Trung Quốc cử phái đoàn đông gấp đôi Mỹ trong ngày đầu đàm phán thương mại
Siêu tăng T-14 Armata thử nghiệm cấp nhà nước / Những điều cần biết về T-15 Armata - “Vua” của xe thiết giáp bộ binh hạng nặng
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc bất ngờ tham gia cuộc đàm phán thương mại cấp thứ trưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày 7/1 tại Bắc Kinh. (Ảnh: SCMP)
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), giới chức Mỹ và Trung Quốc ngày 7/1 đã bắt đầu vòng đàm phán thương mại đầu tiên sau khi hai bên đưa ra thỏa thuận đình chiến thương mại hôm 1/12. Các hình ảnh rò rỉ bên trong cuộc họp cho thấy sự xuất hiện bất ngờ của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong cuộc đàm phán cấp thứ trưởng này.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc, trợ lý hàng đầu về kinh tế cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và là người phụ trách các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, vốn được cho là sẽ không tham dự cuộc đàm phán hôm qua. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham gia đàm phán là Phó Đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish, một đồng minh lâu năm của Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer.
Một trong số các bức ảnh được lan truyền trên mạng cho thấy, ông Lưu Hạc đứng giữa một nhóm quan chức Trung Quốc trong đó có Bộ trưởng Thương mại Zhong Shan và Thứ trưởng Wang Shouwen. Cả ông Zhong và ông Wang đều là hai nhân vật xuất hiện ở bàn đàm phán khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhất trí đình chiến thương mại 3 tháng hôm 1/12 tại Argentina.
Một bức ảnh khác cho thấy khung cảnh rộng hơn của cuộc họp. Ước tính phái đoàn Trung Quốc trong phòng họp này có ít nhất 100 người, gấp đôi so với phái đoàn Mỹ. Nói cách khác, vòng đàm phán kéo dài 2 ngày này có nhiều quan chức tham gia hơn các vòng đàm phán hồi năm ngoái. Theo Bloomberg, các cuộc đàm phán lần này diễn ra theo từng nhóm khác nhau về các lĩnh vực thương mại khác nhau.
Phái đoàn Trung Quốc có số lượng gấp đôi phái đoàn Mỹ. (Ảnh: SCMP)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng không cung cấp bất cứ chi tiết nào liên quan đến tiến triển đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc sau ngày họp đầu tiên. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, chiến tranh thương mại không có lợi cho cả Mỹ và Trung Quóc và rằng Bắc Kinh thực sự mong muốn giải quyết các bất đồng thương mại với Mỹ dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.
Giới phân tích Trung Quốc cũng cho rằng, sự xuất hiện của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong cuộc đàm phán phần nào cho thấy mong muốn của Bắc Kinh đạt được thỏa thuận với Washington.
"Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đối mặt với sức ép suy giảm, đặc biệt là do tác động của cuộc chiến thương mại, phía Trung Quốc có nhiều động cơ hơn và một số đòi hỏi của Mỹ cũng phù hợp với yêu cầu cải cách kinh tế của Bắc Kinh", Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định.
Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump hồi tuần trước tin tưởng rằng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc sẽ rất suôn sẻ và những yếu kém trong nền kinh tế Trung Quốc là lý do Bắc Kinh cần đạt được thỏa thuận với Washington.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng bày tỏ lạc quan về cuộc đàm phán đang diễn ra. "Chúng tôi đang đạt được tiến triển. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ đạt được tiến triển ở tất cả lĩnh vực mà Trung Quốc đang hành xử không như chúng tôi mong muốn", ông Pompeo nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo