Tin tức - Sự kiện

Quy định “đá” nhau, doanh nghiệp gỗ chịu trận

Các doanh nghiệp gỗ đang than phiền, bức xúc khi Bộ Tài chính yêu cầu phải kiểm hóa 100% số mặt hàng gỗ khi xuất khẩu và quy định không hoàn thuế với những lô hàng gỗ quá thời hạn 365 ngày. Điều này gần như “áp đặt” thời hạn kinh doanh và “trói” doanh nghiệp. Chính ngành hải quan cũng cho rằng quy định đó đang chồng chéo với các văn bản hiện hành.

Xe gỗ ùn tắc nghiêm trọng tại cửa khẩu La Lay (Quảng Trị) đầu tháng 1 vì vướng Công văn 19128 của Bộ Tài chính.

 

Doanh nghiệp bị “trói”?

 
Trước đó, ngày 30.12.2014, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã ký Công văn số 19128 chỉ đạo các cục hải quan, cục thuế địa phương “không được thực hiện thủ tục hoàn thuế đối với các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, gỗ nhập khẩu sau đó tái xuất nhưng quá hạn 365 ngày kể từ ngày nhập khẩu”. “Trường hợp trong hạn 365 ngày thì cơ quan hải quan phải kiểm tra thực tế 100% số lô hàng khi nhập khẩu và kiểm tra thực tế 100% số lô hàng khi tái xuất thì mới đủ điều kiện hoàn thuế”.
 
Công văn có hiệu lực ngày 1.1.2015, thì ngay sau đó, tại cửa khẩu xảy ra ùn tắc nhiều xe gỗ. Cụ thể như tại cửa khẩu La Lay (Quảng Trị) ùn tắc nghiêm trọng mà báo Lao Động số 10 ngày 13.1 đã phản ánh. Ngay trong ngày 13.1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã có văn bản số 404 hướng dẫn thực hiện công văn 19128. Văn bản mới hướng dẫn chỉ thực hiện kiểm tra 100% số hàng hóa nhập khẩu khi phát hiện dấu hiệu gian lận thương mại, buôn lậu và giữ quan điểm buộc kiểm tra 100% số lô hàng khi tái xuất. Sự việc khiến các doanh nghiệp kinh doanh gỗ tiếp tục than phiền, bức xúc.
 
Ông Trần Phát Đạt - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) - nói: “Bộ Tài chính vẫn yêu cầu kiểm tra thực tế 100% số lô hàng khi tái xuất” là không phù hợp với Luật Hải quan, với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian thông quan. Bởi Luật Hải quan quy định thời gian thông quan một lô hàng phải kiểm tra là 8 tiếng đồng hồ. Nếu kéo dài thì cũng không quá 2 ngày. Do đó, khi phải kiểm tra thực tế 100% số lô hàng là gỗ thì không thể đáp ứng được yêu cầu về thời gian như thế. Thậm chí còn phải chậm cả tháng” - ông Đạt nói.
 
Về quy định không hoàn thuế nếu quá 365 ngày, ông Đạt bức xúc cho rằng, Nghị định 87 của Chính phủ không quy định về thời gian, Thông tư 128 của Bộ Tài chính cũng chỉ quy định nếu quá 365 ngày thì báo cáo lên Tổng cục Hải quan, lên Bộ Tài chính xem xét.

Văn bản chồng chéo
 
Ông Hoàng Trọng Tài - Phó Chi cục Hải quan Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) - cũng cho rằng, Thông tư 128 không quy định phải kiểm hóa 100% số lô hàng, nhưng Công văn 19128/BTCTCHQ lại yêu cầu. Công văn 19128 còn quy định không hoàn thuế đối với hàng hóa quá hạn 365 ngày. Đối chiếu với các quy định luật, nghị định và thông tư thì có những cái mâu thuẫn, cần điều chỉnh trên hệ thống. “Trên họ làm nhưng khi đánh giá thì không thực tiễn, họ đánh giá về mặt lý luận thôi. Nhưng họ đã chỉ đạo thì mình phải theo” - ông Tài nói.
 
Điều 112, thông tư 128 ngày 10.9.2013 do Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký, quy định đối với hàng hóa tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan: “Trường hợp quá 365 ngày, cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hoàn thuế, không thu thuế, kiểm tra cụ thể và báo cáo Tổng cục Hải quan để báo cáo Bộ Tài chính xem xét, xử lý từng trường hợp cụ thể”. Thế nhưng, chính Công văn 19128 cũng do Thứ trưởng Tuấn ký lại yêu cầu không hoàn thuế.
 
Luật sư Lê Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Lê Hùng (Hà Tĩnh) - cho rằng Công văn 19128 đã làm trái các quy phạm pháp luật được quy định bởi luật, nghị định và thông tư hướng dẫn. Việc các đơn vị hải quan, thuế chấp hành chỉ đạo theo văn bản này cũng sai, bởi đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật, cũng không phải là văn bản áp dụng luật, mà là văn bản mang tính chất hướng dẫn.
 
 
Theo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo