Vì sao Hàn Quốc muốn áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nữ giới?
Nga đánh bại kế hoạch quân sự hóa không gian của Mỹ / Cuộc chiến tàu sân bay Mỹ-Trung trong mắt một chuyên gia quân sự Nga
Duy trì một quân đội hùng mạnh từ lâu đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Hàn Quốc – quốc gia luôn lo lắng về mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên. Để xây dựng một lực lượng luôn sẵn sàng chiến đấu, Hàn Quốc đã thực thi chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc kéo dài nhất trên thế giới. Nhưng hiện giờ nước này đang đối mặt với một vấn đề, đó là số lượng nhân lực đủ điều kiện nhập ngũ đang trên đà giảm nhanh.
Mối lo từ thực trạng dân số giảm
Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất trong số các nước phát triển. Theo đánh giá của quân đội, số lượng binh sỹ của nước này vào năm 2022 có thể giảm đi 1/6 so với một vài năm trước đó. Trong 2 thập kỷ tới, ước tính con số này sẽ chỉ bằng một nửa so với thời điểm hiện tại.
Nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt quân số - ông Park Yong Jin, một nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ cầm quyền – người có tham vọng tranh cử tổng thống, đã ủng hộ việc bãi bỏ quy chế bắt buộc nam giới phải nhập ngũ trong 18 tháng. Thay vì đó, ông đề xuất tất cả các công dân trẻ - cả nam lẫn nữ đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
“Sự tham gia của nữ giới sẽ giúp Hàn Quốc có được một lực lượng dự bị mạnh mẽ”, ông Park Yong Jin phát biểu trong một cuộc phỏng vấn. Nghị sỹ này cho biết, đề xuất của ông sẽ giúp số lượng binh sỹ dự bị gia tăng gấp 7 lần so với mức hiện tại.
Dẫu vậy, đề xuất của ông Park Yong Jin đã làm dấy lên những tranh cãi về tương lai của quân đội cũng như vai trò của phụ nữ trong các lực lượng vũ trang và xã hội ở Hàn Quốc.
Ý tưởng sửa đổi yêu cầu về nghĩa vụ quân sự đã giành được sự chú ý trên toàn quốc sau khi ông Park Yong Jin đề cập vấn đề này trong cuốn sách mang tên “Cách mạng chính trị”. Cùng ngày cuốn sách được xuất bản vào tháng 4, một bản kiến nghị yêu cầu đưa nữ giới tham gia nghĩa vụ quân sự đã được đăng tải trên trang web của Tổng thống Hàn Quốc.
Bản kiến nghị đã nhận được gần 300.000 chữ ký, đủ điều kiện yêu cầu chính phủ phải trả lời trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, Tổng thống Moon Jae-in vẫn chưa đưa ra lập trường về vấn đề này. Trước đó, đảng cầm quyền của ông đã bị đánh bại trong hai cuộc bầu cử thị trưởng thời gian gần đây, một phần do thiếu sự ủng hộ của các cử tri trẻ tuổi.
Xuất phát từ động cơ chính trị?
Theo WSJ, ý tưởng mới có thể nằm trong chiến lược của ông Park Yong Jin nhằm giành được lợi thế chính trị. Còn nhớ, Tổng thống Moon Jae-in đã từng thu hút được sự ủng hộ của các cử tri nam trẻ tuổi với đề xuất cắt giảm thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Hàn Quốc nằm trong số những quốc gia có thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc lâu nhất thế giới – dài 18 tháng, chỉ sau Singapore, Thái Lan và Israel và Triều Tiên. Triều Tiên quy định thời gian nhập ngũ bắt buộc với nam giới là 10 năm và với nữ giới là 7 năm.
Tại Hàn Quốc, trừ một số trường hợp ngoại lệ, những thanh niên khỏe mạnh trước tuổi 28 buộc phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Quốc gia này có khoảng 550.000 quân nhân tại ngũ và 2,7 triệu quân nhân dự bị khác, song những con số này đã bị giảm đáng kể trong những năm gần đây do tỷ lệ sinh liên tiếp ở mức thấp.
Nhân khẩu học không phải là một yếu tố có lợi đối với Hàn Quốc. Dân số Hàn Quốc giảm lần đầu tiên vào năm 2020 sau khi tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp lịch sử là 0,84. Đây cũng là mức thấp nhất trong số các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Để đối phó với tình trạng quân số ngày càng giảm, quân đội Hàn Quốc có kế hoạch nâng cấp về công nghệ và trang thiết bị chẳng hạn như sử dụng máy bay không người lái được trang bị vũ khí và tăng cường tuyển dụng nữ giới. Quân đội nước này vẫn chưa đưa ra ý kiến về đề xuất thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự với nữ giới, đồng thời cho rằng vấn đề nên được xem xét một cách toàn diện và cần được sự ủng hộ của công chúng.
Bạo lực và xâm hại tình dục
Trong khi đó, mối quan tâm hàng đầu của phụ nữ Hàn Quốc và các nhóm ủng hộ quyền lợi của nữ giới là liệu quân đội có đảm bảo cho họ được an toàn trước tình trạng bạo lực hay xâm hại tình dục, khi họ tham gia các khóa đào tạo cơ bản dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn hay không.
Quân đội Hàn Quốc cho biết, vào tháng 5 vừa qua, một nữ trung sĩ không quân đã tự tử sau khi cô bị đồng nghiệp quấy rối tình dục. Vụ việc đã khiến quân đội Hàn Quốc hứng chịu nhiều chỉ trích vì không có biện pháp bảo vệ tốt hơn để giúp các nữ quân nhân chống lại hành vi quấy rối và lạm dụng tình dục. Hôm 3/6, một tòa án quân sự đã ban hành lệnh bắt giữ một nam trung sỹ không quân bị tình nghi phạm tội quấy rối. Bộ Quốc phòng – cơ quan chịu trách nhiệm bắt giữ nghi phạm theo yêu cầu của tòa án, đã từ chối đưa ra các bình luận về nghi phạm này.
Kim Eun-ju, giám đốc điều hành Trung tâm Chính trị và Phụ nữ Hàn Quốc, cho rằng, kế hoạch cải tổ quân đội phải bao gồm cả việc thực thi các biện pháp bảo vệ tốt hơn giúp các nữ quân nhân chống lại bạo lực và quấy rối tình dục. Điều này cần phải trở thành ưu tiên chính, đặt lên trên cả các cuộc tranh luận về nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nữ giới.
Một cuộc thăm dò do Viện Ý kiến Xã hội Hàn Quốc thực hiện cho biết, khoảng một nửa số người được hỏi ủng hộ đề xuất thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nữ giới trong khi nửa còn lại phản đối. Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ đa số từ những người trong độ tuổi 20, 30.
End of content
Không có tin nào tiếp theo