Thị trường

Quỹ bảo lãnh… không khả thi?

Ở nước ta, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hàng năm đã tạo thêm trên nửa triệu lao động mới; sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP. Số tiền thuế và phí mà các DNNVV tư nhân nộp đã tăng 18,4 lần sau 10 năm... Tuy nhiên, hiện nay chỉ có khoảng 30% DNNVV tiếp cận được vốn ngân hàng, 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác. Nguyên nhân quan trọng nhất là DNNVV không có hoặc không đủ tài sản thế chấp.

Ngày 15/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thay thế Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg ngày 20/12/2001. Theo quy chế mới, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV cũng sẽ khó có thể hình thành và hoạt động. Bởi lẽ, cản ngại lớn nhất là nguồn vốn của quỹ vẫn chưa được giải quyết.

 
Theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg, vốn điều lệ của quỹ gồm: Vốn cấp của ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; vốn góp của các tổ chức tín dụng (TCTD); vốn góp của các DN khác; vốn góp của các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức đại diện và hỗ trợ DNNVV.
 
Quy định đó sẽ không khả thi, bởi ngân sách hiện rất eo hẹp, không có nguồn để cấp vốn cho quỹ. Không có quy định nào của pháp luật bắt buộc các TCTD phải đóng góp vào quỹ, trong khi đó, quỹ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nên góp vốn vào quỹ không thể là một hoạt động kinh doanh.
 
Các DN góp vốn vào quỹ là kênh huy động thiếu khả thi nhất. Bản thân các DNNVV- đối tượng đang thiếu vốn- sẽ không thể có vốn để góp vào quỹ. Các DN lớn, không thuộc đối tượng được bảo lãnh, sẽ đứng ngoài cuộc vì không được hưởng lợi ích gì. Yêu cầu các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức đại diện và hỗ trợ DNNVV góp vốn đúng về lý thuyết song không phù hợp thực tiễn, bởi “căn bệnh” khó khăn về tài chính tồn tại “kinh niên”.
 
Vẫn biết thu ngân sách chưa hết khó, song không có nghĩa là ngân sách nhà nước không thể dành khoảng 10.000 tỷ đồng để thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Bởi, chỉ có ngân sách nhà nước mới có thể đảm nhiệm được nhiệm vụ khó khăn này. Hơn nữa, cần phải coi việc cấp vốn hình thành Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV là một khoản đầu tư từ ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV để 10 hoặc 20 năm tới, trong cộng đồng DN Việt Nam sẽ có những tập đoàn lớn sánh ngang với Samsung, Toyota, Ford, IBM... trên thế giới.
 
Quan trọng hơn, việc đầu tư hình thành Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV từ Trung ương đến địa phương cần được điều chỉnh bằng một văn bản quy phạm pháp luật cao hơn: Luật Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.
Báo Công Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo