WHO kêu gọi trì hoãn mũi tiêm tăng cường nhằm tăng tỷ lệ người được tiêm chủng
Ngày 23/8, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh các nước cần trì hoãn tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 bởi cần ưu tiên nâng tỷ lệ tiêm chủng tại những quốc gia mới chỉ có 1% hoặc 2% dân số được hưởng quyền lợi này.
Biến thể Delta tạo ra làn sóng dịch mới, nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục / COVID-19 tới 6h sáng 22/8: Mỹ, Anh dẫn đầu ca nhiễm mới; Ấn Độ phê duyệt vaccine công nghệ ADN đầu tiên trên thế giới
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto trong chuyến thăm tới Budapest, Tổng Giám đốc Adhanom Ghebreyesus nêu rõ trong trường hợp tỷ lệ tiêm chủng không được cải thiện trên toàn cầu, các nước sẽ đối mặt với nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể mới có khả năng lây nhiễm mạnh hơn. Do vậy, những mũi tiêm tăng cường nên dành để hỗ trợ các quốc gia hiện chưa đủ vaccine để tiêm cho người dân ít nhất một liều hoặc tiêm mũi thứ hai. Ông cũng nhấn mạnh rằng hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về hiệu quả của mũi tiêm tăng cường.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Adhanom Ghebreyesus cũng ủng hộ quan điểm tiêm mũi thứ ba cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch và nhóm đối tượng này chỉ chiếm một phần rất nhỏ dân số thế giới.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN.
Tuần trước, WHO cho biết các dữ liệu mới nhất chỉ ra rằng việc tiêm mũi tăng cường là không cần thiết và những người dễ bị tổn thương nhất nên được tiêm chủng đầy đủ trước khi một số quốc gia có thu nhập cao triển khai tiêm mũi tăng cường.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp do biến thể Delta, Chính phủ Mỹ đã thông báo kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho người dân trên cả nước, bắt đầu từ ngày 20/9 tới. Tương tự, Hungary cũng đã triển khai chiến lược tiêm chủng này đối với những người đã tiêm đủ liều trong vòng 4 tháng kể từ mũi tiêm thứ hai.
Trong các tuyên bố trước đó, các chuyên gia hàng đầu của WHO đã nêu quan điểm rằng chưa có cơ sở khoa học nào cho thấy cần phải tiêm vaccine liều tăng cường để ngừa COVID-19. Theo WHO, các loại vaccine trong danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) của cơ quan này đều có khả năng bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2 nếu người đó đã được tiêm đầy đủ. Do đó, WHO khẳng định các quốc gia giàu có không nên đặt mua thêm vaccine phòng COVID-19 để tiêm nhắc lại cho những người dân vốn đã được tiêm chủng đầy đủ, trong bối cảnh nhiều nước khác vẫn chưa nhận được vaccine.
Tổng Giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus nhận định khoảng cách toàn cầu về nguồn cung vaccine COVID-19 là rất không đồng đều và không công bằng. Một số quốc gia và khu vực đang đặt mua hàng triệu liều tăng cường, trước khi các quốc gia khác có nguồn cung vaccine để tiêm chủng cho các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất. Người đứng đầu WHO cũng chỉ ra rằng các nhà sản xuất vaccine Pfizer và Moderna là những công ty đang hướng tới việc cung cấp các mũi tiêm nhắc lại ở những quốc gia đã có mức độ tiêm chủng cao. Theo ông, thay vào đó, họ nên chuyển liều lượng vaccine của mình sang chương trình chia sẻ vaccine COVAX, chủ yếu dành cho các nước có thu nhập trung bình và nghèo hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo