Quốc tế

Vì sao Mỹ quyết định chấm dứt "Kỷ nguyên Tomahawk"?

DNVN - Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra thông báo về việc ngừng sản xuất mới tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk mà chỉ tập trung hiện đại hóa số lượng còn tồn kho, nguyên nhân của hành động trên xuất phát từ đâu?

Tiêm kích F-35I Israel hết đường lẩn tránh khi Iran nhận radar chống tàng hình cực mạnh / Nga tiếp tục cho MiG-31K mang "dao găm" Kh-47 tái xuất

Tên lửa hành trình tấn công mặt đất BGM-109 Tomahawk (TLAM) là một trong những vũ khí nổi tiếng nhất của Mỹ, có mặt trong tất cả các chiến dịch quân sự mà Mỹ từng phát động thời gian gần đây.

Chính vì vậy mà tên lửa hành trình Tomahawk đã được nhận một biệt danh nghe rất "kêu" và phản ánh hoàn toàn chính xác vai trò của nó chính là "Sứ giả chiến tranh".

Trong tương lai gần, tên lửa hành trình Tomahawk vẫn được coi là vũ khí tấn công phủ đầu chủ chốt và thiết yếu của Hải quân Hoa Kỳ.

Cho nên thông báo gần đây của Lầu Năm Góc về việc sẽ ngừng sản xuất mới tên lửa hành trình Tomahawk mà chỉ tập trung hiện đại hóa số lượng còn tồn kho đã gây ra không ít thắc mắc.

Tên lửa hành trình tấn công mặt đất BGM-109 Tomahawk. Ảnh: National Interest.

Tên lửa hành trình tấn công mặt đất BGM-109 Tomahawk. Ảnh: National Interest.

Hầu hết các ý kiến đều liên tưởng đến trận tấn công vào lãnh thổ Syria hồi tháng 4/2018, tên lửa Tomahawk bị báo chí Nga và Syria tuyên bố rằng có tới 71 quả bị bắn hạ.

Mặc dù Mỹ bác bỏ thông tin trên nhưng dễ nhận thấy rằng tên lửa Tomahawk không còn là "con ngáo ộp" đáng sợ như thời kỳ thập niên 1980 - 1990 nữa.

Một vấn đề nữa được nhắc tới, phải chăng Tomahawk bị ngừng sản xuất vì giá thành quá cao, tuy nhiên khả năng này cũng đã bị bác bỏ.

Đơn giá trung bình của tên lửa Tomahawk là hơn 1 triệu USD/quả, tuy nhiên trong gói thầu lớn sản xuất 2.000 quả TLAM Block IV cho Quân đội Mỹ, Tập đoàn Lockheed Martin đã hạ được giá bán xuống chỉ còn 0,5 triệu USD, rẻ hơn mọi loại vũ khí tấn công tầm xa khác.

 

Nếu như hiệu quả tác chiến hoặc đơn giá của Tomahawk không phải là yếu tố quyết định thì nguyên nhân thực dẫn đến quyết định ngừng sản xuất mới là do đâu?

Tên lửa hành trình không đối đất AGM-158 JASSM sẽ thay thế vai trò của Tomahawk. Ảnh: Business Insider.

Tên lửa hành trình không đối đất AGM-158 JASSM sẽ thay thế vai trò của Tomahawk. Ảnh: Business Insider.

Như mọi loại vũ khí khác, Tomahawk cũng có vòng đời sử dụng, kể từ khi vào biên chế năm 1983, TLAM đã phục vụ ròng rã 36 trong Quân đội Mỹ và đã đến lúc phải thay thế bằng vũ khí mới nhiều ưu điểm hơn.

 

Phương tiện mới thay thế Tomahawk không phải ai khác mà chính là tên lửa hành trình không đối đất tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM và JASSM-ER.

Tên lửa mới của Mỹ mặc dù tầm bắn ngắn hơn một chút so với Tomahawk nhưng lại ưu việt hơn ở khả năng tàng hình, khiến mạng lưới radar cảnh giới của đối phương phải đau đầu đối phó với độ khó cao hơn nhiều khi đặt cạnh Tomahawk.

Phương tiện mang phóng nó cũng có độ linh hoạt cao hơn hẳn, khi chỉ cần huy động máy bay chiến đấu thông thường chứ không phải là những biên đội tàu chiến lớn và cồng kềnh.

Đòn tấn công bằng tên lửa AGM-158 JASSM có thể đến linh hoạt từ mọi hướng, tùy theo đường bay của chiến đấu cơ chứ không thể đoán trước dễ dàng như Tomahawk là từ biển vào.

Bên cạnh AGM-158 JASSM của Không quân, Hải quân Mỹ đang phát triển loại tên lửa hành trình thế hệ mới tạm gọi tên là NGLAW, công việc được cho là đang tiến triển thuận lợi và vũ khí này sẽ sớm đi vào hoạt động.

 

Bởi vậy quyết định ngừng sản xuất mới Tomahawk của Mỹ cũng dễ hiểu, số tồn kho đủ để đảm bảo cho họ triển khai các hoạt động quân sự thêm nhiều năm nữa, đến khi tên lửa mới chính thức được triển khai.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm