Trung Quốc bị nghi do thám Israel để đánh cắp bí mật quân sự Mỹ
Điểm mặt dàn tiêm kích "họ J" trong biên chế Không quân Trung Quốc / Tường tận tiêm kích Trung Quốc vừa 'gãy cánh' ở đảo Hải Nam
Trong tháng này, hội đồng An ninh Quốc gia Israel (NSC) sẽ trình bày trước nội các một bản khuyến nghị về các hoạt động đầu tư nước ngoài tại quốc gia này. Tuy không nói chi tiết, nhưng theo nhà báo Melman, các động thái xem xét lại chính sách của Israel dường như tập trung vào các vấn đề xoay quanh Trung Quốc.
Trong 10 năm qua, Bắc Kinh đã tích cực đầu tư trong lĩnh vực kinh tế và quân sự vào khu vực Trung Đông, trong đó có Israel. Theo giới quan sát, chính phủ Israel được cho là đã bắt đầu chú ý tới các hành động của Trung Quốc. Vì vậy, NSC đang phải tìm cách dung hòa giữa 2 chính sách tưởng chừng như đang mâu thuẫn nhau tại Israel liên quan tới đầu tư nước ngoài và bảo vệ an ninh quốc gia.
Chính sách đầu tiên đã được Israel triển khai trong hàng chục năm qua nhằm khuyến khích các hoạt động đầu tư nước ngoài, tư nhân hóa tài sản và nguồn lực quốc gia, mở rộng thị trường quốc tế cho hàng hóa Israel. Trong những năm gần đây, các công ty Israel đã hướng về phía đông, giao thương với các nền kinh tế tăng trưởng tại châu Á, trong đó có Trung Quốc.
Một báo cáo gần đây do cộng đồng tình báo Israel thực hiện cho thấy thương mại song phương giữa Trung Quốc và Israel tăng từ 50 triệu USD lên 13,1 tỷ USD trong khoảng thời gian từ 1992-2017. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Israel tại châu Á và lớn thứ 3 trên thế giới chỉ sau Mỹ và EU. Chỉ trong nửa đầu năm 2018, hàng hóa Israel xuất khẩu sang Trung Quốc đạt mốc 2,77 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2017.
Rủi ro an ninh
Chính sách thứ 2 mà Israel đã, đang và sẽ hướng tới là việc bảo vệ các tài sản quốc gia chiến lược và các cơ sở hạ tầng khỏi nguy cơ bị chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát. Do sở hữu nền kinh tế công nghệ cao, Israel luôn phải đối mặt với các vấn đề liên quan tới gián điệp và chiếm đoạt công nghệ.
Theo Foreign Policy, Trung Quốc trong những năm gần đây bị nghi ngờ tăng cường hoạt động do thám Israel, thông qua việc tiếp cận với các công ty công nghệ quốc doanh và tư nhân ở Israel và sau đó hướng tới Mỹ, đồng minh thân thiết của Israel.
Trung Quốc bị nghi đã nhằm vào 2 nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Israel là Aerospace Industries, nhà thầu quốc phòng Rafael cùng với công ty Elbit Systems. Hai công ty đầu là công ty quốc doanh và cả 3 doanh nghiệp kể trên đều có công ty con tại Mỹ. Các công ty đóng vai trò chủ chốt trong việc sản xuất hệ thống vũ khí hiện đại của Israel bao gồm tên lửa và máy bay quân sự.
Các cuộc điều tra do phía tình báo Israel thực hiện cho thấy các tin tặc Trung Quốc có xu hướng tấn công các công ty Israel có liên quan tới các nhà thầu quân sự của Mỹ như Raytheon, Boeing, và Lockheed Martin. Theo Foreign Policy, Trung Quốc dường như đang coi Israel như “cửa sau” nhằm tiếp cận với bí mật của chương trình vũ khí Mỹ.
Trên thực tế, trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc dường như phải đối mặt với thách thức lớn khi muốn tiếp cận các thông tin quan trọng, do cơ quan an ninh nội địa Shin Bet của Israel hoạt động rất hiệu quả trong việc chống các hoạt động gián điệp và bảo vệ bí mật quân sự.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực dân sự, với những công ty sở hữu công nghệ có thể dùng cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự, các biện pháp bảo vệ ít hơn hẳn. Theo Foreign Policy, Trung Quốc có thể tiếp cận với những công nghệ và thông tin nhạy cảm thông qua các phi vụ đầu tư hoặc mua lại tài sản của Israel.
Năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải Israel và Tập đoàn cảng quốc tế Thượng Hải (SIPG) của Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác. Theo đó, SIPG sẽ đổ 2 tỷ USD vào cảng lớn thứ 3 của Israel, Haifa, biến nó trở thành cảng biển lớn nhất Israel. Đổi lại, chính phủ Israel cho phép SIPG quản lý cảng trong 25 năm. Dự kiến, tập đoàn Trung Quốc sẽ khánh thành cảng vào năm 2021.
Tuy nhiên, quyết định của Israel làm các chuyên gia và nhà quan sát dấy lên quan ngại vì mục đích của Trung Quốc trong dự án này do cảng Haifa nằm gần căn cứ hải quân Israel, nơi được cho là có kho tàu ngầm hạt nhân của nhà nước Do Thái.
Mỹ cũng dường như đã gây áp lực lên Israel buộc cơ quan an ninh quốc gia nước này phải mở cuộc điều tra, đánh giá lại dự án hợp tác với SIPG. Lo lắng của Mỹ hoàn toàn là có cơ sở vì nếu công ty Trung Quốc giành quyền kiểm soát cảng Haifa, một cảng có vị trí địa chiến lược quan trọng trên Địa Trung Hải, thì tàu Mỹ có thể sẽ phải thay đổi hoàn toàn phương án di chuyển.
Họ sẽ không thể đưa tàu hải quân tới cảng quân sự gần Haifa do lo ngại sẽ bị phía Trung Quốc theo dõi các hoạt động nhạy cảm và tối mật, giới chuyên gia nhận định.
Ngoài Haifa, một công ty Trung Quốc khác cũng đã trúng thầu xây dựng một cảng khác ở thành phố Ashdod, phía nam Israel, cũng là một địa điểm chiến lược trên Địa Trung Hải.
End of content
Không có tin nào tiếp theo