Quốc tế

Xung đột Nga - Ukraine: Lằn ranh đỏ mới, bước ngoặt nguy hiểm mới?

Bước vào tháng thứ ba của cuộc xung đột Nga - Ukraine, chưa ai biết kết cục sẽ ra sao. Chỉ biết rằng, tình hình đang leo thang nguy hiểm.

Cực nóng: Nga tuyên bố không có gì để đàm phán, Ukraine sẽ sơ tán dân thường khỏi Azovstal / Mỹ đang cạn tiền hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga

Trên truyền thông phương Tây, các nhà phân tích không né tránh bàn về nguy cơ chiến tranh thế giới thứ ba hay chiến tranh hạt nhân. Tuần này, chúng ta thấy sự công khai đối đầu giữa Nga và các nước phương Tây được nâng lên một mức mới. Càng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang đối đầu với khối NATO chứ không phải chỉ với Ukraine. Đây là một bước ngoặt nguy hiểm mà cả thế giới đang dõi theo.

Phương Tây đẩy mạnh cung cấp vũ khí cho Ukraine

Các nỗ lực chuyển vũ khí cho Ukraine đang được gấp rút thực hiện sau khi Nga tuyên bố bước sang giai đoạn hai của chiến dịch quân sự đặc biệt. Tổng thống Joe Biden đã đề nghị phê chuẩn gói viện trợ mới trị giá 33 tỷ USD dành cho Ukraine, trong đó 11,4 tỷ USD để mua sắm trang thiết bị quân sự. Quốc hội Mỹ cũng thông qua đạo luật chương trình viện trợ Cho vay - Cho thuê thời Thế chiến II, trong đó cho phép Mỹ cho vay hoặc viện trợ khí tài quân sự đến các nước đồng minh trong thời gian ngắn nhất.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Chúng tôi đang điều phối một luồng vũ khí và hệ thống đáng kể từ các đồng minh và đối tác của Mỹ trên khắp thế giới đến Ukraine. Sự hỗ trợ đó đang được tiến hành với tốc độ chưa từng có".

Hiện tại mỗi ngày có khoảng 8-10 chuyến bay chuyển vũ khí đến các căn cứ NATO nằm gần Ukraine, chủ yếu là Ba Lan và Romania. Đức cũng đã lần đầu tiên cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine.

Xung đột Nga - Ukraine: Lằn ranh đỏ mới, bước ngoặt nguy hiểm mới? - Ảnh 1.

Nỗ lực chuyển vũ khí cho Ukraine đang được các nước phương Tây gấp rút thực hiện

Theo bà Liz Truss - Bộ trưởng Ngoại giao Anh: "Sự phân biệt giữa viện trợ vũ khí phòng thủ và vũ khí tấn công đã trở thành cái cớ để một số nước do dự. Nhưng thời gian đó đã qua rồi, các đồng minh NATO đang cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine để ngăn chặn Nga và giành lại lãnh thổ".

Mỹ cũng đã nhóm họp với Bộ trưởng Quốc phòng 40 nước đồng minh để tăng cường khả năng quân sự của Ukraine. Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ muốn nhìn thấy Nga suy yếu và tin rằng Ukraine có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến nếu có vũ khí thích hợp. Phương Tây cũng đang tính đến một sự viện trợ dài hạn dành cho Kiev.

Ông Jens Stoltenberg - Tổng Thư ký NATO: "Chúng tôi cần chuẩn bị về lâu dài. Tình hình ở Ukraine là rất khó lường và mong manh, hoàn toàn có khả năng cuộc chiến này sẽ kéo dài nhiều tháng thậm chí nhiều năm nữa".

Nga nhiều lần chỉ trích việc Mỹ và đồng minh cung cấp vũ khí cho Ukraine là hành động nguy hiểm, đồng thời cảnh báo bất cứ lô vũ khí nước ngoài nào vào Ukraine cũng có thể trở thành mục tiêu hợp pháp của lực lượng Nga. Gần đây nhất, Nga đã tấn công bằng tên lửa Kalibr từ tàu hải quân ở Biển Đen, phá hủy là một nhà kho quân sự ở Ukraine chứa vũ khí và đạn dược lớn do các nước phương Tây viện trợ. Mục tiêu của Nga là cắt đường viện trợ vũ khí của phương Tây cho Ukraine.

Xung đột Nga - Ukraine: Lằn ranh đỏ mới, bước ngoặt nguy hiểm mới? - Ảnh 2.

Ông Evgeny Buzhinskiy - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chính trị Nga khẳng định: "Tất cả vũ khí được vận chuyển vào Ukraine từ Ba Lan, chúng được tập hợp ở phía Tây của Ukraine và sau đó được vận chuyển bằng đường sắt đến chiến trường phía Đông. Con đường này nên được cắt bỏ ngay lập tức".

 

Viện trợ vũ khí và phá hủy kho vũ khí được viện trợ, cả Nga và phương Tây đều đang ăn miếng trả miếng, khiến cuộc chiến tại Ukraine ngày một kéo dài.

Cảnh báo về chiến tranh thế giới thứ ba

Cả hai phía, Nga và phương tây đang tỏ ra kiên quyết hơn về lập trường trong cuộc xung đột tại Ukraine. Khi các nước phương Tây đổ thêm các loại vũ khí mới vào Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói rằng, mối nguy hiểm đã ở mức nghiêm trọng và mối đe dọa chiến tranh hạt nhân là có thật.

Phát biểu trên truyền hình vào ngày thứ 61 của chiến dịch quân sự đặc biệt, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo, chiến tranh thế giới thứ ba có nguy cơ xảy ra và phương Tây đang tham chiến với Nga vì gửi vũ khí cho Kiev. Tình hình hiện nay ở Ukraine là do Mỹ và các nước đồng minh trong NATO đã theo đuổi giấc mộng đơn cực và mở rộng không giới hạn về phía lãnh thổ Nga.

Xung đột Nga - Ukraine: Lằn ranh đỏ mới, bước ngoặt nguy hiểm mới? - Ảnh 3.

Tổng thống Joe Biden: Mỹ đang điều phối một luồng vũ khí và hệ thống đáng kể từ các đồng minh và đối tác của Mỹ trên khắp thế giới đến Ukraine

 

"Tôi không muốn nâng cao những rủi ro đó một cách giả tạo. Nguy hiểm là nghiêm trọng và có thật, chúng ta không được đánh giá thấp nó. NATO, thực chất đang tham gia vào một cuộc chiến tranh với Nga thông qua một thế lực trung gian và NATO đang cung cấp vũ khí cho thế lực trung gian này. Điều này có nghĩa là chiến tranh", ông Sergey Lavrov nói.

Mỹ và các nước phương Tây đánh giá như thế nào về cảnh báo của Nga, đó là điều được giới quan sát quan tâm trong lúc này. Liệu Mỹ có xem nhẹ những cảnh báo đó?

Ông Ned Price - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Tất nhiên, khi nói đến khả năng leo thang hạt nhân, chúng tôi rất chú ý đến các hoạt động của Nga, những gì họ đang làm".

Để đánh giá khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân, những sự kiện trong quá khứ có thể cung cấp những dữ liệu quan trọng. Đầu tiên phải kể đến cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi đó Mỹ triển khai 15 tên lửa tầm trung Jupiter tại Thổ Nhĩ Kỳ. Những tên lửa này có khả năng mang đầu đạn nguyên tử, cũng như dễ dàng tấn công Nga. Để đáp trả, Liên Xô điều động quân đội và tên lửa tầm trung đến Cuba. Tuy nhiên căng thẳng cuối cùng cũng hạ nhiệt, Nga rút quân và vũ khí, còn Mỹ từ bỏ kế hoạch xâm lược Cuba và rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Xung đột Nga - Ukraine: Lằn ranh đỏ mới, bước ngoặt nguy hiểm mới? - Ảnh 4.

Mỹ cũng đã nhóm họp với Bộ trưởng Quốc phòng 40 nước đồng minh để tăng cường khả năng quân sự của Ukraine.

 

Lần thứ hai là vào năm 1973, khi chiến tranh Arab - Israel thứ tư xảy ra. Việc Liên Xô định triển khai quân giải cứu Syria khiến nước này suýt rơi vào cuộc đối đầu hạt nhân với Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ mới được bổ nhiệm lúc đó là Henry Kissinger đã bắt đầu chương trình mang tên "ngoại giao con thoi". Nguy cơ chiến tranh hạt nhân được dập tắt.

Như vậy, trong hầu hết giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã cố gắng hết sức để tránh các cuộc đối đầu có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Còn bây giờ, giới quan sát lo ngại những bài học này dường như không áp dụng cho cuộc chiến tại Ukraine hiện nay. Mỹ và phương Tây đang đối phó tình hình với Nga một cách cứng rắn và quyết liệt, không với cái đầu lạnh như những người tiền nhiệm.

Ông Philips P. O'Brien - Đại học St Andrews, Scotland nhìn nhận: "Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã sử dụng cụm từ 'chiến thắng trong cuộc chiến', 'giúp Ukraine chiến thắng trong cuộc chiến'. Điều này cho thấy cam kết của Mỹ với Ukraine, giúp Ukraine theo những cách tiên tiến hơn nhiều vì họ tin rằng Ukraine có thể chiến thắng trong cuộc chiến, và đó là sự khác biệt. Từ chỗ nghĩ rằng Ukraine có thể phòng thủ, sử dụng chiến tranh du kích, thì đến giờ họ tin rằng Ukraine có thể gây ra nhiều thiệt hại cho Nga và buộc phải đàm phán hòa bình theo các điều khoản của Ukraine".

Chính sách của Mỹ với Ukraine đang thay đổi. Ít có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ tỏ ra nhượng bộ dù Nga đang cảnh báo viễn cảnh một thảm họa hạt nhân.

Xung đột Nga - Ukraine: Lằn ranh đỏ mới, bước ngoặt nguy hiểm mới? - Ảnh 5.

Các vụ tấn công cũng xảy ra tại vùng đất Transnistria

 

Ông Florent Parmentier - Học viện Sciences-Po Paris, Pháp cảnh báo: "Chúng ta phải lo lắng về điều đó, vì một số bước đi đã vượt qua lằn ranh đỏ, cấm kỵ từ đầu cuộc chiến ở Ukraine, vì vậy không thể làm ngơ rằng tuyên bố về mối đe dọa của thế chiến thứ ba không tồn tại".

Theo các chuyên gia quốc phòng, những gì diễn ra trước ngày 24/2 cho thấy, khi Moscow bị đẩy đến lằn ranh đỏ, Điện Kremlin có thể tiến hành những hành động không lường trước được. Và đó là điều không tốt lành cho an ninh của châu Âu.

Nguy cơ chiến tranh Nga - Ukraine lan rộng

Những ngày cuối tháng Tư, các vụ tấn công cũng xảy ra tại vùng đất Transnistria nhằm vào căn cứ quân sự, trụ sở cơ quan an ninh và các cơ sở viễn thông. Transnistria là vùng lãnh thổ ly khai từ Moldova - một quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ. Dải đất nhỏ hẹp nằm giữa biên giới Ukraine và Moldova đang có 1.500 lính Nga đồn trú. Hiện Moscow đang hỗ trợ nền kinh tế của Transnistria, cung cấp khí đốt miễn phí cho vùng lãnh thổ này.

Phe ly khai thân Nga tại Transnistria tố cáo lực lượng Ukraine đứng sau vụ việc. Trong khi Kiev cho rằng, đây là những cuộc tấn công được dàn dựng để Nga có cớ bổ sung quân lực tại Transnistria, tương tự như những gì diễn ra ở vùng Donbass trước khi Moscow mở chiến dịch quân sự ngày 24/2.

 

Xung đột Nga - Ukraine: Lằn ranh đỏ mới, bước ngoặt nguy hiểm mới? - Ảnh 6.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói: "Quân đội Nga thường xuyên đóng quân tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của Moldova, cụ thể là tại Trans-Dniester trong nhiều năm. Chúng tôi biết rằng họ luôn sẵn sàng chiến đấu để chờ lệnh".

Bà Maria Zakharova - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: "Chúng tôi rất quan ngại về căng thẳng leo thang ở Transdniestria. Chúng tôi coi những hành động đó là khủng bố và nhằm làm mất ổn định tình hình trong khu vực. Chúng tôi cực lực lên án những nỗ lực lôi kéo Transdniestria vào những gì đang xảy ra ở Ukraine".

Những tuyên bố sau của hai bên đang theo hướng nguy cơ chiến sự lan rộng. Ông Alexei Arestovich, cố vấn Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, nếu Moldova yêu cầu, quân đội Ukraine sẵn sàng chiếm khu vực Transnistria. Còn hãng thông tấn TASS dẫn lời Tướng Minnekayev của Nga cho biết, kể từ khi bước vào giai đoạn mới của chiến dịch quân sự đặc biệt, một trong những nhiệm vụ của quân đội Nga là thiết lập toàn quyền kiểm soát khu vực Donbass và miền Nam Ukraine. Theo ông Minnekayev, khi kiểm soát được miền Ðông và miền Nam Ukraine, quân đội Nga sẽ mở con đường dẫn tới vùng Transnistria ở Moldova - nơi một số cộng đồng nói tiếng Nga đang bị chèn ép.

Về phía Moldova, Tổng thống nước này Maia Sandu đã thể hiện rõ sự lo ngại về tình hình Transnistria. Tổng thống Moldova cũng muốn quân đội Nga đóng quân dọc biên giới Transnistria với Moldova được thay thế bằng một phái đoàn quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu - một đề xuất mà Moscow bác bỏ.

Xung đột Nga - Ukraine: Lằn ranh đỏ mới, bước ngoặt nguy hiểm mới? - Ảnh 7.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov: Thực chất NATO đang tham gia vào cuộc chiến tranh với Nga thông qua một thế lực trung gian

 

Liên hợp quốc thúc đẩy nỗ lực chấm dứt xung đột

Ngày 26/4, Tổng thư ký LHQ đến Moscow với mục tiêu kêu gọi Nga ngừng bắn để sơ tán thường dân khỏi các vùng chiến sự, nhất là ở miền Đông và miền Nam Ukraine. Và ông đã nhận được sự cam kết từ Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: "Chúng tôi nghe chính quyền Ukraine nói có thường dân ở đó, vậy thì quân đội Ukraine nên để dân thường rời đi|.

Thiết lập hành lang nhân đạo, sơ tán người dân khỏi vùng chiến sự cũng là nội dung thảo luận giữa Tổng thư ký LHQ và Tổng thống Ukraine khi ông đặt chân tới Kiev. Ông Guterres tuyên bố LHQ đang nỗ lực hết mình để đưa những người dân mắc kẹt ra khỏi khu vực nhà máy thép tại thành phố Mariupol, nơi đang xảy ra xung đột. "Cuộc chiến này phải kết thúc và hòa bình phải được thiết lập phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Tôi ở đây để nói với ngài Tổng thống và với người dân Ukraine rằng chúng tôi sẽ không bỏ cuộc".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy: "Tôi tin tưởng rằng Tổng thư ký và tất cả chúng ta sẽ có thể có một kết quả thành công, để mọi người sống sót trở về".

 

Chuyến thăm Nga và Ukraine được cho là cơ hội để Tổng thư ký Guterres giành lại thế chủ động của LHQ trong vấn đề Ukraine. Ông Guterres cũng thừa nhận Hội đồng Bảo an LHQ đã không ngăn chặn được cuộc xung đột ở Ukraine.

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm