Quốc tế

Vì sao Trung Quốc khó kết bạn và không được lắng nghe?

Các quan chức Trung Quốc đang phải nỗ lực để giải bài toán cân bằng giữa việc làm hài lòng công chúng trong nước và nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế sau nhiều động thái cứng rắn của nước này.

Quý tử Barron Trump hiện giờ ra sao sau khi vắng mặt bất thường trong chuyến thăm của gia đình đến Vương quốc Anh / CLIP: Ông Trump phá vỡ quy tắc hoàng gia Anh khi gặp Thái tử Charles

Vì sao Trung Quốc khó kết bạn và không được lắng nghe? - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa dự Đối thoại Shangri-La (Ảnh: Reuters)

Chỉ mới tuần trước, một quan chức Trung Quốc đã nêu lên một câu hỏi gây tiếng vang lớn với các đồng nghiệp của ông: Khi Trung Quốc trỗi dậy, tại sao chúng ta không thể kết thêm bạn và tại sao tiếng nói của chúng ta không được lắng nghe?

Câu hỏi này có sức nặng hơn trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng. Các quan chức Trung Quốc đang nỗ lực để có thể làm hài lòng cả công chúng trong nước lẫn cộng đồng quốc tế.

Câu hỏi trên cũng gây chú ý tại Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh lớn tại Singapore vào cuối tuần trước, khi các quan chức Trung Quốc đối mặt với bài toán phải cân bằng giữa nhu cầu tỏ ra cứng rắn nhằm thỏa mãn công chúng trong nước với tinh thần dân tộc ngày càng cao, nhưng đồng thời cũng phải giữ hòa khí với cộng đồng quốc tế vốn luôn cảnh giác với chính sách phòng vệ và đối ngoại hung hăng của Bắc Kinh.

Đại tá Zhao Xiaozhuo, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Quân sự thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cho biết những kỳ vọng trên mâu thuẫn nhau tại Singapore.

“Hiện có hai luồng dư luận song song, gồm dư luận trong nước và dư luận quốc tế. Cả hai về cơ bản tách biệt nhau và ở hai thái cực khác nhau”, Đại tá Zhao nhận định.

 

“Đối thoại Shangri-La là nơi hai luồng dư luận xung đột với nhau. Với tư cách là phái đoàn Trung Quốc (tại diễn đàn), chúng tôi cần thể hiện lập trường của mình, nhưng ngày càng khó cân bằng (kỳ vọng của cả hai bên). Nếu chúng tôi cứng rắn, công chúng trong nước sẽ thỏa mãn, nhưng không được lòng dư luận quốc tế. Nếu chúng tôi tỏ ra mềm mỏng, chúng tôi sẽ trở thành mục tiêu của làn sóng chỉ trích ồ ạt tại quê nhà”, Đại tá Zhao cho biết.

Ông Zhao cho rằng đây là thách thức chưa từng có tiền lệ với quan chức Trung Quốc - những người còn phải làm hài lòng cả ban lãnh đạo nước này.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là ngoại giao và kết bạn. Nhưng (với lập trường cứng rắn), chúng tôi không thể kết thêm bạn, thậm chí có thể khoét sâu căng thẳng”, ông Zhao nói.

Bài phát biểu hiếm hoi

Vì sao Trung Quốc khó kết bạn và không được lắng nghe? - 2

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Trung dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore (Ảnh: China Daily)

 

Áp lực càng trở nên nặng nề hơn khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đăng đàn phát biểu hôm 2/6 trong lần xuất hiện hiếm hoi tại Đối thoại Shangri-La. Ông là quan chức quốc phòng cấp cao nhất của Trung Quốc dự sự kiện này trong vòng 8 năm.

Do lo ngại về phản ứng của dư luận trong nước với bài phát biểu của Tướng Ngụy, Bắc Kinh đã yêu cầu truyền thông Trung Quốc hạn chế đưa tin về bài phát biểu của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan. Động thái này của Trung Quốc nhằm tránh trường hợp bài phát biểu của ông chủ Lầu Năm Góc “lấn át” và khiến bài phát biểu của Tướng Ngụy trở nên yếu thế hơn.

Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa phát biểu với giọng điệu thách thức, tuyên bố “chiến đấu bằng mọi giá” để “tái thống nhất” Đài Loan, đồng thời tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng đấu tranh đến cùng với Mỹ trên mặt trận thương mại.

Thiếu tướng Jin Yinan tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, một thành viên của phái đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La, nhận định bài phát biểu của Tướng Ngụy đã không đáp ứng được kỳ vọng rằng Bắc Kinh thể hiện sự kiềm chế trước Washington. Bài phát biểu cũng cho thấy sự tự tin của Trung Quốc trên “sân khấu” quốc tế.

Công chúng trong nước phản ứng rất nhanh chóng và tích cực với bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Hàng chục nghìn người sử dụng mạng Internet tại Trung Quốc đã “đổ bộ” lên các trang mạng xã hội như Weibo để bày tỏ sự đồng tình với những tuyên bố cứng rắn của Tướng Ngụy.

 

Trong suốt một năm qua, bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ thông tin trên truyền thông nội bộ về chiến tranh thương mại, cấm đưa tin độc lập về tình hình căng thẳng. Tuy nhiên, kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ bị đổ vỡ vào đầu tháng 5, Trung Quốc đã tăng cường giọng điệu tuyên truyền về tinh thần dân tộc trên báo chí và truyền hình.

Trung Quốc cũng tìm cách gây chú ý với thế giới bằng những tuyên bố chính thức. Cùng ngày Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng công bố sách trắng, yêu cầu Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc các cuộc đàm phán thương mại bị đổ vỡ.

Một đại biểu Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La cho biết Bắc Kinh nhận thức được rằng Washington từ lâu đã chiếm được lợi thế định hướng dư luận toàn cầu. Do vậy, Trung Quốc cần nhanh chóng làm điều cần thiết để tiếng nói của mình được lắng nghe.

Trước khi Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa xuất hiện tại Đối thoại Shangri-La năm nay, Trung Quốc không gửi các quan chức cấp cao tới dự sự kiện này trong suốt 8 năm. Bắc Kinh không đánh giá cao tầm quan trọng của Đối thoại Shangri-La vì coi đây là “sân khấu” do Mỹ và các đồng minh thống trị để công kích Trung Quốc.

Năm 2002, Trung Quốc lập Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh để “đối trọng” với Đối thoại Shangri-La và nâng cao tiếng nói của nước này trong các vấn đề an ninh. Tuy nhiên, theo Collin Koh, nhà nghiên cứu Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, giới chức Trung Quốc hiểu rõ rằng Diễn đàn Hương Sơn không có sức ảnh hưởng và uy tín như Đối thoại Shangri-La.

 

Trong một động thái thể hiện sự ôn hòa hiếm hoi, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã đồng ý trả lời những câu hỏi về các vấn đề nhạy cảm từ các đại biểu quốc tế tham dự Đối thoại Shangri-La, bao gồm vấn đề Tân Cương và Thiên An Môn. Sự xuất hiện của Tướng Ngụy tại diễn đàn năm nay cũng như việc ông sẵn sàng trả lời các câu hỏi là tín hiệu cho thấy Trung Quốc có thể trở thành đối tác có trách nhiệm hơn trong các vấn đề quốc tế.

Andrea Thompson, Thứ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, nói rằng việc Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa tham dự Đối thoại Shangri-La năm nay là một “tín hiệu tích cực”. Bà Andrea hy vọng Trung Quốc sẽ cởi mở và minh bạch hơn trong việc giải quyết các vấn đề như kiểm soát vũ khí và an ninh mạng.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm