Quốc tế

Vì sao hiện nay đất đai Campuchia còn lẫn rất nhiều bom mìn?

Một bộ phận lớn diện tích Campuchia hiện nay vẫn khó tiếp cận. Một nguyên nhân quan trọng là tình trạng ô nhiễm bom mìn ở quốc gia này.

Nếu bom hạt nhân dội xuống Hạ Môn / Vì sao Mỹ dội pháo uy lực khủng khiếp chỉ kém bom nguyên tử xuống Syria?

Đất nước Campuchia nằm ở Đông Nam Á, bên bờ vịnh Thái Lan. Phần lớn diện tích đất của quốc gia này là rừng núi và khó tiếp cận do cơ sở hạ tầng kém cũng như bom mìn còn sót lại từ thời kỳ chiến tranh.

Lịch sử Campuchia gắn chặt với lịch sử khu vực, với nhiều năm bất ổn chính trị, căng thẳng, nội chiến, chiến tranh thực dân, và các xung đột biên giới quốc tế.

Các vỏ bom thu được từ chiến trường Campuchia và được trưng bày tại 1 cơ sở của CMAC. Ảnh: Trung Hiếu/VOV.VN.

Các vỏ bom thu được từ chiến trường Campuchia và được trưng bày tại 1 cơ sở của CMAC. Ảnh: Trung Hiếu/VOV.VN.

Do tác động từ nhiều phong trào địa chính trị, Campuchia đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh, với hậu quả là hàng triệu người chết, nền kinh tế và cơ sở hạ tầng bị tổn thất sâu rộng. Một hậu quả lớn từ các xung đột này là tình trạng bom mìn còn lẫn nhiều trong đất đai (gọi là tình trạng ô nhiễm bom mìn), tiếp tục đe dọa tính mạng người dân.

Các vật liệu đã nổ thì tạo ra những mảnh vỡ rải rác khắp nơi. Các vật liệu chưa nổ thì vẫn còn nguyên, trực chờ phát nổ bất cứ lúc nào.

Thế chiến 2 và Chiến tranh Đông Dương

Khi Thế chiến 2 bắt đầu, Campuchia đã bị liên lụy, với cảnh bom rơi đạn nổ. Khi Thế chiến 2 kết thúc, lại xuất hiện Chiến tranh Đông Dương lần 1 rồi lần 2. Thời kỳ gây thiệt hại nhất cho Campuchia (về mặt chiến tranh) là từ năm 1970 đến 1975, khi 539.129 tấn bom được ném từ máy bay xuống lãnh thổ Campuchia. Di sản của hoạt động ném bom thời kỳ này vẫn còn tới tận ngày nay, khi mà theo ước tính có hàng ngàn quả bom chưa phát nổ nằm âm thầm trong lòng đất.

Quân đội Mỹ đã đẩy mạnh nhiều hoạt động quân sự từ năm 1969 đến 1973, thả hàng tấn bom và gài rất nhiều mìn ở nước Campuchia trung lập.

 

Sau khi tướng Lon Nol đảo chính lật đổ Hoàng thân Norodom Sihanouk vào năm 1970, chiến tranh giữa các lực lượng và chế độ Lon Nol (được Mỹ chống lưng) đã khiến cho thêm nhiều nơi của Campuchia hứng chịu đau thương.

Lực lượng Khmer Đỏ dùng mìn cho mục đích quân sự và bảo vệ những hợp tác xã nông nghiệp ở “vùng giải phóng” của họ. Các lực lượng của Lon Nol phụ thuộc lớn vào mìn để bảo đảm việc phòng thủ cho đến khi nội chiến kết thúc.

Giai đoạn Khmer Đỏ cầm quyền và nội chiến Campuchia sau đó

Khi nắm chính quyền trong giai đoạn 1975-1979, Khmer Đỏ cho gài rất nhiều mìn dọc theo biên giới Campuchia với Việt Nam và Thái Lan, biến Campuchia thành một “nhà tù không tường”.

Sau năm 1979, chiến tranh du kích tiếp diễn ở Campuchia. Mìn được sử dụng rộng rãi bởi tất cả các nhóm đối địch dọc theo các giới tuyến như một phương tiện để bảo vệ lãnh thổ, dồn ép đối phương vào vị thế bất lợi.

 

Bắt đầu từ năm 1985, hàng triệu quả mìn đã được chôn dọc theo biên giới với Thái Lan nhằm tạo ra bức rào chắn dài 600km trong một kế hoạch đặc biệt.

Sau khi quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi vào năm 1989, một khoảng trống quân sự xuất hiện. Quân đội chính phủ Campuchia đã gài một lượng lớn mìn để khống chế lực lượng kháng cự ở biên giới Thái Lan. Đến lượt mình các chiến binh đối lập đã mở một cuộc tiến công còn lớn hơn cả thời kỳ chiến tranh trước đó, và gài mìn sâu bên trong lãnh thổ Campuchia.

Kể cả sau cuộc bầu cử năm 1993, các lực lượng chính phủ Campuchia và phiến quân Khmer Đỏ vẫn tiếp tục sử dụng mìn để đối phó lẫn nhau.

Gài mìn vô tội vạ

Một thực tế phổ biến trong các năm tháng chiến tranh ở Campuchia là người ta gài mìn dày đặc hơn mức cần thiết và gài mìn không chỉ ở chiến trường mà cả khu vực dân cư sinh sống.

 

Đã vậy người ta nói chung lại không vẽ bản đồ bãi mìn, và do vậy việc gài mìn vẫn tiếp diễn cả ở những khu vực đã gài mìn! Mùa mưa ở Campuchia làm cho các trái mìn dịch chuyển hoặc bị chôn vùi, khiến cho việc định vị và rà phá mìn càng trở nên phức tạp hơn nữa.

Trong bối cảnh đó Campuchia đã phải thành lập một cơ quan đặc biệt chuyên về khắc phục tình trạng ô nhiễm bom mìn ở nước này. Cơ quan đó là Trung tâm Hành động Bom mìn Campuchia, viết tắt theo tiếng Anh là CMAC.

ra đời vào năm 1992 trong thời kỳ Campuchia nằm dưới sự giám sát của Cơ quan Chuyển tiếp Liên Hợp Quốc (UNTAC), nhằm giúp hàng ngàn người tị nạn Campuchia có thể quay trở về quê nhà một cách an toàn.

CMAC trở thành một cơ quan độc lập ở cấp quốc gia vào năm 2000 và phát triển hàng loạt chương trình như nâng cao nhận thức về mìn, thông tin về bãi mìn, và huấn luyện kỹ năng rà phá bom mìn.

Theo Trung Hiếu/VOV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm