Quốc tế

Triều Tiên lên tiếng về vụ phóng tên lửa bất ngờ sau hơn 1 năm

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trực tiếp thị sát thử nghiệm hệ thống phóng đa tên lửa và vũ khí dẫn đường chiến thuật trong cuộc diễn tập vào sáng 4/5, truyền thông Triều Tiên xác nhận sau khi Bình Nhưỡng bất ngờ phóng hàng loạt tên lửa vào vùng biển phía Đông hôm qua.

Thủ tướng Nhật Bản sẵn sàng gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un “vô điều kiện” / Mỹ dọa trừng phạt cho tới khi Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân

Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên nă 2016. (Ảnh: KCNA)

Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên nă 2016. (Ảnh: KCNA)

Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên ngày 5/5 đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thị sát "cuộc diễn tập tấn công của các đơn vị phòng thử ở vùng biển phía đông vào ngày 4/5". KCNA cho biết thêm: "Mục đích của cuộc diễn tập này là đánh giá năng lực và độ tấn công chính xác của các thiết bị phóng đa tên lửa tầm xa cỡ lớn và các vũ khí dẫn đường chiến thuật của các đơn vị phòng thủ ở khu vực tiền tuyến và mặt trận phía đông".

Theo KCNA, ông Kim Jong-un đã chỉ thị cuộc diễn tập và nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc “tăng cường năng lực tác chiến nhằm bảo vệ chủ quyền chính trị và duy trì tự lực về kinh tế” trước các mối đe dọa.

Những thông tin trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên bất ngờ phóng hàng loạt vật thể bay tầm ngắn từ bãi thử tại thành phố Wonsan, phía đông nước này về phía biển Nhật Bản sau 17 tháng ngừng các vụ thử nghiệm hạt nhân, tên lửa nhằm thúc đẩy các cuộc đối thoại với Mỹ và Hàn Quốc. Các vật thể này được cho là đã bay được khoảng 70-200 km và không rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Lần thử nghiệm tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên là tháng 11/2017 khi nước này thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong 15. Ngay sau vụ thử đó, Triều Tiên tuyên bố lực lượng hạt nhân của họ đã hoàn tất và sau đó Bình Nhưỡng đã chủ động đề nghị đối thoại với Mỹ và Hàn Quốc.
Giới phân tích cho rằng, đợt thử vũ khí mới nhất của Triều Tiên cho thấy Triều Tiên đang mất dần kiên nhẫn trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ rơi vào bế tắc.

 

"Động thái mới nhất của Triều Tiên dường như nhằm gây áp lực với Mỹ, cho thấy Triều Tiên bất mãn với các cuộc đàm phán không có kết quả. Bình Nhưỡng có thể sẽ gia tăng căng thẳng bằng các hoạt động quân sự sau đó trở lại đàm phán sau loạt động thái này", Park Won-gon, giáo sư về chính trị quốc tế tại Đại học Handong Global (Hàn Quốc), nhận định.

Shin Beom-chul, một chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách Asan, cũng cho rằng: “Đây là vụ thử nghiệm quy mô lớn nhất của Triều Tiên kể từ cuối năm 2017, nhưng chủ yếu là lời cảnh báo tới chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng cơ hội đối thoại sẽ không còn nếu Washington không chấp nhận đề nghị giải trừ hạt nhân từng phần của Bình Nhưỡng. Triều Tiên có thể nối lại các vụ thử tên lửa tầm xa nếu không có được những gì như mong muốn”.

Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đã rơi vào bế tắc sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim hồi cuối tháng 2 không đạt được thỏa thuận. Trong khi Mỹ tuyên bố duy trì trừng phạt cho tới khi Triều Tiên giải trừ hạt nhân, Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ ngừng các cuộc đối thoại nếu Washington không linh hoạt trong phương thức đàm phán.

Vũ khí - khí tài
Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm