Quốc tế

Vụ bắt 'sếp' Huawei: Trung Quốc chật vật cân bằng lợi ích và cơn giận dân tộc

Chính quyền Trung Quốc đang chật vật tìm cách đảm bảo sự cân bằng mong manh giữa việc duy trì mối quan hệ vừa mới “tan băng” với Mỹ, đồng thời đáp trả Washington sau vụ bắt giữ giám đốc tài chính tập đoàn Huawei.

Giám đốc tài chính Huawei bị bắt có ít nhất 7 hộ chiếu / Lời cuối cùng của nhà báo Ả Rập Xê Út trước khi bị sát hại

 Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu (Ảnh: Daily News)

Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu (Ảnh: Daily News)

Nỗ lực cân bằng quan hệ với Mỹ đã được Trung Quốc thực hiện trong ngày hôm qua 9/12 khi Bắc Kinh triệu tập Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad để phản đối việc bắt giữ Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou). Trước đó không lâu, Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cảnh báo “những hậu quả nghiêm trọng” nhằm vào các nhà chức trách Canada vì đã bắt giữ bà Mạnh theo đề nghị của Mỹ.

“Chỉ bằng cách sửa chữa sai lầm của mình, ngay lập tức chấm dứt việc xâm phạm quyền lợi chính đáng và hợp pháp của công dân Trung Quốc và đưa ra cho người dân Trung Quốc một lời giải thích rõ ràng, Canada mới có thể tránh được việc phải trả giá đắt”, Nhân dân Nhật báo cảnh báo.

Tuy nhiên, cũng trong ngày hôm qua, trong một cuộc họp cấp cao tại Đại học Thanh Hoa ở thủ đô Bắc Kinh, với sự tham gia của 4 chủ nhân của giải thưởng Nobel trong lĩnh vực kinh tế từ Mỹ, một cố vấn cấp cao của ban lãnh đạo Trung Quốc đã mở đầu bài phát biểu của mình bằng việc ca ngợi mối quan hệ kinh tế sâu rộng hơn giữa hai nước và tránh đề cập tới việc bắt giữ giám đốc tài chính Huawei.

“Nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc là hợp nhất. Không thể chia tách con đường hợp tác này”, Ma Jianting, phó chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Phát triển - cơ quan tham vấn chính sách của chính quyền Trung Quốc, cho biết.

Phát biểu của ông Ma là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực tách bạch vấn đề liên quan tới vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, song vẫn phải duy trì lập trường đủ cứng rắn với Mỹ để xoa dịu cơn giận mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc.

 

Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt biện pháp để cải thiện mối quan hệ xuyên Thái Bình Dương kể từ khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố đình chiến thương mại tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vào cuối tháng trước. Đúng vào ngày hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung gặp mặt, bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại sân bay khi đang quá cảnh ở Canada.

Chỉ vài giờ sau khi thông tin bà Mạnh bị bắt ở Canada lan truyền ở Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết Bắc Kinh “hoàn toàn tự tin sẽ đạt được một thỏa thuận (với Mỹ) trong vòng 90 ngày”. Ông Gao cũng lần đầu tiên xác nhận tuyên bố trước đó của Nhà Trắng rằng, Trung Quốc sẽ mua thực phẩm, năng lượng và xe hơi của Mỹ sau thỏa thuận đình chiến. Tổng thống Trump đã nhất trí trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, Mỹ sẽ tạm hoãn kế hoạch tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/1/2019.

Trung Quốc cần đầu tư từ Mỹ

 Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau bên lề hội nghị G20 tại Argentina. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau bên lề hội nghị G20 tại Argentina. (Ảnh: Reuters)

Tại Mỹ hôm qua, Robert Lighthizer, đại diện thương mại dẫn đầu các cuộc đàm phán của Mỹ với Trung Quốc, tuyên bố ông cân nhắc mốc 1/3 là “hạn chót” cho các cuộc đàm phán với Bắc Kinh. Ông Lighthizer cũng cho biết các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu.

 

“Đây là vấn đề xét xử tội phạm. Điều này hoàn toàn tách biệt với những gì tôi đang làm cũng như những gì liên quan tới chính sách thương mại mà chính quyền Mỹ đang thực hiện”, ông Lighthizer khẳng định.

Các nhà chức trách Trung Quốc đang chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm cải cách kinh tế từ thời chính quyền Mao Trạch Đông trong tháng này, trong đó Bắc Kinh sẽ kêu gọi một loạt biện pháp để mở cửa nền kinh tế nhằm thu hút thêm thương mại và đầu tư nước ngoài. Lễ kỷ niệm được quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc và cũng là chủ đề của cuộc họp cấp cao tại Đại học Thanh Hoa hôm qua.

Theo New York Times, đây là cơ hội để Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện các biện pháp mở cửa thị trường Trung Quốc mà Mỹ đang tìm kiếm lâu nay, song vẫn không bị coi là nhượng bộ trước sức ép của Washington. Các biện pháp cuối cùng hiện vẫn là chủ đề được các nhà chức trách Trung Quốc thảo luận. Tuy nhiên một số phương án đã được xem xét nghiêm túc, bao gồm việc hạ hàng rào thuế quan cho các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, đồng thời khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế đang phát triển chậm lại của Trung Quốc.

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu đã làm phức tạp hóa đáng kể mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Vụ việc này cũng châm ngòi cho làn sóng giận dữ tại Trung Quốc - nơi Huawei, một trong những công ty tư nhân lớn nhất của Trung Quốc thành công nhất trên trường quốc tế, vốn được coi là niềm tự hào dân tộc.

Trong năm nay, khi Mỹ áp đặt hàng rào thuế quan cũng như các biện pháp khác nhằm kiềm chế nỗ lực của Trung Quốc trong việc nâng cao năng lực công nghệ của nước này, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu càng củng cố thêm niềm tin của nhiều người Trung Quốc rằng, Washington đang sử dụng mọi cách có thể để chặn đà trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc. Chính tâm lý này khiến các nhà cải cách kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc ủng hộ thỏa hiệp thương mại với Mỹ.

 

“Trung Quốc không kích động rắc rối. Nhưng Trung Quốc cũng không sợ rắc rối. Đừng ai đánh giá thấp sự tự tin, ý chí và sức mạnh của Trung Quốc”, Nhân dân Nhật báo nhấn mạnh.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm