Vì sao Mỹ bất ngờ muốn bán “lá chắn” phòng không Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ?
Thổ Nhĩ Kỳ ra tối hậu thư, ép Mỹ làm điều này ở Syria / Syria: Người Kurd dồn dập tấn công quân Thổ Nhĩ Kỳ, gây thương vong nặng nề
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) ngày 18/12 thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đồng ý với thương vụ trị giá 3,5 tỷ USD bán hệ thống tên lửa Patriot và các thiết bị đi kèm cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cơ quan này nói rằng Patriot sẽ giúp Ankara trong việc đối phó với tình trạng bất ổn trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo với Quốc hội về thương vụ trên. Nếu Quốc hội Mỹ không có ý kiến phản đối, thương vụ sẽ được thông qua.
Trong một thời gian dài, Mỹ không đồng ý bán tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ dù Ankara nhiều lần bày tỏ mong muốn sở hữu tên lửa tối tân này. Washington đã không ít lần đưa ra các lý do khác nhau để khước từ Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, thông báo của Mỹ được coi là khá bất ngờ.
Chuyên gia an ninh và chống khủng bố Abdullah Ağar, cựu sĩ quan đặc nhiệm thuộc Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Ankara hiện thời đang theo đuổi chính sách quốc phòng và đối ngoại ngày càng độc lập và Washington dường như không an tâm về điều này khi Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang là thành viên của NATO.
“Có một hệ thống lá chắn mạnh mẽ được tạo thành từ các tổ hợp S-300 và S-400 của Nga ở khu vực nằm giữa biển Barents và kênh đào Suez nhằm mục tiêu răn đe Mỹ và đó có thể là lý do Mỹ muốn bán Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Ağar nói.
Ông Sergei Zheleznyak, quan chức ủy ban đối ngoại thuộc Hạ viện Nga cho hay Mỹ dường như quan ngại sẽ mất “miếng bánh” vũ khí phòng không ở thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và cũng để ngăn Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
“Mỹ đang muốn chặn thương vụ Nga bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vì vậy họ mới nhanh chóng đồng ý bán Patriot cho Ankara. Washington có thể đang quan ngại họ sẽ không bán được tên lửa phòng thủ (sau vụ S-400), họ thực sự hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục mua vũ khí Mỹ”, ông Zheleznyak phân tích.
Trước đó, Mỹ từng đưa ra lý do phản đối Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 vì nhận định hệ thống này không tương thích với vũ khí NATO. Washington cũng cảnh báo sẽ trừng phạt Ankara, ngừng bàn giao máy bay chiến đấu F-35 theo hợp đồng vì quan ngại S-400 của Nga có thể sẽ thu thập được thông tin nhạy cảm của các máy bay Mỹ khi kết hợp với nhau.
Chính trị gia Zheleznyak cho hay trong thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện mình như một “người chơi” độc lập trên trường quốc tế. Mặc dù họ là thành viên NATO, nhưng quyết định mua S-400 thể hiện rằng họ đang theo đuổi chính sách đối ngoại tự chủ trong việc bảo vệ chủ quyền. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ mua hệ thống S-400 của Nga vì họ cần phải bảo vệ lãnh thổ trước mối đe dọa bị tấn công và cũng vì họ không thể mua hệ thống phòng thủ từ Mỹ.
Yury Shvytkin, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga nói việc Thổ Nhĩ Kỳ mua Patriot là quyết định nội bộ của Ankara và Moscow sẽ không đưa ra ý kiến về vấn đề này.
Theo ông Shvytkin, dù động thái bất ngờ của Mỹ có liên quan tới thương vụ S-400 hay không thì điều này cũng không làm ảnh hưởng tới tiến độ Nga bàn giao hệ thống phòng không cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh hợp đồng này đang được thực hiện.
Ông cũng khẳng định Nga luôn sẵn sàng đối thoại và tôn trọng mối quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Moscow và Ankara vì lợi ích chung. Quan chức này cũng nhận định ngoài hợp đồng S-400, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tìm được mối quan tâm chung trong vấn đề Trung Đông và điều này có thể giúp nâng tầm quan hệ song phương giữa 2 nước.
Trong một diễn biến có liên quan, hãng Bloomberg dẫn 2 nguồn thạo tin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã gợi ý rằng các chuyên gia kỹ thuật Mỹ có thể tìm hiểu về hệ thống S-400 Ankara mua của Nga. Đề xuất này được cho là nhằm “kiểm soát những tổn hại” trong quan hệ ngoại giao Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ phát sinh từ thương vụ mua tổ hợp phòng không.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định hợp đồng hợp tác mua bán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã có điều khoản quy định rõ về việc không tiết lộ những thông tin nhạy cảm. Ông nói rằng hiện thời Nga chưa tìm được lý do nào để không thể tin cậy Thổ Nhĩ Kỳ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo