Quốc tế

Xe tuần tra của Nga 'nát bươm' vì trúng bãi mìn ở Syria

Mặc dù đã tuyên bố đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và kiểm soát nhiều địa bàn chiến lược nhưng quân đội Nga - Syria vẫn luôn phải đề phòng các cuộc tập kích của phiến quân.

Vào ngày 11/10, cuộc tuần tra chung của lực lượng an ninh Syria và cảnh sát quân sự (quân cảnh) Nga đã bị tấn công bằng một thiết bị nổ tự chế (IED) ở vùng nông thôn phía Tây Daraa, Syria.

Hãng thông tấn Al Masdar News dẫn nguồn từ một blogger thân chính phủ báo cáo rằng cuộc tuần tra đã diễn ra trên một con đường nối các thị trấn trọng điểm của Inkhil và Jasim.

Ít nhất 1 cảnh sát quân sự Nga cùng 2 binh sĩ quân đội chính phủ Syria đã bị thương do cuộc tấn công này, Al Masdar News báo cáo.

Tháng 7 năm ngoái, một chiếc xe của quân cảnh Nga cũng trở thành mục tiêu tấn công bằng IED ở vùng nông thôn phía Đông Daraa. Khi đó Bộ Quốc phòng Nga nói rằng không có ai thiệt mạng hay bị thương trong vụ tấn công.

Bộ Quốc phòng Nga hiện tại vẫn chưa xác nhận về cuộc tấn công mới diễn ra. Họ thường chỉ đưa ra một tuyên bố về các sự cố như vậy trong vòng 24 giờ sau khi đã có báo cáo chi tiết.

Cho đến nay không có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Tuy nhiên, các tay súng tàn quân IS được báo cáo là vẫn còn hoạt động trong khu vực đã được quân đội Chính phủ Syria (SAA) giải phóng vào năm ngoái.

Thực tế vấn đề giải quyết dứt diểm tàn quân khủng bố đã được chứng minh rằng đôi khi còn khó khăn hơn nhiều so với việc đánh thắng trong giao tranh trực tiếp trên chiến trường.

Những tay súng phiến quân giờ đây không còn lộ mặt một cách rõ ràng nữa mà chúng trà trộn lẫn vào trong dân thường, khiến cho công tác nhận diện rất khó khăn.

Sau khi hoàn thành mỗi phi vụ tập kích, các phần tử khủng bố lại rút lui và biến mất gần như không dấu vết trong sa mạc, sự thông thạo địa bàn trong trường hợp này chính là lợi thế.

Nguy hiểm nhất đối với những cuộc tuần tra liên hợp của lực lượng an ninh Syria và quân cảnh Nga chính là các loại bom, mìn tự chế được gài ven tuyến đường di chuyển.

Thiết bị nổ tự chế thường không có hình dạng nhất định, sẽ dễ dàng hơn cho việc phát hiện nếu chúng được chế tạo từ bom đạn chưa nổ, nhưng tỷ lệ loại này không nhiều.

Phổ biến hơn là các loại bom, mìn chế tạo từ đồ gia dụng hàng ngày hoặc tận dụng các loại vỏ hộp bằng nhựa để nhồi thuốc nổ cùng kim loại bên trong, rất dễ vô hiệu hóa thiết bị dò tìm.

Báo cáo của quân đội Mỹ tại Iraq và Afghanistan cho thấy thiết bị nổ tự chế ven đường chính là tác nhân gây thương vong cho binh sĩ của họ còn lớn hơn cả trong lúc giao tranh trực tiếp.

Để triệt tiêu hoàn toàn nguy cơ, biện pháp duy nhất là quân đội Nga và Syria cần kết hợp mở một chiến dịch truy quét quy mô lớn nhằm xóa sổ toàn bộ các căn cứ của tàn quân IS tại khu vực đã giải phóng.

Theo Bạch Dương/An ninh Thủ đô
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo