Vì sao lực lượng Nga bị Ukraine phục kích dễ dàng? Những lỗ hổng chiến lược
Tổng thống Biden gọi nhầm Phó Tổng thống Harris là "đệ nhất phu nhân" / Xác định danh tính bé gái “Little Miss Nobody” bị sát hại bí ẩn 62 năm trước
Xe tăng Nga bị phía Ukraine phục kích khi áp sát thủ đô Kiev: Ảnh: Reuters
Theo tờ New York Times, Brovary chỉ cách trung tâm thành phố Kiev khoảng 14km và cuộc giao tranh trên đường cao tốc M01 hôm 9/3 đã cho thấy lực lượng Nga đã tiến sát đến mức nào khi họ tiếp tục thắt chặt "thòng lọng" vào thủ đô của Ukraine.
Lực lượng Nga hôm 11/3 đã tiếp tục tìm cách áp sát Kiev, với cuộc chiến ở phía tây bắc và phía đông, chủ yếu là các trận giao tranh giằng co ác liệt để giành quyền kiểm soát các thị trấn nhỏ và đường xá.
Xe tăng Nga bị bỏ lại trong một khu rừng ở Ukraine. Ảnh: Twitter
Nhưng cuộc tấn công của quân đội Ukraine ở Brovary cũng đã cho thấy những thách thức chiến lược - và cả những sai lầm chiến lược - đã khiến các lực lượng Nga bị phục kích và cho đến nay vẫn chưa giành được quyền kiểm soát hầu hết các thành phố lớn cho đến nay.
Vì sao quân Nga bị phục kích dễ dàng?
Mặc dù lực lượng Nga lớn mạnh và tối tân hơn rất nhiều so với quân đội Ukraine, nhưng chính quy mô này và nhu cầu sử dụng các con đường lớn trong tác chiến khiến họ kém cơ động hơn và dễ bị mai phục.
Thực tế là quân đội Ukraine có thể pháo kích từ khoảng cách vài km cùng với các cuộc phục kích.
"Tác chiến ở đô thị không bao giờ là dễ dàng. Và với lực lượng quân đội Nga cũng vậy. Tôi nghĩ là họ chưa có nhiều chiến lược vào thời điểm này" -NY Times dẫn lời Tor Bukkvol, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy, nhận định.
Giới chức Ukraine đã công bố các video cho thấy vũ khí, khí tài của lực lượng Nga như xe tăng hay xe bọc thép… bị lực lượng không quân nước này phục kích và tấn công ở bên ngoài thủ đô Kiev hôm 9/3.
Đoạn video được công bố vào ngày 10/3, ngay sau khi ngoại trưởng Nga và Ukraine gặp nhau tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, cho thấy một đoàn gồm 30 xe tăng và đơn vị hỗ trợ, cũng như hệ thống pháo phản lực TOS-1 tối tân đều "chìm trong khói lửa".
Hình ảnh đó tạo ấn tượng rằng xe tăng Nga đã bị hư hại trong các cuộc tấn công bằng pháo của phía Ukraine.
Khi đoàn xe tăng Nga đang tiến về vùng ngoại ô Brovary, nằm cách Kiev khoảng 35 km thì bị lực lượng Ukraine nã pháo không ngừng. Các vụ nổ có thể được nhìn thấy cả trên đường và các cánh đồng ở phía xa.
Hai chiếc xe tăng được nhìn thấy ở bên đường, trong khi những chiếc khác ở xa hơn bên trong khu ngoại ô bị chôn chân gây ra tình trạng tắc đường, khi chúng bị pháo kích.
Illia Berezenko - một binh sĩ Ukraine đã chứng kiến vụ phục kích đoàn xe quân sự Nga từ khoảng cách xa - cho biết, phía Ukraine nhắm vào chiếc xe đầu tiên và cuối cùng trong đoàn xe với hy vọng khiến những chiếc ở giữa mắc kẹt.
Tuy nhiên, vụ phục kích chỉ thành công một phần. Video do máy bay không người lái ghi lại cuộc phục kích cho thấy trong khi một số xe bốc cháy, nhiều xe khác vẫn lao đi.
Ở góc độ của một binh sĩ, ông Berezenko cho rằng, vụ phục kích cho thấy tính toán sai lầm của Nga khiến đoàn xe của họ trở thành mục tiêu dễ dàng bị tấn công.
"Pháo binh đi trước rồi mới đến xe tăng. Toàn bộ kịch bản chiến thuật thật kỳ lạ và khó hiểu", ông Berezenko nói. "Tôi không biết tại sao họ lại làm điều đó. Có thể họ có tính toán khác. Có thể họ muốn làm chúng tôi bối rối. Không ai biết?".
Do "chiến thuật kém"?
Các chuyên gia quốc phòng đã chỉ ra một "chiến thuật yếu kém" của quân đội Nga sau khi video xuất hiện.
Một trạm kiểm soát của Ukraine dọc theo đường cao tốc ở Brovary sau giao tranh dữ dội giữa quân đội Nga và Ukraine. Ảnh: New York Times
"Đây không phải là quân đội Nga mà chúng tôi huấn luyện để chiến đấu", một cựu chỉ huy quân đội Anh nói với Daily Telegraph.
Chuyên gia Franz-Stefan Gady thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết "Tác chiến ở đô thị không bao giờ là dễ dàng. Cuộc chiến này cho thấy nguy cơ không đảm bảo được địa hình đô thị với đầy đủ bộ binh cùng với khả năng trinh sát khi các lực lượng liên tục bị phục kích".
Phân tích đoạn video do bộ phận R&D của quân đội Áo công bố cho biết, đoàn xe này là một phần của Nhóm Chiến thuật Chiến đấu quy mô lớn hơn của Nga (BTG).
Lực lượng xe tăng bao gồm BMP-1 của Nga (xe đổ bộ của Liên Xô), xe tăng T-72 thời Liên Xô, xe bọc thép chở quân BTR-82 hiện đại nhất của Lực lượng vũ trang Nga hiện nay và TOS-1 Buratino, các bệ phóng bom chân không.
Tất cả các xe tăng đều bị mắc kẹt tại một hành lang chặt chẽ khiến chúng trở thành mục tiêu của pháo binh Ukraine.
Một đoàn xe quân đội Nga bốc cháy sau khi bị phục kích trong những ngày đầu của cuộc giao tranh ở Ukraine. Ảnh: Twitter
Ông Ben Barry, cựu chỉ huy xe tăng của quân đội Anh và là chuyên gia về tác chiến trên bộ tại IISS nói với tờ Guardian: "Có thể lực lượng Nga lúc đó nghĩ rằng họ đang đi qua một khu vực an toàn, hoặc có thể họ không được huấn luyện kỹ, hoặc họ đang di chuyển nhanh chóng để thực hiện một số yêu cầu khác".
Căn cứ vào tính chất quan sát được từ các vụ nổ, theo ông Barry, xe tăng và các xe bọc thép khác của Nga có thể đã bị tấn công bằng pháo hoặc súng cối.
Hai phương tiện đã bị phá hủy trong cuộc giao tranh, nhưng các nhà phân tích cho biết, những chiếc khác có thể đã bị hư hại do các cuộc không kích.
"Không bình thường khi triển khai quân theo cách này", Remi Landry, một trung tá đã nghỉ hưu của Trung đoàn Hoàng gia 22E và là giáo sư tại Đại học Sherbrooke, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với TVA Nouvelles.
Ông cũng giải thích rằng, tên lửa vác vai Javelin do NATO cung cấp đang được binh lính Ukraine và các chiến binh kháng chiến sử dụng đã hoạt động rất hiệu quả trong chiến lược bắn hạ máy bay và các vũ khí khí tài của Nga.
Ngoài ra, ông Landry thắc mắc tại sao quân đội Nga lại tiến hành tấn công cùng lúc nhiều thành phố vì tác chiến đô thị rất khó khăn và đòi hỏi một số lượng lớn quân.
"Theo kinh nghiệm của tôi và kinh nghiệm trong tất cả lịch sử quân sự, tác chiến đô thị có lẽ là hoạt động khó khăn nhất đối với một lực lượng tấn công", ông Landry nhấn mạnh.
"Chính vì lý do này mà các chuyên gia quân sự tự hỏi tại sao quân đội Nga lại tấn công nhiều thành phố cùng một lúc".
Hiện chưa rõ toàn bộ quy mô tổn thất mà lực lượng Nga và Ukraine phải gánh chịu.
Trong khi đó, theo số liệu của trang giám sát Oryx (chuyên theo dõi tổn thất bằng cách sử dụng bằng chứng hình ảnh hoặc video), Nga đã mất 1091 phương tiện so với 294 của Ukraine.
Oryx cho biết đối với xe chiến đấu bọc thép của Nga, con số là 102. Còn Ukraine đã mất 47 xe tăng và 39 xe chiến đấu bọc thép.
End of content
Không có tin nào tiếp theo