Quốc tế

Tự nhận tổng thống lâm thời, chính trị gia 35 tuổi “dậy sóng” chính trường Venezuela

Juan Guaido, lãnh đạo phe đối lập tại Venezuela, đã trở thành cái tên gây chú ý sau khi tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời, bất chấp sự phản đối của chính quyền đương nhiệm.

Cựu Thủ tướng Malaysia bác tin liên quan tới vụ phân xác người tình của cựu cố vấn / Biểu tình bùng phát tại Venezuela sau khi lãnh đạo đối lập tự nhận là tổng thống lâm thời

Tự nhận tổng thống lâm thời, chính trị gia 35 tuổi “dậy sóng” chính trường Venezuela - 1

Ông Juan Guaido tự tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời tại Venezuela ngày 23/1. (Ảnh: AFP)

Mãi tới gần đây, Juan Guaido, lãnh đạo 35 tuổi của quốc hội do phe đối lập kiểm soát tại Venezuela, vẫn còn là cái tên xa lạ trên chính trường quốc tế. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi vào ngày hôm qua 23/1 khi chính trị gia trẻ tuổi này đứng trước hàng nghìn người biểu tình tại thủ đô Caracas và tuyên thệ trở thành tổng thống lâm thời của Venezuela - một động thái được chính phủ Mỹ và Canada hoan nghênh ngay lập tức.

Juan Guaido bắt đầu đánh tín hiệu cho thấy ông sẵn sàng đối mặt với một thách thức lớn trong cuộc đối đầu với lãnh đạo cao nhất của Venezuela khi ông Nicolas Maduro bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 sau các cuộc bầu cử bị chỉ trích là gian lận vào mùa hè năm 2018.

Lễ nhậm chức của ông Maduro đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước, trong khi ông Guaido tuyên bố với cả thế giới rằng ông sẵn sàng nắm quyền tổng thống Venezuela cho tới khi các cuộc bầu cử công bằng và tự do diễn ra tại nước này, miễn là ông có được sự ủng hộ quan trọng từ phía quân đội.

Tuyên bố của ông Guaido là sự thách thức công khai hiếm hoi đối với chính quyền Tổng thống Maduro, song nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ. Tuy vậy, nhiều người cũng lo ngại về những nguy cơ mà phe đối lập tại Venezuela có thể đối mặt nếu ủng hộ ông Guaido.

Tổng thống Maduro, người lên nắm quyền trong bối cảnh Venezuela đang chìm trong khủng hoảng chính trị và kinh tế, đã “chế giễu” đối thủ tương đối non kinh nghiệm của ông.

“Nhiều người ở Venezuela đang tự hỏi Guaido là ai?”, ông Maduro nói trong bài diễn thuyết trên truyền hình.

Vài ngày sau đó, ông Guaido bị lực lượng tình báo Venezuela bắt giữ hôm 13/1. Chính quyền Maduro đã đổ lỗi cho các đặc vụ về vụ bắt giữ và tuyên bố đã kỷ luật các đối tượng này. Vụ bắt giữ xảy ra chỉ 2 ngày sau khi ông Guaido tuyên bố ý định “lật đổ” Tổng thống Maduro.

“Hãy xem họ đang làm gì. Họ đang tuyệt vọng trong (phủ tổng thống) Miraflores… Chúng tôi là người sống sót, không phải là nạn nhân!”, ông Guaido nói trước đám đông những người ủng hộ sau khi được thả.

Tham gia chính trị từ sớm

Tự nhận tổng thống lâm thời, chính trị gia 35 tuổi “dậy sóng” chính trường Venezuela - 2

Juan Guaido là gương mặt mới trên chính trường Venezuela. (Ảnh: Reuters)

Lớn lên tại La Guaira, thành phố cảng cách thủ đô Caracas khoảng 32km, và từng theo học tại Đại học George Washington, Mỹ, Guaido bắt đầu tham gia hoạt động chính trị trong các phong trào biểu tình sinh viên nhằm chống lại cố Tổng thống Hugo Chavez, người tiền nhiệm của Tổng thống Maduro, từ năm 2007.

Sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí tại trường đại học, ông Guaido được đề xuất một công việc trong khối tư nhân và có cơ hội tới Mexico làm việc. Tuy nhiên, ông đã từ chối. Juan Carlos Michinel, một người bạn của Guaido, cho biết Guaido “muốn bắt đầu sự thay đổi ở đây nên quyết định ở lại Venezuela”.

Ông Chavez đã đưa ra nhiều sửa đổi về hiến pháp, bao gồm xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống, đơn phương tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và trưng cầu dân ý. Trong khi đó, phong trào biểu tình mới trỗi dậy tại Venezuela ngày càng được củng cố với sự tham gia của Leopoldo Lopez, người hướng dẫn quyết đoán và có sức ảnh hưởng của ông Guaido. Ông Lopez đã bị quản thúc tại gia và cấm tham gia các hoạt động chính trị từ đầu năm 2014.

Chính ông Lopez đã đưa Guaido, “hậu duệ” kém ông 12 tuổi, vào vị trí lãnh đạo liên minh đảng Ý nguyện Nhân dân (PW) tại quốc hội Venezuela. Guaido được bầu vào quốc hội Venezuela với vai trò nghị sĩ dự khuyết từ năm 2010 và được giữ vị trí chính thức vào năm 2015.

Ông Guaido ủng hộ kinh tế thị trường và trao quyền tự quyết về tài chính cho các chính quyền khu vực, phù hợp với các chính sách của đảng PW.

“Guaido là một chiến binh và là người luôn luôn lạc quan. Ông ấy khiêm tốn và chân thành. Ông ấy hòa hợp với tất cả mọi người và không mang nét điển hình của một chính trị gia”, Freddy Guevara, một thủ lĩnh đối lập và là bạn của ông Guaido, cho biết.

Nguy cơ lớn

Tự nhận tổng thống lâm thời, chính trị gia 35 tuổi “dậy sóng” chính trường Venezuela - 3

Tổng thống Nicolas Maduro. (Ảnh: Reuters)

Leopoldo Lopez từng được xem là một trong những nhà lãnh đạo cứng rắn và quyết liệt nhất của phe đối lập tại Venezuela. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng “hậu duệ” của ông, Juan Guaido, thậm chí còn cứng rắn hơn và sẵn sàng “thách đấu” với đương kim tổng thống.

“Ông ấy vô cùng dũng cảm và đang phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ tù, tấn công hoặc buộc phải sống lưu vong. Tuy vậy, ông ấy vẫn quyết định tiến về phía trước. Ông ấy là một phần trong thế hệ của tôi, một thế hệ dũng cảm lớn lên dưới sự kiểm soát”, David Smolansky, một lãnh đạo đối lập bỏ trốn khỏi Venezuela và sống ở Mỹ, nhận xét về Juan Guaido.

“Ông ấy là một người nỗ lực, khiêm tốn và có thể gắn kết chúng tôi. Nhưng rủi ro đặt ra với ông ấy rất lớn. Họ có thể đối xử với Juan Guaido như từng làm với Leopoldo, đó là đưa ông ấy vào tù”, bà Lilian Tintori, vợ của ông Leopoldo Lopez, nói.

Juan Guaido không còn lạ lẫm với những nghịch cảnh trong cuộc sống. Gia đình ông từng may mắn sống sót sau trận lở đất tại quê nhà hồi năm 1999 khiến 30.000 người thiệt mạng. Bản thân ông vẫn còn những vết sẹo trên cổ do đạn cao su bắn vào người biểu tình hồi năm 2017 tại Caracas.

Trong khi Juan Guaido nhận được nhiều sự ủng hộ từ phe đối lập và các chính trị gia nước ngoài, Tổng thống Maduro coi ông này và các lãnh đạo đối lập khác chỉ là “những cậu bé” và chịu sự ảnh hưởng từ chính quyền Mỹ. Sự trỗi dậy của phe đối lập với vai trò của Juan Guaido xuất hiện khi chính quyền Maduro đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng, không chỉ từ các vấn đề trong nước như lạm phát, mà còn từ sức ép của các nước láng giềng như Mỹ.


Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm