Quốc tế

Ukraine: Cuộc gặp giữa ông Zelensky-Putin sẽ "chỉ diễn ra sau trận đại chiến tại Donbas"

Căng thẳng quân sự Nga-Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt với nhiều diễn biến nóng.

Lộ diện đặc nhiệm tinh nhuệ của Mỹ và Anh ở Ukraine / Xe tăng 'bất khả chiến bại' của Nga gặp điều kỳ quái: Đồng minh châu Á của Moscow lo cuống

Đàm phán rơi vào bế tắc

​Thời báo Hoàn Cầu dẫn báo cáo của TASS (Nga) cho hay, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/4 đã tổ chức cuộc họp báo cùng đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko, trong đó đề cập cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Ông Putin nói rằng Kiev đã "xa rời" nhận thức chung đạt được trong vòng đàm phán tại Istanbul, cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc.

Ukraine: Cuộc gặp sẽ chỉ diễn ra sau "đại chiến" Donbas

CNN dẫn các nguồn tin cho biết, ông Zelensky và ông Putin có thể gặp mặt, nhưng cuộc gặp sẽ chỉ diễn ra sau trận chiến lớn tại Donbas.

Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết: "Ukraine đã sẵn sàng cho các trận đánh lớn. Ukraine phải giành chiến thắng, đặc biệt là ở Donbas. Và sau đó, Ukraine sẽ có được vị thế đàm phán mạnh mẽ hơn, từ đó có thể đưa ra các điều kiện nhất định. Sau đó, các tổng thống sẽ gặp nhau. Việc đó có thể mất hai hoặc ba tuần."

Các quan chức Ukraine cho biết họ dự đoán Nga sẽ tổ chức một cuộc tấn công lớn ở Donbas. Ông Putin mới đây tuyên bố thay đổi chiến lược quân sự tập trung vào phía đông của Ukraine.

Ông Putin: Nga sẽ hoàn thành mục tiêu

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 12/4 cho biết hoạt động quân sự của Moscow ở Ukraine chắc chắn sẽ đạt được cái mà ông gọi là các mục tiêu "cao cả" của nước này. Phát biểu tại một buổi lễ tại Sân bay vũ trụ Vostochny ở Viễn Đông Nga, ông Putin nói Moscow không có lựa chọn nào khác ngoài việc khởi động một chiến dịch quân sự để "bảo vệ Nga" và cuộc đụng độ với lực lượng chống Nga của Ukraine là điều không thể tránh khỏi.

"Các mục tiêu của chiến dịch là hoàn toàn rõ ràng và cao cả", ông Putin nói về chiến dịch quân sự của Nga.

Ông Putin cho biết mục tiêu chính của việc Moscow can thiệp quân sự vào Ukraine là để cứu người dân ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine, nơi lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã chiến đấu với lực lượng Ukraine kể từ năm 2014.

Ukraine: Cuộc gặp giữa ông Zelensky-Putin sẽ chỉ diễn ra sau trận đại chiến tại Donbas - Ảnh 1.

"Một mặt, chúng tôi đang giúp đỡ và cứu người, mặt khác, chúng tôi chỉ đơn giản là thực hiện các biện pháp để đảm bảo an ninh của chính nước Nga", ông Putin nói. "Rõ ràng là chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Đó là một quyết định đúng đắn. "

Hàng triệu người Ukraine đã buộc phải rời khỏi đất nước kể từ khi Nga đưa hàng chục nghìn quân vào Ukraine trong cái mà nước này gọi là "chiến dịch đặc biệt". Ukraine và phương Tây đã lên tiếng chỉ trích hành động của Nga tại nước này.

Các lực lượng Ukraine đã kháng cự mạnh mẽ và phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Nga trong nỗ lực buộc nước này phải rút lực lượng khỏi Ukraine.

CNN: Đoàn xe quân sự Nga đang tiến về phía Donbass

Ukraine: Cuộc gặp giữa ông Zelensky-Putin sẽ chỉ diễn ra sau trận đại chiến tại Donbas - Ảnh 2.

Những hình ảnh cho thấy một hàng dài xe quân sự của Nga ở gần Matveev Kurgan, một khu dân cư ở vùng Rostov của Nga.

CNN đã xác định vị trí của hình ảnh nói trên là gần Matveev Kurgan, một khu dân cư ở vùng Rostov của Nga. Các phương tiện quân sự hướng về phía Tây Bắc, theo hướng Donbass.

Trong ki đó, một quan chức cấp cao của Ukraine hôm 11/4 cũng nói rằng Nga đang tiếp tục tăng cường lực lượng trong khu vực này.

OPEC cảnh báo EU về các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga

Theo Arab News, hôm 11/4 vừa qua, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) rằng các lệnh trừng phạt hiện tại và tương lai đối với Nga có thể gây ra một trong những cú sốc tồi tệ nhất từ trước tới nay về nguồn cung dầu trên thế giới.

 

OPEC cũng nhấn mạnh rằng việc thay thế nguồn cung dầu Nga là "bất khả thi", và cho biết họ sẽ không bơm thêm dầu để bù lại cho nguồn cung từ Nga.

Trước đó, các quan chức EU đã hội đàm với đại diện của OPEC trong bối cảnh EU đang xem xét các biện pháp trừng phạt tiềm năng đối với dầu mỏ, khí đốt Nga và kêu gọi khối này tăng sản lượng nhằm giúp hạ giá dầu đang tăng vọt.

Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết: "Chúng tôi có khả năng bị mất hơn 7 triệu thùng/ngày dầu xuất khẩu và các chất lỏng khác của Nga, do các lệnh trừng phạt hiện tại và tương lai hoặc các hành động tương tự khác".

"Dựa trên mức nhu cầu hiện tại, việc thay thế khối lượng dầu thiếu hụt ở mức độ này là gần như bất khả thi", ông Barkindo nói.

OPEC cũng nhấn mạnh rằng họ có trách nhiệm đảm bảo sự cân bằng trên thị trường dầu.

 

Ukraine duy trì trấn giữ Mariupol

Đài CNN (Mỹ) dẫn lời Tướng Valery Zaluzhny, Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine, hôm 11/4 cho biết quân đội nước này vẫn tiếp tục bảo vệ Mariupol trong bối cảnh giao tranh ác liệt giữa các lực lượng của Ukraie bên trong thành phố và bên ngoài là vòng vây của quân đội Nga và phe ly khai thân Nga.

Tướng Zaluzhny cho biết: "Mối liên kết với các đơn vị của lực lượng phòng thủ trấn giữ thành phố vẫn được duy trì ổn định. Tôi xin nhấn mạnh rằng việc tiến hành các hoạt động quốc phòng không phải là một chủ đề thảo luận công khai. Chúng tôi đang làm tất cả để giành chiến thắng và cứu sống các quân nhân và dân thường ở mọi nơi".

Trong ngày 11/4, ông Denis Pushilin, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (tự xưng) do Nga hậu thuẫn tuyên bố Nga và lực lượng ly khai đã kiểm soát cảng của Mariupol, tuy nhiên CNN chưa thể xác minh thông tin này.

Các quan chức Ukraine cho biết khoảng 100.000 dân thường vẫn kẹt lại trong thành phố Mariupol - nơi đã diễn ra giao tranh ác liệt và bị bắn phá nặng nề.

 

Mỹ hối thúc cả thế giới không mua vũ khí Nga

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thừa nhận những lo ngại của Washington trước các đơn hàng năng lượng của Nga và cho biết, chính quyền của Tổng thống Biden "đang đề nghị các đồng minh, đối tác không tăng mua năng lượng từ Nga".

Ngoài ra, nhà ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh, Mỹ hối thúc tất cả các nước tránh đặt các đơn hàng vũ khí mới từ Nga sau những gì Nga đã làm ở Ukraine.

Hiện Washington vẫn đang cân nhắc cấm vận nhằm vào Ấn Độ vì nước này đặt mua hệ thống phòng không S-400 tân tiến của Moscow.

Quan chức Ukraine tuyên bố đã phá hủy một kho vũ khí của Nga ở vùng Lugansk

 

Đài CNN (Mỹ) đưa tin, trích dẫn bài đăng trên Facebook của ông Serhii Haidai, người đứng đầu Cục quản lý quân sự khu vực Lugansk, cho biết các lực Ukraine đã phá hủy một "kho đạn" của Nga ở khu vực này.

CNN đã xác định vị trí của một đoạn video và những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội - được cho là hậu quả của đòn tấn công này. Các đoạn video và hình ảnh cho thấy những quả đạn và tên lửa cháy rụi nằm rải rác khắp mặt đất, còn ở phía xa là một cửa hàng thiết bị nông nghiệp.

Trong khi đó, theo một đoạn video được hãng RIA Novosti đăng tải, ông Roman Ivanov, một sĩ quan của lực lượng dân quân ly khai Cộng hòa Nhân dân (tự xưng) Lugansk (LPR) cho biết cuộc tấn công của Ukraine vào Novoaidar đã phá hủy "hơn 20 ngôi nhà, cùng với một nhà kho chứa đầy phân bón hóa học".

Ông Haidai đã bác bỏ cáo buộc của phía Nga rằng các lực lượng của Ukraine đang nhắm vào các khu dân cư.

Tổng thống Putin đối thoại kín với lãnh đạo EU về vấn đề Ukraine

 

Theo đài RT (Nga), hôm 11/4 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã có cuộc hội đàm kín tại dinh thự của nhà lãnh đạo Nga ở ngoại ô Moskva. Hai nhà lãnh đạo không trả lời họp báo chung và cũng không đưa ra tuyên bố chung sau cuộc đối thoại này.

Trả lời truyền thông Áo sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Nehammer cho biết cuộc đối thoại với Tổng thống Putin "không phải là chuyến thăm hữu nghị", mà "rất trực tiếp, cởi mở và cứng rắn". Ông Nehammer cho biết cuộc đối thoại này tập trung vào khía cạnh nhân đạo của cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Trước đó, hôm 9/4, Thủ tướng Nehammer đã đến thăm Kyiv, gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cũng như các quan chức cấp cao khác.

Trong chuyến thăm, nhà lãnh đạo Áo đã cam kết ủng hộ chính quyền Kyiv và xác nhận rằng các biện pháp trừng phạt sẽ được duy trì "cho đến khi chiến tranh dừng lại."

Ukraine: Cuộc gặp giữa ông Zelensky-Putin sẽ chỉ diễn ra sau trận đại chiến tại Donbas - Ảnh 5.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer

 

Mỹ hy vọng đồng minh không gia tăng nhập khẩu năng lượng từ Nga

Theo đài Sputnik, phát biểu sau cuộc hội đàm với các quan chức cấp cao của Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden hy vọng các đồng minh và đối tác của Mỹ sẽ không tăng cường mua năng lượng của Nga.

"Mỗi quốc gia có vị thế khác nhau, có nhu cầu và yêu cầu khác nhau, nhưng chúng tôi mong muốn các đồng minh và đối tác không tăng cường mua năng lượng của Nga", ông Blinken nhấn mạnh.

Hungary sẵn sàng mua khí đốt Nga bằng đồng rúp

Theo đài RT (Nga), Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm 11/4 vừa tuyên bố nước này sẵn sàng chấp nhận cơ chế thanh toán bằng đồng rúp mới được Nga đề ra nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cho đất nước.

Cụ thể, ông Szijjarto phát biếu trước báo giới: "Việc thanh toán bằng đồng rúp là giải pháp không vi phạm bất kỳ lệnh trừng phạt nào và sẽ đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt cho Hungary."

 

Quan chức này cũng cho biết thêm rằng thực tế, vào tháng 9 năm ngoái, điều khoản về lựa chọn thanh toán hóa đơn bằng một loại tiền tệ khác thay cho đồng euro đã được thêm vào hợp đồng giữa công ty con của tập đoàn năng lượng MVM của Hungary, CEE Energy, và Russian Gazprom Export.

Vào tháng 3, Moskva đã công bố cơ chế thanh toán mới đối với các quốc gia "không thân thiện" với Nga, theo đó các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga vì hoạt động quân sự của nước này ở Ukraine sẽ phải thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.

Moskva giải thích rằng các khách hàng "không thân thiết" sẽ phải lập tài khoản tại ngân hàng Gazprombank của Nga, nơi đơn vị tiền tệ mà họ lựa chọn sẽ được chuyển thành đồng rúp để mua khí đốt.

Tuy nhiên, Ủy ban Châu Âu đã thúc giục các quốc gia thành viên EU có hợp đồng yêu cầu thanh toán bằng đồng euro hoặc USD nên tuân thủ các kế hoạch thanh toán ban đầu của họ.

Ông Szijjarto nhấn mạnh rằng Hungary, quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga, phản đối cách tiếp cận chung này và coi vấn đề là vấn đề do mỗi quốc gia EU tự quyết định.

 

Trước đó, Thủ tướng Hungary Victor Orban cho biết đất nước của ông sẽ không nhượng bộ trước áp lực của EU và sẽ không ủng hộ các hạn chế đối với nguồn cung năng lượng từ Nga vì đây là "ranh giới đỏ" đối với Hungary.

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm