộc (Washington) phải mềm mỏng hơn trong lập trường của nước này về vấn đề phi hạt nhân hóa. Ông Kim Jong-un muốn có thêm sự nhượng bộ qua lại lẫn nhau từ Washington, đặc biệt là các biện pháp để bắt đầu dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế. Các vụ phóng tên lửa nhằm gây thêm sức ép với Washington và hối thúc Washington cân nhắc các phương án nhượng bộ thực chất hơn, điều mà Triều Tiên thực sự cần”, chuyên gia Tong nhận định.
Theo Harry Kazianis, giám đốc bộ phận nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia có trụ sở tại Washington, “Triều Tiên rõ ràng không hài lòng với việc Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận quân sự chung. Chính vì điều đó, Bình Nhưỡng đã từ chối lên lịch cho đàm phán cấp chuyên viên với Washington, không chấp nhận viện trợ lương thực từ Seoul và bây giờ là thử vũ khí để gia tăng căng thẳng”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo