Quốc tế

Vì sao Syria chưa sử dụng S-300 dù hứng “mưa” tên lửa?

Liên tục phải đối phó với các cuộc tấn công tên lửa, tuy nhiên Syria dường như vẫn chỉ sử dụng các hệ thống phòng thủ cũ như Pantsir hay Buk, thay vì hệ thống S-300 được Nga cung cấp hồi cuối năm ngoái.

Tàu ngầm hạt nhân suýt đâm phà chở khách / Trung Quốc cảnh báo Mỹ về ý định dẫn độ "công chúa" Huawei

s-300.jpg

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 (Ảnh: RT)

Truyền thông Nga và Syria cho biết, liên tiếp trong hai ngày 20-21/1, hệ thống phòng không của Syria đã chặn được các cuộc tấn công bằng tên lửa nghi do Israel tiến hành nhằm vào thủ đô Damascus.

Bộ Quốc phòng Nga sau đó cho biết, Syria đã sử dụng thệ thống phòng không Pantsir và Buk để đánh chặn hơn 30 tên lửa hành trình và bom dẫn đường của Israel trong vòng 48 giờ. Thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm, các vụ tấn công này khiến 4 binh sĩ của Syria thiệt mạng, 6 người khác bị thương, trong khi cơ sở hạ tầng ở sân bay quốc tế Damascus bị hư hại.

Thông tin này làm dấy lên câu hỏi rằng, tại sao Syria không sử dụng S-300 để tăng tính hiệu quả đánh chặn tên lửa.

Tháng 9 năm ngoái, Nga tuyên bố sẽ cung cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-300 cho Syria sau khi hệ thống phòng không Syria bắn nhầm máy bay trinh sát Il-20 của Nga. Đến đầu tháng 10/2018, Nga xác nhận đã hoàn tất việc chuyển giao các thiết bị để lắp đặt S-300 cho Syria, gồm radar, thiết bị điều khiển, bệ phóng. Nga cũng gửi các hệ thống tác chiến điện tử mới cho Syria, trong đó có hệ thống có khả năng kiểm soát khu vực trong bán kính 50km và 200km. Ngoài ra, Moscow cũng hỗ trợ chuyên viên vận hành S-300.

Ba tổ hợp S-300 PMU-2 đã được chuyển đổi mã hóa từ tiếng Nga sang tiếng Ả rập và được kích hoạt hồi đầu tháng 11, truyền thông Syria cho biết. Kể từ đó đến nay, Syria liên tiếp đối mặt với các cuộc không kích nghi ngờ có liên quan đến Israel, tuy nhiên, S-300 vẫn “án binh bất động” để “nhường sân” cho các hệ thống cũ.

Các nhà quan sát cho rằng, vấn đề không phải do S-300 không hiệu quả. Một chuyên gia lấy biệt danh Tom Cat, cho rằng có thể ưu tiên hàng đầu của S-300 ở Syria là ngăn chặn các vật thể bay để hạn chế tối đa rủi ro cho dân thường ở các khu vực ngoại ô. “Nếu hiểu theo hướng này, mục đích của Syria sử dụng S-300 không phải để tấn công các máy bay của Israel”, chuyên gia Tom Cat bình luận.

Chuyên gia này cho rằng, Syria có thể sử dụng S-300 để ngăn chặn các mối đe dọa trực diện như tên lửa đạn đạo của đối phương, không phải cho các cuộc không kích như hôm 11/1 hay các cuộc không kích trước đó. “Mọi chuyện sẽ thay đổi khi S-300 được triển khai về phía nam bởi khi đó nó thực sự có thể theo dõi và khóa mục tiêu máy bay”, chuyên gia Tom Cat bình luận.

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, S-300 của Syria vẫn chưa thể vận hành đầy đủ trước tháng 2 năm nay.

S-300 là hệ thống phòng thủ tên lửa có thể hạ gục các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom chiến thuật tối tân được trang bị công nghệ tàng hình. S-300 cũng có thể đánh chặn các tên lửa hành trình Tomahawk - một trong những vũ khí tấn công chủ lực trên các tàu khu trục của Mỹ. Ngoài ra, S-300 cũng đủ khả năng đối phó với các tên lửa đạn đạo với tầm bắn lên tới 2.500 km và các tên lửa tầm trung được phóng từ các quốc gia láng giềng của Syria.
Hệ thống phòng không S-300 có thể hoạt động ngay cả khi bị cản trở bởi hệ thống gây nhiễu hoặc các phương tiện tác chiến điện tử khác của đối phương.


Vũ khí - khí tài
Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm