Vì sao siêu tiêm kích Su-57 đắt tiền, vẫn đắt khách?
Đến giờ Nga vẫn vòng vo về thời gian hoàn thiện động cơ tiêm kích Su-57 / Trung Quốc gây sốc khi ngỏ ý muốn mua tiêm kích Su-57 của Nga
Theo tin từ hãng Itar-Tass, chiếc Su-57 gặp nạn khi đang thực hiện chuyến bay thử nghiệm ở độ cao 8.000m.
"Hệ thống điều khiển tự động trục trặc, chiếc phi cơ lao xuống đất theo vòng xoáy. Nó mất độ cao và rơi xuống. Phi công đã cố gắng tắt chế độ bay tự động với hy vọng lấy lại độ cao không thành. Ở độ cao 2.000m, phi công quyết định bật ghế phóng thoát hiểm", nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết. Trong khi đó, tờ Moscow Time đưa tin, chiếc Su-57 gặp nạn ở phía Đông Nam Siberia.
Đây là vụ tai nạn đầu tiên đối với Su-57, còn được biết đến dưới tên định danh nội bộ của nhà sản xuất T-50 và tên mã báo cáo NATO là "Felon" kể từ khi nó lần đầu xuất hiện vào tháng 1 năm 2010. Đến năm 2017, 10 chiếc Su-57 đã được lắp ráp và bay thử nghiệm.
Siêu tiêm kích Su-57 của Nga đang được nhiều quốc gia quan tâm. |
Chiếc bị rơi lần này là máy bay thứ 11 và là chiếc tiêm kích đầu tiên do nhà máy KnAAPO và lực lượng không quân và không gian Nga (VKS) hợp tác sản xuất. Cũng theo tin từ tờ Moscow Time, nhà máy KnAAPO đã bắt đầu chuẩn bị cho việc sản xuất hàng loạt Su-57 từ năm 2013, nhưng vào năm 2017-2018, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định hoãn lại, cho rằng Su-35S đã được chứng minh ở Syria nên tạm ngừng sản xuất Su-57.
Tại diễn đàn quân sự - kỹ thuật quân sự 2018, Bộ Quốc phòng Nga chỉ đặt một đơn hàng nhỏ, một động thái khiến nhiều người ngạc nhiên. Và Tổng thống Vladimir Putin đã can thiệp vào tháng 5 năm 2019, tuyên bố mua 76 máy bay. Hợp đồng tương ứng đã được ký kết tại triển lãm Army 2019. Ông Vladimir Putin đã cùng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đích thân kiểm tra chiếc Su-57E có thể xuất khẩu tại MAKS 2019 và xác nhận rằng loại tiêm kích này đủ tiêu chuẩn để được nhận thông quan xuất khẩu.
Thực tế, Sukhoi Su-57 (hay PAK FA: Tổ hợp Hàng không Tương lai cho Không quân Chiến thuật) là mẫu máy bay phản lực chiến đấu tiên tiến thuộc thế hệ tiêm kích thứ năm của Nga được phát triển bởi hãng Sukhoi. Su-57 cũng là tiêm kích đầu tiên của quân đội Nga sẽ ứng dụng công nghệ tàng hình. Su-57 có chiều dài 19,8m, sải cánh dài 14m và chiều cao 6,05m.
Máy bay có trọng lượng rỗng là 18,5 tấn, và trọng lượng cất cánh tối đa có thể lên tới 37 tấn. Giới phân tích nhận định, Su-57 được thiết kế để cạnh tranh trực tiếp với chiếc F-22 Raptor của Mỹ và chiếc F-35 Lightning II liên doanh Mỹ, Anh, Israel, Italy, Hà Lan, Australia, Canada, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ.
Su-57 có khả năng bay siêu âm, tàng hình và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến để vượt qua các máy bay chiến đấu thế hệ trước cũng như phòng thủ trên mặt đất và hải quân. Giới chức không quân Nga còn dự định dùng Su-57 để thay thế MiG-29 và Su-27.
Các nguyên mẫu và lô sản xuất ban đầu của Su-57 được phân phối với động cơ Saturn AL-41F1 có sức đẩy trung bình là 93,1kN và 147kN sau khi đốt. Tuy nhiên, gần đây, Nga đã đưa ra loại động cơ thế hệ mới, hiện đại tiên tiến là Saturn izdeliye 30 có sức đẩy trung bình là 107kN và 176kN sau khi đốt. Nhờ vậy, Su-57 có thể đạt được vận tốc tối đa lên tới hơn 2.500 km/h (Mach 2+).
Theo trang mạng MilitaryWatch, nhờ tầm hoạt động xa và được trang bị các loại vũ khí hiện đại như tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzal hay R-37M Mach 6, Su-57 có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách hơn 4.700 km. Ngoài ra, Su-57 cũng là máy bay đầu tiên trên thế giới có thể sử dụng tên lửa không đối không Kh-77 với radar dẫn đường tích cực.
Ngay cả các máy bay tàng hình cơ động như F-22 (Mỹ) hay J-10C (Trung Quốc) cũng có thể bị radar của Su-57 phát hiện. Tuổi thọ của Su-57 dự kiến lên đến 35 năm. Tham vọng của Nga là sẽ xuất khẩu Su-57 trong khoảng thời gian 2025-2030 khi bắt đầu sản xuất đại trà. Dự kiến, không quân Nga sẽ nhận được hơn 70 chiếc siêu tiêm kích này và bắt đầu thực hiện các hoạt động quảng bá mạnh mẽ ở nước ngoài.
Để có thêm kinh phí nghiên cứu Su-57, Nga đã cùng hợp tác với Ấn Độ trong dự án FGFA nhằm chế tạo một phiên bản máy bay tàng hình hai chỗ ngồi. New Delhi đã đồng ý nhưng hợp đồng trị giá 9 tỷ USD chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình Ấn Độ thế hệ thứ năm trên cơ sở Su-57 đã bị tạm ngừng năm 2018.
Phía Ấn Độ đánh giá FGFA không đáp ứng được yêu cầu của họ. Su-57 được trang bị loại radar tiên tiến N036 Byelka "Con sóc", có tầm quét lên tới 400km, theo dõi 60 mục tiêu và đồng thời tấn công tiêu diệt 16 mục tiêu trong số đó. Ngoài ra, Su-57 còn được trang bị radar mảng băng L AESA với mục đích phát hiện mục tiêu tàng hình, cũng như nhiều thiết bị như tìm kiếm hồng ngoại, nhiễu hồng ngoại, radar quang học, thiết bị dẫn đường đất đối không…
Nhưng New Delhi cho rằng, máy bay phải trang bị các hệ thống radar hàng không có kích cỡ nhỏ nhưng lại có khả năng hoạt động ưu việt hơn so với dòng máy bay thế hệ 5 F-35 Lightning II của Mỹ. Mặt khác, thiết kế của FGFA cũng thiếu khả năng bảo dưỡng tổng đoạn theo từng mô-đun dẫn tới việc chi phí sử dụng và bảo dưỡng đắt đỏ trong tương lai. Bộ Quốc phòng Ấn Độ còn cho rằng FGFA không có bất kỳ công nghệ độc đáo nào hơn hẳn các máy bay phương Tây như F-35 và F-22.
Sự chậm trễ của chương trình FGFA có nguyên nhân bởi New Delhi và Moscow không đồng ý về nhiều khía cạnh cơ bản của dự án phát triển chung bao gồm chia sẻ công việc và chi phí, công nghệ máy bay cũng như số lượng máy bay được đặt hàng.
Sau khi đánh giá nguyên mẫu PAK FA T-50 Ấn Độ nhận thấy máy bay có hơn 40 vấn đề kỹ thuật, trong đó có những điểm yếu trong động cơ, tàng hình và vũ khí. Nguyên nhân quan trọng nhất được cho là Nga giữ kín sơ đồ thiết kế, không chuyển giao các công nghệ quan trọng cho Ấn Độ, trong khi Ấn Độ lại muốn tự nâng cấp máy bay chiến đấu mới mà không cần sự hỗ trợ của Nga trong tương lai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo