Tin tức - Sự kiện

Quỹ đầu tư chuyển sang quỹ mở

Một số quỹ đầu tư đã và đang làm thủ tục để chuyển sang mô hình quỹ mở (có thể bán lại chứng chỉ quỹ hay rút vốn bất cứ lúc nào) để tồn tại.
Lối ra ?
 
Trong tháng 3 vừa qua, Quỹ đầu tư (QĐT) năng động Việt Nam (VFA) chính thức hủy niêm yết trên sàn TP.HCM để chuyển đổi từ mô hình quỹ đóng sang quỹ mở. Đây là quỹ đóng đầu tiên tại Việt Nam chuyển sang mô hình này. QĐT chứng khoán Việt Nam (VF1) cũng đã được các cổ đông đồng ý với kế hoạch chuyển đổi sang quỹ mở.
 
Ông Phạm Khánh Lynh - Phó tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Việt Nam - cho biết trong thời gian tới công ty cũng sẽ chuyển đổi các QĐT còn lại sang mô hình quỹ mở vì hầu hết quỹ đóng hiện nay rơi vào tình trạng tỷ lệ chiết khấu cao (chênh lệch giữa giá trị tài sản ròng (NAV) với giá giao dịch trên thị trường). Ví dụ, tính đến ngày 18.4, NAV của VF1 đạt 17.062 đồng/chứng chỉ quỹ nhưng giá giao dịch trên sàn chỉ xoay quanh mức 14.500 đồng/chứng chỉ quỹ (tỷ lệ chiết khấu gần 20%). Vì vậy các quỹ này luôn phải đối diện với áp lực bị nhà đầu tư yêu cầu đóng cửa, thanh lý tài sản vì sẽ có lợi nhuận cao hơn. Chuyển sang quỹ mở là lối ra để tồn tại mà nhiều QĐT lựa chọn.
 
Bản thân VFA cũng đã thành lập QĐT trái phiếu Việt Nam (VMB) theo mô hình quỹ mở chuyên đầu tư vào trái phiếu vào cuối tháng 2 năm nay với tổng giá trị vốn huy động ban đầu là 50 tỉ đồng. QĐT theo mô hình quỹ mở thứ hai là MB Capital Việt Nam (MBBF) thuộc Công ty quản lý quỹ MB cũng chuyên đầu tư vào trái phiếu. Theo ông Ngô Long Giang - Giám đốc điều hành MBBF - tính đến nay quỹ đã chào bán và huy động được hơn 54 tỉ đồng. Quỹ này sẽ tập trung chính vào đầu tư trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để đảm bảo tính an toàn và thanh khoản cho hoạt động của QĐT.
 
Áp lực thanh khoản
 
QĐT dạng mở có ưu điểm lớn nhất trong mắt nhà đầu tư là có thể rút vốn lại bất kỳ lúc nào khi có nhu cầu. Nhưng đây cũng là một áp lực cho ban điều hành quỹ để luôn đảm bảo được lượng tiền mặt đủ đáp ứng để mua lại chứng chỉ quỹ mà nhà đầu tư bán lại. Ông Phạm Khánh Lynh chia sẻ: Việc xác định một tỷ lệ tiền mặt nhất định của quỹ nhưng đồng thời cũng đảm bảo tỷ lệ sinh lời của quỹ là điều không dễ. Đây sẽ là một thử thách cho đơn vị quản lý quỹ.
 
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng quỹ mở hầu như chỉ tập trung đầu tư vào các loại chứng khoán có tính thanh khoản cao. Vì vậy thị trường vẫn có những quỹ đóng để đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác. Theo ông Chris Freund - Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Mekong Capital - các QĐT tư nhân khi quyết định đầu tư vào các công ty chưa niêm yết thì phải nắm giữ lâu dài. Chưa có một quỹ cổ phần tư nhân chưa niêm yết nào trên thế giới thành công mà là quỹ mở. Bản thân Mekong Capital trong thời gian tới sẽ khai trương quỹ Mekong Enterprise Fund III hoạt động theo mô hình quỹ đóng.
 
“Việc gây quỹ đối với các quỹ mở sẽ dễ dàng hơn vì các nhà đầu tư có thể nhanh chóng rút lại tiền đầu tư. Nhưng quỹ mở chỉ phù hợp cho các QĐT vào cổ phiếu có tính thanh khoản vì dễ bán. Các quỹ cổ phần tư nhân chưa niêm yết sẽ khó gây quỹ hơn vì các nhà đầu tư sẽ không được rút vốn trong thời hạn có thể lên tới 10 năm”, ông Chris Freund nói.
 
Tổng giám đốc một QĐT nước ngoài tại TP.HCM cũng cho rằng xu hướng chuyển sang quỹ mở sẽ tăng dần, nhất là đối với các QĐT nội địa. Việc cho phép quỹ mở ra đời và hoạt động sẽ tạo thêm sự đa dạng trên thị trường tài chính, thu hút thêm sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo TNO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo