Quốc tế

UAV tấn công căn cứ Nga ở Syria: Vũ khí “giết người, giấu tay” khiến cả thế giới sững sờ

Việc sử dụng máy bay không người lái (drone) tấn công khủng bố đang và sẽ là thách thức lớn đối với các nước, trong khi hiện vẫn chưa có giải pháp loại bỏ triệt để mối đe dọa này.

Nga đã cung cấp 10 trực thăng tấn công cho Quân đội Syria / Một căn cứ không quân mới của Nga sắp xuất hiện ở miền Bắc Syria?

Vụ tấn công khủng bố bằng drone khiến thế giới sững sờ

Máy bay không người lái (UAV hay drone) là thiết bị bay không cần phi công ngồi điều khiển trực tiếp, có thể tự bay với sự điều hành của trạm kiểm soát dưới mặt đất, được lập trình trước hoặc theo một hệ thống động lực tự động hóa phức tạp.

Hơn một thập kỷ qua, các tổ chức, cá nhân khủng bố trên thế giới sử dụng drone cỡ nhỏ khá thường xuyên và ngày càng thành thục. Chẳng hạn, tổ chức Hezbollah (phiến quân Hồi giáo dòng Shiite có căn cứ tại Lebanon), đã điều khiển drone bay vào không phận Israel để thu thập tin tức tình báo, thực hiện các vụ đột kích trong đêm và đánh bom vào phiến quân Syria.

Năm 2012, một sinh viên trường Đại học Massachusetts (Mỹ) bị cảnh sát bắt giam khi đang cài chất nổ vào drone với ý định khủng bố trụ sở Lầu Năm Góc và Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Tại Pakistan, nhiều kỹ sư điện tử nghiên cứu và thiết kế thành công một loại drone tấn công cỡ "siêu nhỏ" dành cho tổ chức Al-Qaeda khét tiếng.

Năm 2016, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lần đầu thực hiện vụ tấn công bằng drone tại miền Bắc Iraq, khiến 02 chiến binh Peshmerga thiệt mạng. Chỉ một năm sau, tổ chức này thông báo trên mạng xã hội đã thành lập đội "Drone Mujahedeen", với mục đích phát triển và sử dụng drone phục vụ các nhiệm vụ khủng bố.

Đây được coi là động thái chính thức của IS về việc vũ khí hóa công nghệ không người lái trong dài hạn - điển hình cho mối đe dọa về khủng bố bằng drone, nhất là khi thiết bị này được tự động và tối ưu hóa.

Theo giới chuyên gia, sự kết hợp giữa drone và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày nay cho phép các nhóm khủng bố phát triển những "robot giết người" tự động, nâng cao khả năng thực hiện các vụ "tắm máu" nhằm vào nhiều mục tiêu trên thế giới.

Cuối tháng 01/2017, trên mạng internet cũng xuất hiện một video khác của IS khi mô tả các chiến binh sử dụng drone đánh bom các mục tiêu quân sự tại thành phố Mosul, Iraq. Đây được xem là một trong nhiều vụ tấn công của "Chiến dịch drone" do IS khởi xướng khi triển khai hàng loạt các hành động khủng bố ở miền Bắc Iraq.

Tháng 02/2018, toàn thế giới sững sờ trước sự kiện nhóm nổi dậy tại Syria điều khiển 13 chiếc "drone tự chế" thực hiện vụ đánh bom tấn công vào các căn cứ quân sự của Nga tại tỉnh Khmeimim và Tartus. Hay một ví dụ điển hình khác về sử dụng drone để đánh bom là âm mưu ám sát bất thành nhằm vào Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hồi tháng 08/2018.

Hiện nay, vấn đề này càng trở nên đáng lo ngại hơn vì giá bán drone ngày càng rẻ, một chiếc drone thương mại cỡ nhỏ có giá khoảng 600 USD. Năm 2015, số lượng drone trên thị trường thế giới ước tính hơn 6 triệu và được dự báo sẽ tăng gấp 10 lần lên 60,7 triệu chiếc vào năm 2021.

Đáng chú ý, chiếc "drone 4 cánh" đang trở thành loại đồ chơi phổ biến cho trẻ em và được bán đại trà tại các cửa hàng bách hóa hoặc trên các website mua sắm trực tuyến. Thậm chí, người dân có thể dễ dàng tìm kiếm các hướng dẫn lắp ráp và vận hành drone chi tiết qua mạng internet.

UAV tấn công căn cứ Nga ở Syria: Vũ khí “giết người, giấu tay” khiến cả thế giới sững sờ - Ảnh 1.

Cận cảnh UAV tấn công tự chế của phiến quân Syria bị lực lượng phòng không Nga bắt sống. Ảnh: RT

Cách thức tiến hành khủng bố bằng drone

Các chuyên gia nhận định, lợi thế của drone giúp chúng vô cùng linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ trinh sát, thu thập tin tức tình báo, chuyển tiếp liên lạc hoặc hậu cần trên chiến trường, quản lý thảm họa, giám sát an ninh cũng như hoạt động được cả trong các môi trường hóa học, sinh học, thậm chí có chứa chất phóng xạ.

Hiện nay, ngay cả những chiếc drone thương mại cỡ nhỏ cũng được thiết kế khá tinh vi, có thể tự động bay theo lộ trình định sẵn và thực hiện các chức năng lập trình như giao hàng, chuyển thư...

Ngoài ra, drone còn có khả năng tự hành khi phát hiện các chướng ngại vật nhờ được trang bị "pin thông minh" và hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ (GPS) hoặc của Nga (GLONASS). Do đó, khủng bố chỉ cần phóng drone (được lập trình sẵn lộ trình) chứa đầy chất nổ từ một nơi hẻo lánh vào một thời điểm xác định và... biến mất.

Bên cạnh việc "khó bị phát hiện", drone còn dễ bị nhầm lẫn với loài chim do có kích thước nhỏ và cùng tốc độ di chuyển. Đường bay của drone được lập trình để đánh lừa các hệ thống giám sát, tránh các trạm kiểm soát an ninh.

 

Trong tương lai gần, khủng bố sẽ phát triển các dòng drone có tải trọng lớn hơn, dễ dàng che giấu bằng cách tháo rời bộ phận và lắp ráp lại chỉ trong vài phút.

Để drone tránh bị phát hiện bởi thiết bị radar, khủng bố dùng nhiều dải tần số khác nhau dựa trên các mạng viễn thông. Khi đó, chúng sẽ gắn thiết bị smartphone có trang bị camera loại tốt vào drone và thực hiện "livestream" bằng cuộc gọi video với một chiếc smartphone khác.

Các vi mạch của điện thoại di động được điều chỉnh để tích hợp vào drone, khá giống với cách sử dụng điện thoại di động để kích hoạt các thiết bị nổ tùy biến từ xa. Do đó, những nơi phủ sóng băng thông rộng như 3G, 4G sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khủng bố thực hiện hành vi này.

Không chỉ chất nổ, drone còn có thể mang theo bình gas mini, thuốc trừ sâu, chất phóng xạ hoặc các chất độc sinh hóa. Đầu những năm 1990, giáo phái Ngày tận thế (Aum Shinrikyo) của Nhật Bản đã tìm cách phát tán chất độc thần kinh "sarin" từ drone được trang bị hệ thống phun trên không nhưng đã bị thất bại.

Một số tội phạm buôn lậu sử dụng drone để vận chuyển ma túy qua biên giới. Hay một công năng khác của drone là cung cấp loại vũ khí nhỏ như súng ngắn tới các địa điểm tấn công.

 

Ngoài ra, giới chuyên gia còn liệt kê các mối đe dọa khác của drone như nghe trộm điện thoại, hack mạng không dây hoặc theo dõi lộ trình di chuyển của con người.

Tóm lại, sự khó lường của những kẻ khủng bố trong âm mưu sử dụng drone tấn công sẽ là thách thức không nhỏ đối với hệ thống an ninh, giám sát của các nước. Hơn nữa, đến thời điểm này, vẫn chưa có giải pháp loại bỏ triệt để các mối đe dọa từ drone.

Biện pháp đối phó của các nước trên thế giới

Thứ nhất, ban hành hệ thống pháp quy. Mặc dù một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ, tỏ ra nghi ngờ và hạ thấp sự nguy hiểm của mối đe dọa drone, nhưng phần lớn còn lại đều thừa nhận mối nguy này. Nhiều quốc gia bước đầu đã đưa ra các giải pháp đối phó, đặc biệt là thiết lập hệ thống quy định kiểm soát.

Điển hình như, tháng 6/2017, Chính phủ Anh đề xuất chương trình đăng ký bắt buộc đối với các loại drone nặng trên 250 gram, sau hơn 3.400 sự cố liên quan xảy ra, bao gồm cả buôn lậu ma túy, tuồn vũ khí vào trại giam.

 

Tháng 7/2019, Chính phủ Úc yêu cầu những người sử dụng drone nặng trên 250 gram phải tham gia khóa hướng dẫn trực tuyến và đăng ký cho drone của họ. Tuy nhiên, việc hạn chế và giám sát drone chỉ giải quyết được một phần nhỏ bởi mối đe dọa lớn hơn có khả năng gây thiệt hại nặng nề bắt nguồn từ các hoạt động bất hợp pháp hoặc bí mật của các tổ chức khủng bố.

Thứ hai, đưa ra các giải pháp công nghệ. Một giải pháp vượt trội mà một số quốc gia bắt đầu thực hiện là huấn luyện "chim săn mồi" như đại bàng để tìm, bắt và phá hủy drone ngay trên không trung.

Chính phủ Pháp thành lập "biệt đội đại bàng" tại thành phố Mont-de-Marsan, miền Tây Nam nước này nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ drone. Tuy nhiên, khi sử dụng biện pháp này cần thận trọng tại khu vực gần cảng hàng không vì đại bàng có thể trở thành mối nguy hiểm cho các máy bay.

UAV tấn công căn cứ Nga ở Syria: Vũ khí “giết người, giấu tay” khiến cả thế giới sững sờ - Ảnh 3.

Hầu hết UAV của phiến quân sử dụng tấn công căn cứ Khmeimim của Nga đều bị bắt sống hoặc đánh chặn trước khi chúng kịp đến đích. Ảnh: Pinterest

Một số công ty đưa ra các hệ thống radar, thiết bị âm thanh để xác định, phân biệt drone với chim bằng cách phát hiện vật thể bay, nhận diện hình dạng và sử dụng bức xạ hồng ngoại. Các mạng ăng ten tích hợp nhiều micro với phạm vi phát hiện drone trong bán kính 700 m cũng được đưa vào thử nghiệm.

 

Trong khi AI được coi là ứng dụng tiềm năng. Khi sử dụng drone, gắn thiết bị AI cảm biến để nhận dạng nhiều loại model hoặc sử dụng tần số để phát hiện, tấn công trực tiếp các drone tiềm ẩn nguy hiểm.

Thiết bị gây nhiễu điện tử cũng có thể được sử dụng để bảo đảm an toàn, tuy nhiên, thiết bị này chỉ phát huy hiệu quả đối với các model điều khiển bằng sóng radio, còn với các model được lập trình sẵn đường bay thì phải kết hợp thiết bị gây nhiễu định vị.

Thậm chí, một số hãng công nghệ thế giới còn nghiên cứu, sản xuất các "drone săn drone". Ví dụ, công ty Droneshield của Úc thiết kế thành công chiếc drone gun (nặng 5 kg) có khả năng chống lại nhiều loại drone trong phạm vi 2 km.

Nó có thể gây nhiễu hệ thống GPS/GLONASS; hoạt động bằng cách sử dụng băng tần 2,4 GHz và 5,8 GHz để ngăn chặn việc truyền tải video từ drone đến các phần tử khủng bố, giữ nguyên vẹn drone và tiến hành điều tra giám định. Drone gun từng được cảnh sát Thụy Sỹ sử dụng tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos năm 2017.

Như vậy, có thể thấy, sự phát triển của công nghệ drone đã cung cấp một phương pháp thay thế gần như hoàn hảo cho những kẻ khủng bố thực hiện các hành động cực đoan mà không cần phải trực tiếp ra tay.

 

Hiện nay, các cơ quan an ninh, cảnh sát của nhiều quốc gia nhận thức rõ được thực tế này nên đã và đang triển khai chính sách mới nhằm quản lý chặt chẽ drone, đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm ngăn chặn các hiểm họa từ thiết bị bay không người lái có thể xảy ra trong tương lai.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm