Quốc tế

Trung Quốc - phép thử “sống còn” của Tổng thống Trump trước thềm bầu cử Mỹ

Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với thách thức lớn từ Trung Quốc, không chỉ định hình nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng mà còn ảnh hưởng tới cơ hội tái đắc cử của ông vào năm sau.

Chưa cần Kh-47M2 Kinzhal, Tu-22M3 Nga có sẵn vũ khí khiến đối phương "khiếp vía" / Su-57 Nga bung dù hãm tốc trước khi tiếp đất hạ cánh, đúng hay sai?

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty.

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty.

Giới phân tích nhận định, Tổng thống Donald Trump đã coi chính sách cứng rắn với Trung Quốc là một mũi nhọn quan trọng trong chương trình làm việc của chính quyền do ông lãnh đạo. Tuy nhiên, ông Trump cho đến nay vẫn chưa đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, thay vào đó hai nước liên tục tung đòn thuế quan vào hàng hóa của nhau.

Cuộc chiến thương mại đã làm gia tăng sự bất ổn cho thị trường chứng khoán và nền kinh tế toàn cầu, trong khi các nhà kinh tế cảnh báo một cuộc suy thoái có thể sắp xảy ra.

Việc đạt được một thỏa thuận quan trọng với Trung Quốc có thể mang lại lợi ích cho Tổng thống Trump như ông từng dự báo trên Twitter và trong các cuộc vận động tranh cử. Ngược lại, việc không đạt được thỏa thuận trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020 có thể sẽ làm giảm cơ hội chiến thắng cho ông Trump nếu các cử tri, những người bị thiệt hại do thương chiến Mỹ - Trung, quyết định quay lưng với ông chủ Nhà Trắng.

Doug Heye, chiến lược gia của đảng Cộng hòa, đã tới thăm các bang Iowa và Missouri, nơi những người nông dân Mỹ đang phải chứng kiến sự sụt giảm về doanh thu từ nông sản do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ông Heye cho biết các cử tri ủng hộ sự cứng rắn của Tổng thống Trump với Trung Quốc, nhưng họ cũng thực sự khốn khổ vì thương chiến.

“Họ dành lời khen cho ông Trump vì dám đương đầu với Trung Quốc, bởi chưa có tổng thống nào sẵn sàng làm như vậy. Tuy nhiên, họ cũng cảm nhận thấy những tổn thương do cuộc chiến thương mại mang lại”, ông Heye cho biết.

 

Tổng thống Trump và các cố vấn của ông vẫn tìm cách thể hiện sự lạc quan về các cuộc đàm phán với Trung Quốc trong những tuần gần đây, đồng thời bảo vệ các chính sách thương mại của chính quyền trong bối cảnh những lo ngại đối với nền kinh tế Mỹ ngày càng gia tăng.

“Chúng ta đang làm rất tốt trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc”, ông Trump viết trên Twitter ngày 2/9, song vẫn cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn hơn nhiều nếu cố tình “câu giờ” để đạt được thỏa thuận sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Các chuyên gia thương mại ngày càng hoài nghi về việc chính quyền Trump có thể thuyết phục Trung Quốc ký một thỏa thuận có ý nghĩa trước cuộc bỏ phiếu vào năm sau. Một đợt áp thuế mới của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9 và ông Trump hứa sẽ tiếp tục tăng thuế vào tháng tới.

Trung Quốc - phép thử “sống còn” của Tổng thống Trump trước thềm bầu cử Mỹ - 2

Tổng thống Trump phát biểu tại sự kiện tranh cử ở Cincinnati ngày 1/8. Ảnh: AP.

“Cách duy nhất để đạt được một thỏa thuận trong bối cảnh hiện tại đó là, hoặc Trung Quốc chấp nhận hạ bớt lập trường của họ, điều mà Trung Quốc sẽ không làm vì họ đã sẵn sàng đương đầu với một cuộc xung đột dài hơi, hoặc Tổng thống Trump chấp nhận một thỏa thuận cực kỳ yếu mà có thể bị phe Dân chủ hay chính các thành viên trong đảng (Cộng hòa) của ông ấy chỉ trích”, Edward Alden, chuyên gia kinh tế và thương mại tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định.

 

Walter Lohman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc tổ chức Heritage Foundation, dự đoán Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay khi cuộc chiến thương mại đang gây thiệt hại cho cả hai nền kinh tế. Tuy nhiên, triển vọng cho dự đoán này ngày càng mờ nhạt.

“Tôi nghĩ sẽ có một thỏa thuận vào cuối năm nay, và tôi cho rằng chính trị góp một phần trong đó. Theo tôi, ông Trump muốn được nhìn nhận như một nhà đàm phán”, ông Lohman nói.

Judd Deere, một phát ngôn viên của Nhà Trắng đã nói với báo The Hill rằng, người Mỹ bầu cho Tổng thống Trump vì “họ đã mệt mỏi với việc bị các nước khác lợi dụng”.

“Tổng thống Trump là tổng thống đầu tiên chống lại Trung Quốc và phát đi một thông điệp rõ ràng rằng, Mỹ sẽ không dung thứ cho những hành vi thương mại không công bằng, vốn gây thiệt hại cho những người nông dân, những người nuôi gia súc, các nhà sản xuất và các doanh nghiệp của chúng ta”, ông Deere nói.

Theo phát ngôn viên Nhà Trắng, “các cuộc đàm phán với Trung Quốc sẽ tiếp tục, nhưng Tổng thống Trump chắc chắn vẫn tiếp tục sử dụng các công cụ sẵn có để cân bằng cuộc chơi cho những người lao động Mỹ và giảm bớt các rào cản đối với việc xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ”.

 

Hiện vẫn có nhiều ý kiến ủng hộ từ hai đảng tại Washington về một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhằm chấm dứt tình trạng đánh cắp tài sản trí tuệ cũng như các hành vi thương mại không công bằng và các vấn đề an ninh quốc gia khác liên quan tới Bắc Kinh.

Tuy vậy, Tổng thống Trump vẫn phải đối mặt với những lời chỉ trích về cách tiếp cận của ông đối với việc áp thuế Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng đòn thuế quan đã gây tổn hại cho chính người Mỹ và kế hoạch áp thuế chưa được thực thi một cách chiến lược. Thậm chí ngay cả thành viên trong đảng của Tổng thống Trump cũng ngày càng lo ngại về các tác động của cuộc chiến thương mại lên nền kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, ông Trump vẫn khẳng định rằng, thương chiến với Trung Quốc không tác động tới người tiêu dùng Mỹ. Cuối tuần trước, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố Trung Quốc mới là nước phải chi trả cho toàn bộ thuế quan mà Mỹ đã áp đặt. Tuy nhiên, các chuyên gia đã bác bỏ nhận định này của ông Trump.

“Thuế quan đang trừng phạt người Mỹ hơn là người Trung Quốc. Nó đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng Mỹ, cho hoạt động sản xuất của Mỹ, và đòn đáp trả (của Trung Quốc) đang gây thiệt hại cho nông dân Mỹ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra như vậy”, chuyên gia Lohman cho biết.

Nếu nền kinh tế Mỹ bị suy thoái do cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, đây sẽ là một vũ khí mà đảng Dân chủ có thể sử dụng để công kích ông Trumptrước thềm cuộc bầu cử năm 2020.

 

“Điều đáng lo ngại nhất đối với một tổng thống khi tái tranh cử là nền kinh tế gặp khó khăn. Nếu ông Trump không thể đạt được một thỏa thuận, nhiều khả năng đảng Dân chủ sẽ chỉ trích ông ấy. Điều này sẽ đánh vào uy tín của ông ấy, trong khi đây lại là điều rất quan trọng với ông Trump”, chiến lược gia Heye nhận định.

Chiến lược gia Colin Reed của đảng Cộng hòa tin rằng, cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump đang theo đuổi có thể khiến ông mất đi sự ủng hộ của những cử tri bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này. Tuy nhiên, theo ông Reed, sự ủng hộ của đảng Dân chủ đối với một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc có thể khiến họ dịu giọng hơn khi chỉ trích ông Trump trong chiến dịch tranh cử.

Theo Thành Đạt/Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm