Quốc tế

Trung Quốc dòm ngó cảng Lebanon, muốn tái thiết Syria

Trung Quốc đang có ý định sử dụng cảng ở TP Tripoli - Lebanon để đầu tư vào Syria, trang tin Al-Monitor cho biết hôm 29/3.

Báo cáo 400 trang điều tra nghi vấn Nga - Trump sẽ được công bố vào tháng 4 / Nga thừa nhận Mỹ sẽ không bao giờ dỡ bỏ trừng phạt

Khi cuộc chiến ở Syria sắp đến hồi kết, các nhà đầu tư quốc tế - bao gồm cả Trung Quốc – đã tìm cách tận dụng thời cơ để đầu tư vào quốc gia này trong giai đoạn tái thiết.

Tháng 12 năm ngoái, tàu của Công ty Vận tải COSCO, thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc, đã cập cảng ở TP Tripoli - Lebanon, thiết lập một tuyến hàng hải mới nối Trung Quốc với Địa Trung Hải.

Nằm cách biên giới Syria khoảng 30 km, cảng Tripoli đóng vai trò vị trí chiến lược trong mắt các nhà đầu tư.

Theo Giám đốc Cảng Tripoli, Ahmad Tamer, Bắc Kinh xem nơi này là địa điểm đầu tư tiềm năng. Sau khi được Ngân hàng Phát triển Hồi giáo đảm bảo khoản vay 86 triệu USD, cảng Tripoli đang chuẩn bị cho đợt đầu tư quy mô lớn.

"Trung Quốc sẽ không để mắt tới những khu vực có dân số dưới 500 triệu người. Nếu họ đầu tư vào cảng, đó là vì họ quan tâm đến toàn khu vực" – giám đốc Tamer nói.

Trung Quốc dòm ngó cảng Lebanon, muốn tái thiết Syria - 1

Trung Quốc đang có ý định sử dụng cảng ở TP Tripoli – Lebanon để đầu tư vào Syria. Ảnh: The Medi Telegraph

Trong suốt cuộc nội chiến kéo dài dai dẳng ở Syria, Trung Quốc vẫn duy trì đại sứ quán thường xuyên tại Damascus, đồng thời hỗ trợ ngoại giao ổn định cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Bắc Kinh cũng phủ quyết hầu hết nghị quyết chống lại Damascus tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Tuy nhiên, Al-Monitor nhận định ngoại giao không phải là lợi thế duy nhất mà Trung Quốc nắm giữ trong cuộc đua tái thiết Syria. Nga và Iran - hai nước ủng hộ Tổng thống Assad - đã phải chịu gánh nặng của nhiều năm bị trừng phạt kinh tế. Còn châu Âu, Mỹ và các quốc gia ở vùng Vịnh sẽ chưa hỗ trợ tài chính cho đến khi đạt được thỏa thuận ở Syria.

Vì vậy, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có khả năng kinh tế và ảnh hưởng chính trị để rót một khoản đầu tư nước ngoài lớn như vậy. LHQ ước tính chi phí để tái thiết Syria sẽ lên tới 250 tỉ USD.

Năm 2017, Trung Quốc cam kết tài trợ 2 tỉ USD cho việc tái thiết các ngành công nghiệp của Syria. Tháng 9/2018, hơn 200 công ty Trung Quốc đã tham dự Hội chợ Thương mại Quốc tế Damascus lần thứ 60.

Chủ tịch Hiệp hội Thúc đẩy giao lưu văn hóa và thương mại Trung Quốc - Ả Rập (trụ sở ở Beirut) Eliana Ibrahim đã bày tỏ sự lạc quan về sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực.

 

Bà Ibrahim cho biết Bắc Kinh đang xem xét các khoản đầu tư quy mô lớn ở cả Syria và Lebanon, chờ tình hình ổn định để chắc chắn thu được lợi nhuận từ các khoản đầu tư này.

TP Tripoli nằm trên bờ phía Đông Địa Trung Hải, trong tương lai có thể trở thành trung tâm hậu cần cho các tuyến giao thương đường bộ nối Địa Trung Hải với Trung Á. Đây là hành lang mà Bắc Kinh cần để giảm thời gian vận chuyển và tránh phải đi qua kênh đào Suez, theo Al-Monitor.

Vũ khí - khí tài
Theo Người lao động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm