Quốc tế

Trung Quốc là mục tiêu khiến Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Nga

Trung Quốc, quốc gia với sức mạnh quân sự ngày càng tăng, được cho là nguyên nhân chính khiến Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký với Nga từ thời Chiến tranh Lạnh.

Quy trình của Nga ứng phó với đòn tấn công hạt nhân nhằm vào Nga / Sức mạnh của siêu tàu tuần tra viễn hải lớp Holland

Hai nhà lãnh đạo Liên Xô và Mỹ Mikhail Gorbachev và Ronald Reagan ký hiệp ước INF năm 1987 (Ảnh: Reuters)

Hai nhà lãnh đạo Liên Xô và Mỹ Mikhail Gorbachev và Ronald Reagan ký hiệp ước INF năm 1987 (Ảnh: Reuters)

Nếu chỉ nhìn bên ngoài, lý do chính dẫn tới quyết định gần đây của Mỹ khi rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với Nga là bởi sự vi phạm của Moscow đối với các điều khoản của thỏa thuận song phương. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Cary Huang của báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, động cơ cũng như mục tiêu chính của Washington là nhắm tới Trung Quốc.

Được ký kết bởi cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev từ năm 1987, hiệp ước INF nhắm mục tiêu xóa bỏ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung đặt trên mặt đất, tên lửa hành trình và bệ phóng tên lửa được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi INF sau khi Nga từ chối phá hủy một hệ thống tên lửa tầm trung mới mà Washington và các đồng minh NATO cho rằng vi phạm hiệp ước. Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn phía sau quyết định rút khỏi INF của Mỹ là vì Washington tin rằng, hiệp ước này không còn phù hợp với bối cảnh địa chiến lược mới do INF không được áp dụng với Trung Quốc. Báo cáo của chính quyền Mỹ tin rằng Bắc Kinh đang sở hữu kho tên lửa phóng từ mặt đất “lớn nhất và đa dạng nhất”, bao gồm các tên lửa DF-21 và DF-26.

Theo nhận định của giới phân tích, việc Trung Quốc triển khai ồ ạt tên lửa nhằm làm suy yếu năng lực phòng thủ của Đài Loan. Tên lửa Trung Quốc được cho là nhắm mục tiêu tới đảo Guam cũng như các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nơi khác trong khu vực, đồng thời ngăn cản quân đội Mỹ tiếp cận khu vực này. Trung Quốc cũng đã lắp đặt các trang thiết bị quân sự lên các đảo nhân tạo do nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông.

Sau khi rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga, Mỹ bây giờ có thể tự do cạnh tranh với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh kho vũ khí của Bắc Kinh chủ yếu gồm các vũ khí bị cấm theo điều khoản của INF. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, 80% kho vũ khí của Trung Quốc là các hệ thống có tầm hoạt động nằm trong khuôn khổ của INF.

 

Mỹ tin rằng nước này ngày càng khó khăn trong việc bảo vệ chính họ và các đồng minh nếu chỉ có một lá chắn duy nhất, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Washington nhận ra sự cần thiết của một hệ thống tấn công để đối phó với các lực lượng đối thủ.

Trung Quốc là mục tiêu khiến Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Nga - 2

Mỹ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất trên đảo San Nicolas, California ngày 18/8/2019. (Ảnh:AFP)

Hai tuần sau khi rút khỏi INF, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 19/8 thông báo đã tiến hành thử nghiệm tên lửa hành trình tầm trung phóng từ mặt đất. Bộ trưởng Quốc phòng Esper cho biết Mỹ muốn triển khai một thế hệ tên lửa tầm trung mới phóng từ mặt đất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian càng sớm càng tốt. Việc triển khai các tên lửa này không nhằm đối phó Nga, mà nhắm mục tiêu tới Trung Quốc - quốc gia mà Washington xem là đối thủ chiến lược đáng gờm hơn nhiều.

Điểm mấu chốt của vấn đề là Mỹ sẽ đặt các tên lửa ở đâu. Trung Quốc từng dọa sẽ có các biện pháp đáp trả nếu Mỹ triển khai tên lửa trong khu vực, đồng thời cảnh báo các đồng minh của Mỹ, gồm Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ phải gánh hậu quả nếu cho phép Washington triển khai vũ khí trên lãnh thổ của họ. Đây cũng là lý do khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton lần lượt tới thăm các nước đồng minh trong những tuần vừa qua.

Hiệp ước INF đổ vỡ 17 năm sau khi cựu Tổng thống George W. Bush rút Mỹ khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo. Hiệp ước START mới, dự kiến hết hiệu lực vào tháng 2/2021, hiện là thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa Nga và Mỹ.

 

Theo bảng xếp hạng của trang web Global Firepower năm 2019, Trung Quốc xếp thứ 3 trên thế giới về sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, Trung Quốc, nước có lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới và chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai thế giới đang trong hành trình “vượt mặt” Nga để trở thành thách thức số một của Mỹ.

Sự sụp đổ của INF, hiệp ước với tuổi đời 32 năm, không chỉ đánh dấu một bước ngoặt nữa trong mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Nga và Mỹ, mà còn làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuộc chạy đua này sẽ tiêu tốn thêm tiền bạc và cho ra đời nhiều vũ khí hiện đại hơn, như tên lửa đạn đạo liên lục địa, tàu ngầm, máy bay ném bom.

Washington tỏ ra không mấy hứng thú với bất kỳ thỏa thuận giải giáp hay kiểm soát vũ khí thông thường nào với Nga, trừ khi có Trung Quốc tham gia. Trong khi đó, Bắc Kinh thẳng thừng từ chối đề xuất này.

Thế giới có thể sẽ chứng kiến sự trở lại của bối cảnh cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào năm 1962 khi Mỹ và Liên Xô bị mắc kẹt trong một cuộc đối đầu hạt nhân, nếu các cường quốc hạt nhân hiện tại, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước khác, không thể đạt được các thỏa thuận song phương mới về giải giáp vũ khí.

Theo Thành Đạt/Dân Trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm